Hưng Yên: Quyết liệt ngăn chặn dịch

Theo thông tin mới nhất của UBND xã Yên Hòa (huyện Yên Mỹ – Hưng Yên), tính tới 10h sang 20/2, địa phương đã tiêu hủy 543 con lợn của 7 hộ chăn nuôi.

Trước diễn biến phức tạp của dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn, các cơ quan, ban ngành huyện Yên Mỹ đã vào cuộc vô cùng quyết liệt. Ông Phạm Trần Hoạt, Chủ tịch UBND huyện Yên Mỹ cho biết: “Ngay sau khi phát hiện các ổ dịch, chính quyền huyện và Chi cục Thú y tỉnh Hưng Yên đã chỉ đạo khẩn cấp khoanh vùng dập dịch.

17-01-16_nh_1
Chốt kiểm dịch hoạt động 24/24 để xử lý và ngăn chặn dịch lây lan ra bên ngoài và từ ngoài mang dịch bệnh vào trong.

Chúng tôi đã phân công lực lượng ngay lập tức lập chốt 24/24h. Tiến hành ngăn chặn toàn bộ gia súc gia cầm không được vận chuyển ra vào vùng dịch và khử trùng tất cả các phương tiện ra vào. Chốt kiểm dịch này luôn có 4 đến 5 cán bộ huyện và xã túc trực”.

17-01-16_nh_2
Tiến hành rắc vôi bột trên dọc các tuyến đường giao thông của thôn

UBND huyện Yên Mỹ chỉ đạo cấm giết mổ và buôn bán thịt lợn, các sản phẩm từ lợn trên địa bàn đang xảy ra dịch. Cùng đó, công tác khử trùng tiêu độc rất được chú trọng. Tiến hành phun tiêu độc, khử trùng hàng ngày trên địa bàn toàn thôn Khóa Nhu 2. Rắc vôi bột dọc tuyến đường chính của thôn và đầu các ngõ, ngách, đặc biệt là đường ra vào của các hộ chăn nuôi có lợn mắc bệnh.

Ban chỉ đạo phòng, chống dịch cũng đã được thành lập khẩn trương với phương châm 4 tại chỗ: chỉ đạo tại chỗ, lực lượng tại chỗ, hậu cần tại chỗ, vật tư tại chỗ.

17-01-16_nh_3
Chuồng trại của gia đình anh Lê Xuân Tình được phun tiêu trùng, khử động và rắc vôi bột theo đúng quy định sau khi tiêu hủy toàn bộ đàn lợn.

Theo ông Lê Văn Duyệt, Chủ tịch UBND xã Yên Hòa: “Chính quyền xã khi nhận được thông tin về dịch bệnh đã khẩn trương đến từng hộ gia đình có lợn mắc bệnh tuyên truyền về tính chất nguy hiểm của dịch tả lợn Châu Phi, cũng như tốc độ lây lan của nó. Sau khi được tuyên truyền, các hộ chăn nuôi đều đã hiểu về bệnh và đồng ý với xã tiêu hủy đàn lợn của họ để nhận hỗ trợ nhà nước”.

Chị Nguyễn Thị Cúc, một trong những hộ có lợn nhiễm bệnh ở thôn Khóa Nhu 2 cho biết: “Chúng tôi vô cùng lo lắng vì tài sản duy nhất hiện đang có là đàn lợn và không hề muốn đem tiêu hủy. Nhưng sau khi được chính quyền tuyên truyền, chúng tôi thấy dịch bệnh quá nguy hiểm và đồng ý tiêu hủy 101 con lợn (27 lợn lái, 7 hậu bị, 67 lợn con, 1 lợn đực)”.