Chủ động phòng cà phê rụng quả trong mùa mưa

Mùa mưa là thời điểm cây cà phê phát triển mạnh, xanh tốt. Song đây cũng là lúc cây rất dễ xảy ra tình trạng rụng quả non sinh lý hoặc do sâu bệnh hại. Vì vậy, cơ quan chuyên môn đã khuyến cáo nông dân cần áp dụng đồng bộ các giải pháp phòng trừ bệnh rụng quả trên cây cà phê để đảm bảo năng suất.

Theo thống kê của cơ quan chuyên môn, toàn tỉnh Gia Lai hiện có hơn 70 héc-ta cà phê có hiện tượng rụng quả, phân bố tại các huyện: Đắk Đoa, Ia Grai… Trong đó, một số diện tích cà phê bị rụng quả theo quy luật tự nhiên. Ở giai đoạn quả cà phê bắt đầu hình thành nhân và tăng mạnh về thể tích, chùm quả bị chèn ép khiến những quả nhỏ, thiếu dinh dưỡng bị thải loại. Một nguyên nhân khác khiến cà phê rụng quả là do người dân bón phân không cân đối, bón nhiều đạm, thiếu trung và vi lượng hoặc do thời tiết mưa kéo dài làm cho cây không hút được dinh dưỡng. Ngoài ra, hiện tượng rụng quả còn do sâu bệnh gây ra ở các vườn mà quá trình vệ sinh, cắt cành tạo tán không được thông thoáng, thiếu ánh sáng, độ ẩm cục bộ cao tạo điều kiện cho nấm thán thư gây hại, hoặc vườn bị rệp sáp, rệp vảy gây hại nặng, vườn bị mọt đục quả.

chu dong phong ca phe rung qua trong mua mua

Bà con cần áp dụng các biện pháp phòng trừ bệnh theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật

Theo dự báo của cơ quan chuyên môn, trong tháng 9 này, lượng mưa trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên sẽ cao hơn trung bình cùng kỳ nhiều năm 10 – 30%, độ ẩm không khí cao. Do đó, cơ quan chuyên môn khuyến cáo người dân tiếp tục tập trung chăm sóc và triển khai các biện pháp phòng trừ bệnh cho cây cà phê. Đặc biệt, các cơ quan liên quan như các Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, các Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, cơ quan chuyên môn cần tăng cường công tác điều tra, dự báo, xác định đúng nguyên nhân để đưa ra giải pháp phòng trừ phù hợp đối với bệnh rụng quả trên cây cà phê.

Đối với những vườn rụng quả do thiếu dinh dưỡng, mất cân bằng dinh dưỡng, người trồng cần căn cứ vào định mức phân bón cho cây cà phê của tỉnh làm cơ sở để vận dụng cho phù hợp với điều kiện thực tế; bón phân kịp thời, đầy đủ, cân đối hàm lượng N-P-K, không nên bón quá nhiều đạm, bổ sung thêm các loại phân trung, vi lượng để cây phát triển tốt, tăng khả năng chống chịu với sâu bệnh, hạn chế rụng quả. Đối với những vườn rụng quả do nấm Collectotrichum coffeanum cần xử lý sớm bằng các loại thuốc bảo vệ thực vật có hoạt chất Hexaconazole, Azoxystrobin + Difenoconazole, , Metalaxyl + Mancozeb, Mandipropamid + Chlorothalonil… hoặc có thể sử dụng các loại thuốc: Ridomil Gold 68WP, Revus Opti 440EC, Amista Top 325EC. Các cơ quan chuyên môn cũng đưa ra một số biện pháp chăm sóc vườn cà phê trong mùa mưa như sau:

Rong tỉa cây che bóng kịp thời: Ở các vườn cà phê kiến thiết cơ bản cần rong tỉa cây che bóng tạm thời là cây muồng hoa vàng trồng giữa 2 hàng cà phê. Chặt thấp cây muồng hoa vàng ở độ cao 50 – 70cm để cây muồng tái sinh tốt. Trong một mùa mưa, cần rong tỉa hàng muồng hoa vàng này 2 – 3 lần để cà phê không bị cạnh tranh ánh sáng. Cành lá muồng hoa vàng đem tủ vào gốc cây cà phê.

Ở các vườn cà phê kinh doanh có trồng cây che bóng như keo dậu, muồng đen, cần rong tỉa cây bóng kịp thời ngay vào đầu mùa mưa để tăng cường ánh sáng cho vườn cây, giúp cành lá cà phê phát sinh vào đầu mùa mưa được khỏe mạnh, không bị yếu, nhớt. Trong mùa mưa, bà con rong tỉa từ 2 – 3 lần tùy theo tốc độ ra lá cành của cây che bóng, tránh không cho vườn cà phê bị cớm, rợp. Đợt rong tỉa cuối cùng trước khi chấm dứt mưa 1 tháng.

Đánh chồi vượt cho cây cà phê: Chồi vượt phát triển rất nhanh trong mùa mưa, do vậy cần đánh chồi vượt kịp thời. Trung bình 1 tháng đánh chồi vượt 1 lần. Khi đánh chồi vượt bà con chú ý vặt các cành tăm, cành nhớt mọc quá nhiều ở cùng một vị trí đốt cành. Ở mỗi vị trí đốt cành chỉ nên để lại không quá 3 cành dự trữ được phát sinh. Chú ý vặt các cành thứ cấp mọc dày trên đỉnh tán tạo điều kiện để ánh sáng lọt vào bộ tán cà phê.