Dự báo giá thủy sản xuất khẩu giảm trong 6 tháng cuối năm

Do giá thủy sản xuất khẩu giảm nên kéo theo xuất khẩu sẽ tăng trưởng chậm lại.

Xuất khẩu thủy sản có thể giảm trong 6 tháng cuối năm

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 6 tháng đầu năm 2018, khai thác và nuôi trồng thủy sản tăng trưởng khả quan so với cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, sản lượng nuôi trồng thủy sản tháng 6/2018 ước đạt 398 nghìn tấn, tăng 7,3% so với tháng 6/2017. Trong 6 tháng đầu năm 2018, sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 1.790 nghìn tấn, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm 2017.

Sản lượng nuôi cá tra của các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long 6 tháng năm 2018 ước đạt 643,6 nghìn tấn, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, một số tỉnh nuôi cá tra trọng điểm đạt sản lượng lớn như: Đồng Tháp sản lượng đạt 221,2 nghìn tấn, tăng 16,4% so với cùng kỳ; An Giang với sản lượng đạt 159,8 nghìn tấn, tăng 14,7% so với cùng kỳ; Cần Thơ với sản lượng 81,4 nghìn tấn, tăng 19,6% so với cùng kỳ.

Sản lượng tôm nước lợ cả nước 6 tháng đầu năm 2018 ước đạt 260,4 nghìn tấn, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, sản lượng tôm sú ước đạt 109,6 nghìn tấn, sản lượng tôm thẻ ước đạt 150,8 nghìn tấn. Riêng vùng Đồng bằng sông Cửu Long sản lượng tôm sú ước đạt 98,2 đạt nghìn tấn, tăng 1% so với cùng kỳ năm trước, sản lượng tôm thẻ ước đạt 108,6 nghìn tấn, tăng 23 % so với cùng kỳ năm 2017.

Tháng 6/2018, giá cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL giao dịch khoảng 28.000 – 30.000 đồng/kg, giảm khoảng 2.000 đ/kg so với tháng trước. Nhiều doanh nghiệp đã giảm thu gom cá nguyên liệu từ các hộ nuôi.

Thị trường tôm trong tháng 6/2018 tương đối ổn định đối với tôm sú và có dấu hiệu cải thiện đối với tôm thẻ chân trắng. Tôm sú ướp đá nguyên liệu loại 30 con/kg hiện có giá 170.000 – 190.000 đồng/kg, loại 40 con/kg giá 140.000 – 150.000 đồng/kg, khá ổn định kể từ đầu năm.

Thời điểm đầu tháng, giá tôm thẻ chân trắng có xu hướng giảm do tác động của giá thế giới giảm: loại cỡ 60 đến 100 con/kg dao động từ 70.000-102.000 đ/kg, tuy nhiên, đến giữa tháng giá ở một số nơi đã bắt đầu có dấu hiệu nhích lên.

Theo ước tính, tháng 6/2018 kim ngạch xuất khẩu thủy sản các loại đạt 750 triệu USD, giảm 2,1% so với tháng trước, nhưng tăng 2,1% so với tháng 6/2017. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2018, kim ngạch xuất khẩu thủy sản ước đạt 3,96 tỷ USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước.

Các tháng đầu năm 2018, kim ngạch xuất khẩu thủy sản tăng một phần nhờ giá xuất khẩu tăng.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 5 tháng đầu năm 2018, lượng thủy sản xuất khẩu đạt 762 nghìn tấn, trị giá 3,2 tỷ USD, chỉ tăng 3,4% về lượng, nhưng trị giá xuất khẩu tăng 13,3% so với cùng kỳ năm 2017.

Nhìn chung, giá xuất khẩu trung bình hầu hết các mặt hàng thủy sản lớn đều tăng gần đây có xu hướng giảm, nhưng giá xuất khẩu tôm các loại 5 tháng đầu năm 2018 vẫn tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước, trung bình ở mức 9,6 USD/kg. Trong 5 tháng đầu năm 2018, giá xuất khẩu cá tra, cá basa; giá cá ngừ các loại; giá bạch tuộc các loại… tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước.

Bộ Công thương dự báo, trong 6 tháng cuối năm 2018, xuất khẩu thủy sản sẽ tăng trưởng chậm lại do giá các mặt hàng thủy sản xuất khẩu các tháng gần đây giảm so với đầu năm.

Bên cạnh đó, đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) mặc dù đã ghi nhận những tiến bộ từ Việt Nam, nhưng thủy sản Việt Nam vẫn còn một số thách thức như: việc kiểm soát đánh bắt, truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác của Việt Nam còn nhiều lỗ hổng; việc kiểm soát đánh bắt cũng lộ rõ nhiều vấn đề cần xử lý. Do đó, tháng 1/2019 Ủy ban châu Âu sẽ quay lại để xem xét vấn đề “thẻ vàng” với thủy sản của Việt Nam.

Điều này sẽ phần nào có tác động đến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường EU trong 6 tháng cuối năm 2018.