Tạo chuyển biến về nhận thức và hành động, đề cao trách nhiệm người đứng đầu đơn vị chức năng của Bộ Công Thương đối với công tác đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, xây dựng cơ chế, chính sách và bố trí nguồn nhân lực cho công tác đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập.
Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 3092/QĐ-BCT về Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 21/10/2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới và Quyết định số 426/QĐ-TTg ngày 21/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ (Kế hoạch).
Xây dựng cơ chế, chính sách đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập
Mục tiêu của Kế hoạch nhằm quán triệt, nắm vững các quan điểm và tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tại Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 21/10/2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới (Chỉ thị số 17-CT/TW), tạo chuyển biến về nhận thức và hành động, đề cao trách nhiệm người đứng đầu đơn vị chức năng của Bộ Công Thương đối với công tác đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, xây dựng cơ chế, chính sách và bố trí nguồn nhân lực cho công tác đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập.
Phát huy các kết quả đạt được trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, nâng cao nhận thức của công chức, viên chức và nhân dân về tầm quan trọng sống còn đối với sức khỏe, hạnh phúc của từng người dân, giống nòi dân tộc và sự phát triển của đất nước. Từng bước khắc phục những hạn chế, bất cập cả về thể chế và thực thi pháp luật trong công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong thời gian tới.
Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị thuộc bộ tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đơn vị trong việc triển khai thực hiện nghiêm các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm.
Tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, các tiêu chuẩn, quy chuẩn về an toàn thực phẩm; các nguyên tắc, chế tài xử lý vi phạm an ninh, an toàn thực phẩm; hoàn thiện cơ chế, tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để bảo đảm tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; xác định mục tiêu, chỉ tiêu về an ninh, an toàn thực phẩm trong chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội hàng năm của Bộ Công Thương.
Xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về an ninh, an toàn thực phẩm
Bộ Công Thương cũng yêu cầu các đơn vị tăng cường công tác hậu kiểm, thanh tra, kiểm tra, kiểm soát an toàn thực phẩm trong các khâu từ sản xuất, chế biến đến tiêu dùng; tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng nhằm kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về an ninh, an toàn thực phẩm và nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống kinh doanh hàng hoá nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng là thực phẩm.
Công khai tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về an toàn thực phẩm và các vụ việc điển hình theo quy định; chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường công tác quản lý địa bàn, kịp thời phát hiện ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép động vật và các sản phẩm từ động vật vào Việt Nam, các sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, xuất xứ;
Đề xuất và xây dựng các biện pháp phù hợp và kiên quyết để phòng, chống nạn hàng giả, hàng kém chất lượng và hàng nhái đang lưu thông trên thị trường; phối hợp với cơ quan chức năng của Bộ Công an tăng cường công tác đấu tranh, ngăn chặn, phát hiện, điều tra, khám phá, xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh các đường dây nhập lậu, tàng trữ, buôn bán các loại thực phẩm giả, kém chất lượng, các loại vật tư nông nghiệp là hàng giả, hàng nhái và các chất cấm ngoài danh mục.
Khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm ứng dụng công nghệ cao
Bộ Công Thương cũng yêu cầu các đơn vị phối hợp với đơn vị chức năng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng các chuỗi giá trị cung ứng thực phẩm an toàn, chất lượng; kiểm soát an toàn thực phẩm ngay từ yếu tố đầu vào trong sản xuất, kinh doanh; liên kết với các chuỗi giá trị cung ứng thực phẩm an toàn theo tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc tế, bảo đảm người dân được tiếp cận và sử dụng lương thực, thực phẩm an toàn, bền vững.
Khuyến khích, hỗ trợ hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm ứng dụng công nghệ cao và kết nối chuỗi giá trị cung ứng thực phẩm an toàn; phát huy vai trò của hợp tác xã, hiệp hội ngành hàng trong liên kết, hỗ trợ sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ thực phẩm.
Đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghiệp, dịch vụ, hình thành mạng lưới logistic, bảo quản, chế biến, thương mại điện tử ở nông thôn. Xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu về bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm liên thông với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia và chuyên ngành.