Chuyển ruộng trũng sang nuôi thủy sản, 1 xã thu hơn 1000 tấn cá các loại năm 2018

Nhờ mạnh dạn dồn đổi ruộng trũng sang làm ao chăn nuôi thủy sản, nhiều hộ ở xã Tân Kỳ, huyện Tứ Kỳ, Hải Dương đã xây được nhà cao tầng kiên cố, mua được các tiện nghi sinh hoạt đắt tiền.

Năm 2018 vừa qua, xã Tân Kỳ đã thu hoạch và cung ứng ra thị trường được hơn 1.000 tấn cá các loại, bao gồm gần 700 tấn cá rô phi, hơn 380 tấn cá trắm và trôi, còn lại là cá khác, giá trị thu hoạch ước đạt trên 42 tỷ đồng, lợi nhuận gần 20 tỷ đồng.

09-23-32_o_nuoi_c_chuyen_doi_tu_cc_chn_ruong_trung
Ao nuôi cá chuyển đổi từ ruộng trũng

Có được sản lượng cá lớn nói trên là do năm vừa qua các nhà nông đã đưa vào nuôi thả hơn 135ha ao cá các loại, phần lớn diện tích các ao đều được chuyển đổi từ các chân ruộng chua trũng, cấy lúa không hiệu quả.

Ông Đào Văn Đoán – Giám đốc HTX Nông nghiệp xã Tân Kỳ cho hay: “Chăn nuôi thủy sản được coi là thế mạnh của địa phương. Vì chỉ có hơn 25% diện tích canh tác là ao hồ mặt nước nuôi cá, nhưng đã mang lại trên 80% nguồn thu cho ngành sản xuất nông nghiệp. Hiện tại toàn xã đã có 32 hộ dân chuyên sống bằng nghề nuôi cá. Trung bình mỗi hộ dân có hơn 4 ha ao nuôi. Một số gia đình đã phát triển được 7- 10ha ao chuyên cá. Ngoài chăn nuôi cá thịt là chính, có gia đình còn mở rộng nuôi thêm cá hương, nhằm chủ động nguồn giống chất lượng tốt cho nhu cầu sản xuất tại chỗ, một phần được xuất bán ra ngoại tỉnh”.

Được biết, nhờ phát triển được nhiều diện tích ao hồ chăn nuôi cá và sản lượng cá cho thu hoạch cao, mà từ 10 năm trở lại đây, xã Tân Kỳ đã trở thành đầu mối mua gom và trung chuyển cá thương phẩm của các thương lái trong khu vực.

Mặt khác, cũng do có diện tích ao hồ mặt nước lớn, các nhà nông đã được nhiều doanh nghiệp tới cung ứng thức ăn chăn nuôi thủy sản và các loại vật tư phục vụ sản xuất, cùng nhiều chính sách khuyến mại kèm theo như: Chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật nuôi thâm canh cá. Tổ chức cho tham quan học tập mô hình nuôi cá đạt hiệu quả cao trong và ngoài tỉnh… Qua đó, giúp thúc đẩy nuôi thủy sản trong xã phát triển bền vững.

09-23-32_be_uom_nuoi_c_huong
Bể ương cá hương

Gia đình ông Nguyễn Hữu Tùng (ở thôn Nghi Khê, xã Tân Kỳ) là một trong những hộ đầu tiên ở địa phương dám mạnh tay vay vốn tín dụng để thuê nhượng ruộng trũng, chuyển đổi sang làm ao nuôi cá.

Kết quả chỉ sau 5 năm chăn nuôi thủy sản, ông Tùng đã trả được hết vốn vay ngân hàng và có được gần 4ha ao nuôi cá lâu dài, mỗi năm cho thu hoạch hơn 30 tấn cá các loại, doanh thu 1,5 tỷ đồng, thu nhập gần 500 triệu đồng, tạo việc làm ổn định cho 3 người thân trong gia đình, với mức lương 6-7 triệu đồng/người/tháng.

Thành tựu từ chuyển đổi đất cấy lúa không hiệu quả sang nuôi cá của ông Tùng đã khích lệ rất nhiều hộ dân trong xã đến học hỏi và làm theo. Ông Tùng hóm hỉnh nói với chúng tôi: “Nếu cứ gieo cấy lúa trên các chân ruộng chua trũng, thì gia đình tôi chắc sẽ nghèo bền vững”.

Ông Nguyễn Hữu Huynh (cùng thôn Nghi Khê) cho rằng: Tiềm năng phát triển nuôi cá ở địa phương còn rất lớn, nhưng đa số các hộ đều thiếu vốn đầu tư cho mở rộng qui mô sản xuất và nâng cao qui trình công nghệ nuôi. Đề nghị nhà nước tạo điều kiện cho nhà nông được tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi; Triển khai dịch vụ dự tính, dự báo các bệnh hại trên đàn cá nuôi; Hỗ trợ chế phẩm phòng ngừa dịch hại… như công tác tiêm phòng hàng năm cho đàn gia súc, gia cầm ở địa phương.

09-23-32_o_nuoi_thm_cnh_c
Ao nuôi thâm canh