Hà Tĩnh: Hướng mới nuôi cua đồng thương phẩm

Dự án “Nuôi cua đồng thương phẩm” do Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Nghi Xuân thí điểm tại xã Xuân Liên đã mang lại hiệu quả, mở ra hướng phát triển kinh tế cho người dân nông thôn Hà Tĩnh.

Tháng 11/2018, Dự án “Nuôi cua đồng thương phẩm” được triển khai tại hộ gia đình bà Phan Thị Châu, xã Xuân Liên với tổng số vốn đầu tư trên 892 triệu đồng. Trong đó, bà Phan Thị Châu được hỗ trợ 400 triệu đồng ở các hạng mục như: Tập huấn kỹ thuật, con giống, thức ăn hỗn hợp, máy móc thiết bị… Nguồn cua giống được nhập về từ Hà Nội, nguồn gốc rõ ràng, giá dao động từ 80.000 – 100.000 đồng/kg.

Sau khi hoàn thành xây dựng 5 hồ nuôi với tổng diện tích 6.000 m2, từ tháng 12/2018 đến tháng 12/2019, Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Nghi Xuân đã tiến hành thả 2 vụ cua giống, mỗi vụ 1,2 tấn. Sau 2 lần thu hoạch, sản lượng cua thu được tại các hồ nuôi thử nghiệm lần lượt là 2,8 tấn (tháng 6/2019) và 2,85 tấn (12/2019).

Ảnh minh họa

Theo Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Nghi Xuân: Vốn đầu tư mỗi vụ dao động từ 100 – 120 triệu đồng/5 ao nuôi. Với giá bán cua đồng thương phẩm dao động từ 90.000 – 110.000 đồng/kg sẽ thu được từ 270 – 300 triệu đồng, trừ tất cả chi phí, mỗi vụ lãi 50 – 60 triệu đồng. Từ năm thứ 2 trở đi, lợi nhuận sẽ tăng dần và có thể lên đến trên 100 triệu đồng (do không tính khấu hao chi phí đầu tư, máy móc thiết bị…).

Cua là loài dễ tính, dễ nuôi, ít dịch bệnh; thức ăn đơn giản và có thể tự chế như: cám gạo, cám ngô, bột cá, mỗi ngày cho ăn 1 lần. Kỹ thuật nuôi cũng khá đơn giản, cua có thể được nuôi trong ao đất, ao trồng cỏ hoặc kè bằng bờ xi măng đều cho hiệu quả như nhau.

Tuy nhiên, tất cả các ao nuôi trước khi thả cua giống phải xử lý bằng vôi bột để giải quyết chất phèn. Trong giai đoạn cua lột xác nên thả ống tre để cua trú ngụ, tránh tình trạng con này ăn xác con kia. Cùng với đó, khoảng tháng 11 hàng năm, người dân ở các địa phương trồng lúa có thể bắt cua giống, bởi đây là thời kỳ cua mẹ sinh sản dày đặc nên phải bắt hết cua con nếu không lúa sẽ bị phá.