Hết mùa trái cây, nhà vườn vẫn “chém ngọt” du khách

Giá bán trái cây tại nhà vườn đắt ngang với giá bán tại thành phố. Vậy tôi đùm đề về thành phố làm gì cho cực thân?

Mới đây, cơ quan tôi tổ chức một tour sông nước nhân dịp mùa nước nổi. Trong chuyến đi chúng tôi kết hợp ghé một vườn trái cây tại xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền theo lời mời gọi của một người bạn ở TP Cần Thơ. Do đoàn đông, ghe không thể chở hết một lần nên một thanh niên của vườn thuyết phục đoàn chúng tôi đi bộ vào. Vườn chỉ cách đường ngoài khoảng 200 m. Đến nơi, một thanh niên đếm đầu số khách của đoàn, thu tiền vé là 20.000 đồng/người. 

Sau đó, đoàn được hướng dẫn đi sang vườn bên cạnh, cách đó 1 nhà, để coi vườn dâu. Đúng là có dâu thật nhưng chỉ còn một ít cây dâu sai trái để đoàn tham quan và chụp hình. Một thanh niên nhà vườn leo lên hái một số dâu xuống cho chúng tôi ăn thử. Chôm chôm thì hết mùa và vườn cũng không có. Bưởi có vài cây đang còn xanh. Sau 10 phút chụp hình bên mấy cây dâu trĩu quả, chúng tôi được anh thanh niên đưa ra. Xong tour!

Hết mùa trái cây, nhà vườn vẫn chém ngọt du khách - Ảnh 1.

Một thanh niên nhà vườn leo hái dâu để mời du khách ăn thử. Ảnh: Lê Duy

Một anh bạn trong đoàn ấm ức: "Tour kỳ vậy trời? Nếu hết mùa trái cây không cho du khách hái trái thì cũng phải thuyết minh cho biết là cây này sinh trưởng ra sao, bao lâu ra trái, bao lâu thu hoạch… Thật là thất vọng quá đi!".

Nhưng ra đến trước cổng nhà vườn này thì thấy người dân bày bán đủ thứ: nào dừa, chôm chôm, mít, sầu riêng… Muốn mua một ít về làm quà, người bán thủng thẳng bảo:" Dừa uống tại chỗ 10.000 đồng/trái, mít nguyên trái 20.000 đồng/kg; chôm chôm Thái 25.000 đồng/kg, sầu riêng 70.000 đồng/kg… Trời đất, so với giá trên Sài Gòn thì có rẻ đồng nào đâu, chưa kể xách về đi đường có thể giập, hư, chẳng ăn được mấy.

Hết mùa trái cây, nhà vườn vẫn chém ngọt du khách - Ảnh 2.

Khách chỉ được chụp ảnh cùng với một ít cây dâu còn trái mà thôi. Ảnh: Lê Duy

Giá như chủ nhà vườn giảm một vài ngàn đồng tiền phí vào và thật tình nói về hiện trạng trái cây đã cuối mùa, không còn gì để khách tham quan, hẹn dịp sau hay giới thiệu một dịch vụ chèo ghe, câu cá…cũng đủ làm ấm lòng khách. Sự chân thật và hiếu khách của gia chủ người miền Tây, vốn hào sảng và chân thành đâu mất rồi? 

Cô bạn đi cùng đoàn góp thêm: "Thôi giá bấy nhiêu thì cũng được đi. Nhưng nếu họ cho du khách tự tay hái quả, rồi cân mấy quả đó mua đem về cũng vui. Đằng này bán thì đắt mà chỉ được chọn rồi cân ký thì có gì đâu thú vị nữa". Nhóm chúng tôi tốn gần 600.000 đồng tiền vé để được dẫn đi vào vườn 15 phút, sau đó họ đem ra chừng 2 kg dâu mời khách, rồi biến đâu mất, không nói lời từ biệt. 

Mẹ tôi vẫn hay dặn đi chơi miền Tây đừng mua gì về vì đồ ngon ở miệt vườn dưới quê đã được đưa lên bán ở thành phố rồi. Giờ thì tôi càng thấy mẹ nói chí lý sau chuyến hồi hương về với nhà vườn đầy thất vọng. Tiếc nuối như mình bị mất khách chứ không phải là chủ vườn của khu du lịch nọ. 

Không biết khi vào mùa trái cây, khu du lịch này sẽ kinh doanh dịch vụ gì, có thu hút được du khách quay trở lại không, nhưng nhiều người trong nhóm chúng tôi thì tự hứa với lòng.. không hẹn ngày tái ngộ.   

Chợ cá đồng mùa lũ ở đồng bằng sông Cửu Long

Những làng nghề ‘ăn nên làm ra’ theo mùa nước nổi​

Theo NLĐ