Phù Yên, Sơn La đón mùa cam ngọt

Với trên 2.000ha đất nông nghiệp, đa phần màu mỡ, tầng canh tác dầy cùng với sự cần cù chịu khó của bà con nông dân chính là tiền đề quan trọng để huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La lựa cây, chọn đất phát triển kinh tế nông nghiệp một cách bền vững. Trên những vạt nương, triền dốc, cây ngô, cây sắn đang dần được thay thế bởi những rặng cam xum xuê trái ngọt.

Cây ngô, cây sắn đang dần được thay thế bởi những rặng cam xum xuê trái ngọt.

Trên vườn cam rộng hơn 1 ha, hiếm có ngày nào vợ chồng anh Nguyễn Văn Quyết, chị Đàm Thị Hiền vắng mặt. Chỉ 5 năm trước, khu vườn này chỉ trồng ngô, song bỏ rất nhiều công sức mà cây ngô vẫn không giúp gia đình anh chị thoát nghèo. Qua tham quan, học hỏi từ các mô hình trồng cây ăn quả ở 1 số tỉnh, anh chị mạnh dạn trồng 300 cây cam đường và 200 gốc quýt ngọt. Những ngày này, anh chị đang dồn sức thu hoạch những trái cam đã chín, ngon ngọt để giới thiệu với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.

Chị Đàm Thu Hiền, HTX Nghĩa Hưng, xã Mường Cơi, huyện Phù Yên chia sẻ: Trong quá trình trồng, chúng tôi luôn tuân thủ theo các quy trình chăm sóc, sử dụng các loại thuốc đúng theo danh mục cho phép cho cây có múi, luôn chú trọng đảm bảo sức khỏe cho bản thân và người tiêu dùng.

Cũng như gia đình anh Quyết, chị Hiền, hiện nay các hộ trồng cam ở HTX trồng cây ăn quả có múi Nghĩa Hưng xã Mường Cơi đang tất bật thu hoạch mùa cam ngọt sau bao năm vất vả vun trồng. Gia đình anh Nguyễn Đức Cường cũng là thành viên HTX trồng cây ăn quả có múi Nghĩa Hưng, bắt đầu trồng loại bưởi da xanh và bưởi Diễn từ 3 năm nay với gần 1 ha. Năm nay là năm đầu tiên cho quả bói nhưng cũng mang lại hiệu quả kinh tế rất cao so với trồng các loại cây khác.

Nhiều hộ dân huyện Phù Yên đã có cuộc sống thay đổi hẳn nhờ trồng cam, quýt, bưởi.

Anh Nguyễn Đức Cường, HTX trồng cây ăn quả có múi Nghĩa Hưng, xã Mường Cơi cho biết: Qua quá trình trồng, tôi nhận thấy cây ăn quả có múi mang lại hiệu quả kinh tế rất cao. Trong đợt tháng 6 vừa rồi gia đình cũng bán một ít bưởi non cho các gia đình ở Văn Giang, Hưng Yên mua về để ghép vào cây bưởi cảnh dưới xuôi được 10.000 đồng/quả. Bưởi da xanh mới bói có cây đến 60 quả, quả to bán được 70-80.000 đồng/quả, quả trung bình bán được 50-60.000/đồng/quả, so với trồng ngô, trồng đỗ thì lợi hơn hẳn.

Hiện nay, xã Mường Cơi có khoảng gần 60 ha cây ăn quả có múi gồm cam đường canh, cam Vinh, quýt ngọt, bưởi da xanh, bưởi Diễn được trồng vào những diện tích ngô, sắn trước đây. Riêng HTX trồng cây ăn quả có múi Nghĩa Hưng có 28,5 ha; trong đó, đang cho thu hoạch gần 20 ha, sản lượng bình quân năm nay ước đạt 140 tấn quả. Bà con phấn khởi được mùa cam ngọt, thị trường dễ tiêu thụ. Nhiều hộ đã có cuộc sống thay đổi hẳn nhờ trồng cam, quýt, bưởi.

