Thị trường gạo thế giới sôi động trở lại

Sau một vài phiên giảm mạnh, cuối tuần này thị trường gạo thế giới tiếp tục sôi động trở lại, các nguồn cung có sự điều chỉnh tăng từ 3-15 USD/tấn.

Theo số liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo của các nguồn cung trên thế giới đã có sự điều chỉnh tăng từ 3-15 USD/tấn trong tuần này. Như vậy, sau 2 tuần kém sôi động với mức điều chỉnh giảm sâu thì giá gạo thế giới đã tăng trở lại.

1
Thị trường gạo thế giới sôi động trở lại

Cụ thể, trong phiên giao dịch ngày 13/10, giá gạo Việt Nam điều chỉnh tăng 5 USD/tấn với cả 2 loại 5% và 25% tấm. Giá sau điều chỉnh lần lượt là 623 USD/tấn và 533 USD/tấn.

Nguồn cung khác là Thái Lan cũng điều chỉnh tăng nhẹ 3 USD/tấn với gạo 100% tấm và giá hiện ở mức 459 USD/tấn.

Trước đó, trong phiên giao dịch ngày 12/10, gạo 5% tấm của Thái Lan đã tăng 3 USD/tấn lên mức 581 USD/tấn, gạo 25% tấm cũng tăng từ 530 USD/tấn lên mức 533 USD/tấn.

Tương tự, gạo Parkistan cũng đồng loạt tăng 15 USD/tấn lên mức 563 USD/tấn với gạo 5% tấm và 483 USD/tấn với gạo 25% tấm.

Thị trường xuất khẩu gạo tiếp tục sôi động trong những tháng cuối năm nay.

Mới đây nhất, Thương vụ Việt Nam tại Indonesia thông tin, sau tuyên bố của Tổng thống Indonesia Joko Widodo ngày 8/10 về việc nước này sẽ phải cần thêm khoảng 1,5 triệu tấn gạo dự trữ quốc gia từ nay tới hết năm 2023 (ngoài 2 triệu tấn gạo dự trữ đã nhập khẩu từ đầu năm tới nay), Quyền Bộ trưởng Nông nghiệp Indonesia cũng tuyên bố xác nhận Việt Nam và Thái Lan sẽ là hai nguồn cung gạo chính cho đợt thu mua 1,5 triệu tấn gạo tới đây.

Lãnh đạo Cơ quan hậu cần quốc gia – Preum Bulog (cơ quan được Chính phủ Indonesia chỉ định là đơn vị nhập khẩu gạo), cho biết, tất cả các giấy phép cần thiết cho việc nhập khẩu 1,5 triệu tấn gạo đã được các cơ quan hữu quan của nước này ban hành và việc nhập khẩu sẽ được thực hiện bắt đầu từ cuối tháng 10/2023.

Thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, tháng 9 vừa qua, Indonesia trở thành khách hàng lớn nhất của gạo Việt khi chi 101,4 triệu USD để mua 166 nghìn tấn gạo của nước ta, cao gấp 53 lần so với tháng 9/2022.

Trong 9 tháng năm 2023, giá trị xuất khẩu gạo sang thị trường này đạt 462,6 triệu USD, tăng 1.796% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, Indonesia trở thành khách hàng lớn thứ 3 khi chiếm khoảng 13% tổng kim ngạch xuất khẩu của nước ta trong 9 tháng vừa qua.

Một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo cho biết, nhu cầu mua gạo trên thị trường vẫn nhiều, song nguồn gạo trong nước không còn nhiều do đã vào cuối vụ. Thế nên, doanh nghiệp không dám ký thêm hợp đồng xuất khẩu mới nếu chưa chuẩn bị được nguồn hàng.

Giá gạo xuất khẩu tăng đang hỗ trợ cho đà tăng của giá gạo trong nước, khi nhu cầu thu gom lúa của thương lái vẫn tiếp tục tăng.

2
Gạo trong nước cũng được điều chỉnh tăng

Giá gạo nguyên liệu, thành phẩm đã được điều chỉnh tăng từ 50-100 đồng/kg. Cụ thể, giá gạo nguyên liệu IR 504 bán ra ở mức 12.500 – 12.600 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg; gạo thành phẩm IR 504 dao động quanh mốc 14.450 – 14.550 đồng/kg, tăng 50 đồng/kg…

Thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) cho biết, 9 tháng năm 2023, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 6,4 triệu tấn, tương ứng 3,5 tỉ USD, tăng 20% về lượng và tăng 36% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.

Còn theo ông Nguyễn Văn Đôn – Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng, Ấn Độ vẫn duy trì lệnh cấm gạo kéo dài đến nửa đầu năm 2024, giá gạo xuất khẩu vẫn tiếp tục ở mức cao, trong đó, nhờ chất lượng vượt trội, giá gạo của Việt Nam ở tốp đầu, có thể không dưới 650 USD/tấn.