Tập trung phát triển vùng nuôi tôm nước lợ

Năm 2023, mục tiêu sản lượng nuôi trồng thủy sản của tỉnh Long An đạt trên 75.000 tấn, trong đó, sản lượng tôm nước lợ các loại đạt trên 19.590 tấn, tăng gần 3.700 tấn so với năm 2022.

Những năm qua, tỉnh xây dựng vùng nuôi tôm nước lợ tập trung tại các huyện: Cần Đước, Cần Giuộc, Tân Trụ và Châu Thành, với tổng diện tích khoảng 6.800ha; thực hiện thí điểm mô hình ứng dụng công nghệ cao nuôi tôm thương phẩm tại một số diện tích. Trong đó, huyện Cần Giuộc là địa phương có diện tích nuôi tôm lớn nhất tỉnh với 9 xã nuôi tôm nước lợ, tổng diện tích trên 2.000ha, sản lượng bình quân 5.000 tấn/năm.

Ông Nguyễn Văn Tiến (xã Phước Vĩnh Tây, huyện Cần Giuộc) chia sẻ: “Tôi nuôi gần 1ha tôm thẻ chân trắng, hiện hơn 1 tháng tuổi và đang phát triển tốt. Để bảo đảm an toàn dịch bệnh, tôi thường xuyên theo dõi chất lượng nước của ao nuôi để kịp thời điều chỉnh; đồng thời, bổ sung các loại vitamin vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho tôm”.

Nông dân huyện Cần Đước thu hoạch tôm

Còn tại huyện Cần Đước, tuy sản lượng tôm nước lợ trong năm 2022 vượt chỉ tiêu đề ra nhưng nông dân có lãi không cao do thường xuyên bị thiệt hại bởi dịch bệnh và giá bán tôm thấp. Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cần Đước – Nguyễn Hồng Chương cho biết, để hỗ trợ người nuôi tôm, trong năm qua, huyện tổ chức nhiều cuộc hội thảo về giải pháp nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao tại các xã: Tân Chánh, Tân n, Long Hựu Đông và Long Hựu Tây; đồng thời, phối hợp Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản tỉnh khảo sát vùng nuôi tôm tại xã Tân Chánh để triển khai Đề án phát triển nuôi tôm nước lợ của tỉnh đến năm 2025.

“Nhằm bảo đảm ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ sản xuất theo quy hoạch và sinh hoạt của người dân, qua kiến nghị, huyện được các sở, ngành tỉnh hỗ trợ vốn lúa nước thực hiện dự án thủy sản Tân Chánh. Theo đó, huyện nâng cấp, xây dựng khép kín tuyến đê bao sông Vàm Cỏ, Vàm Cỏ Đông, dài 24km, mặt đường 5m, nền đường 7m, cứng hóa nền hạ.

Trên tuyến đê nâng cấp, huyện xây dựng 5 cầu giao thông để vừa đáp ứng nhu cầu phát triển vùng nuôi tôm nước lợ, vừa phục vụ nhu cầu đi lại của người dân” – ông Nguyễn Hồng Chương cho biết thêm.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – Đinh Thị Phương Khanh cho biết, để đạt mục tiêu đề ra trong năm 2023, ngành Nông nghiệp tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo khung thời vụ nuôi, phương thức nuôi phù hợp với điều kiện của từng vùng; đồng thời, thực hiện tốt kế hoạch quan trắc môi trường nước vùng nuôi thủy sản nước lợ; thông tin nhanh kết quả quan trắc, khuyến cáo các giải pháp kỹ thuật xử lý môi trường nước; tăng cường công tác kiểm dịch giống thủy sản; triển khai giám sát bệnh thủy sản tại vùng nuôi,… Ngoài ra, đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn giải pháp kỹ thuật để người dân nuôi tôm nước lợ bảo đảm an toàn, hạn chế bị dịch bệnh, nhất là vào mùa mưa, độ mặn giảm thấp.