Ông Nguyễn Duy Khanh, Giám đốc HTX trồng cây ăn quả có múi Nghĩa Hưng cho biết thêm: Trước kia, người dân chúng tôi chỉ trồng ngô, trồng sắn, trên 1 ha, nếu trồng ngô chỉ thu được 20-25 triệu, chuyển sang trồng cam 1 ha có hộ thu 300 triệu. Bà con đánh giá chỉ một vụ cam bằng 10 năm trồng ngô, nên người dân rất hân hoan, phấn khởi.

Được biết, những năm trước, các hộ dân ở Phù Yên trồng cây ăn quả có múi mới chỉ quan tâm đến năng suất và sản lượng còn chất lượng quả và nhu cầu thị trường thì chưa được chú trọng. Nhưng nay, các hợp tác xã và các hộ gia đình đã mạnh dạn thay đổi tư duy sản xuất, áp dụng các quy trình canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn và nhu cầu của thị trường. Những vườn cây với hệ thống tưới tự động; quá trình bón phân, phun thuốc và thu hoạch đều tuân thủ theo hướng dẫn quy trình VietGap đã cho thấy sự chuyển biến căn bản trong tư duy sản xuất nông nghiệp của người dân.

Năm 2018, huyện Phù Yên đã làm việc với các đơn vị để xây dựng trang Web để quản lý nhãn hiệu của mình, quảng bá sản phẩm và xây dựng bộ tem truy xuất nguồn gốc để quản lý chất lượng cam

Anh Nguyễn Đức Cường, HTX trồng cây ăn quả có múi Nghĩa Hưng chia sẻ: Trong quá trình trồng, nếu sử dụng nước tưới mang đi tưới từng gốc thì vừa mất công vừa mất thời gian. Do đó, hiện gia đình đã tận dụng nguồn nước tự chảy từ trên đồi cao xuống, đầu tư đường ống nước lắp vào vòi tự xoay ở trên cao để tưới ẩm cho cây. Trong quá trình tưới khoảng 6 tiếng với hơn chục vòi, diện tích gần 1 ha tưới từ 4 giờ chiều đến 11h đêm, đổi van từ 8 giờ sáng ngày hôm sau thì tưới hết vườn.

Cây ăn quả có múi đang giúp bà con nông dân nơi đây thoát nghèo và vươn lên làm giàu bền vững. Đặc biệt, năm 2017, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu “Cam Phù Yên”, đây là một bước ngoặt quan trọng để nhiều người biết đến cam Phù Yên trong việc bảo hộ chất lượng sản phẩm tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Để cam Phù Yên vươn xa trên thị trường, trong ngày hội cam được huyện tổ chức ngày 17, 18/11 vừa qua, huyện Phù Yên đã ký biên bản ghi nhớ với chuỗi cửa hàng Bác Tôm thuộc Công ty THHH nông nghiệp Hòn Đất Hà Nội về phát triển chuỗi giá trị nông sản giá trị cao; đồng thời, ký kết hợp đồng nguyên tắc bán hàng với HTX trồng cam Văn Yên xã Mường Thải.

Bà Đinh Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Yên khẳng định: Năm 2018, tiếp tục lộ trình xây dựng thương hiệu cho sản phẩm cam Phù Yên, UBND huyện đã làm việc với các đơn vị để xây dựng trang Web để quản lý nhãn hiệu của mình, quảng bá sản phẩm và xây dựng bộ tem truy xuất nguồn gốc để quản lý chất lượng cam, hiện đã xây dựng được trên 100 bộ tem truy xuất nguồn gốc. Với những hộ gia đình và HTX nào đạt tiêu chuẩn Vietgap, chúng tôi đi kiểm tra, thẩm định đạt yêu cầu mới được cấp bộ tem này, tránh cam Phù Yên bị trà trộn với cam kém chất lượng.

Với sự vào cuộc đồng hành sát sao của cấp ủy, chính quyền địa phương, những mùa cam ngọt nơi đây đã và đang mang thương hiệu cam Phù Yên vươn xa, cũng giúp đời sống người dân nơi đây ngày một khởi sắc.