Những mặt hàng nông sản đạt trị giá xuất khẩu cao và bài toán giữ vững đà tăng

Từ đầu năm đến nay, nhiều mặt hàng nông sản đã liên tục ghi nhận kỷ lục mới trong xuất khẩu, với những con số hàng tỷ USD.

3 mặt hàng nông sản đạt trị giá xuất khẩu cao nhất

Theo tạp chí Hải Quan, theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính chung 8 tháng năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 59,69 tỷ USD.

Trong đó, xuất khẩu 33,21 tỷ USD, nhập khẩu 26,48 tỷ USD, xuất siêu 6,73 tỷ USD, tăng 6,4%. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, xuất siêu của nông nghiệp chiếm tỷ lệ tương đối cao trong xuất siêu của cả nền kinh tế.

Năm 2022, xuất siêu của ngành nông nghiệp đạt 8,76 tỷ USD, chiếm 77,41%, đây là nguồn ngoại tệ để mua trang thiết bị công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Năm nay, ngành nông nghiệp phấn đấu kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 54 – 55 tỷ USD, đồng thời thặng dư thương mại tương đối tốt để góp phần vào công nghiệp hóa, hiện hóa đất nước và ngành nông nghiệp nói riêng.

Đáng chú ý, hiện Việt Nam có 4 mặt hàng nông sản xuất khẩu đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên với trị giá 11,89 tỷ USD. Tổng kim ngạch xuất khẩu 4 mặt hàng này chiếm tới 88% kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam.

Kinh tế vĩ mô - Những mặt hàng nông sản đạt trị giá xuất khẩu cao và bài toán giữ vững đà tăng
 Tính chung 8 tháng năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 59,69 tỷ USD. Ảnh minh họa từ internet .

Trong đó, có 3 mặt hàng nông sản đạt trị giá xuất khẩu cao nhất trong 10 năm, bao gồm rau quả, cà phê và gạo. Cụ thể, mặt hàng rau quả đạt 3,49 tỷ USD, tăng 59,3% so với cùng kỳ năm trước và cao gấp 4,99 lần so với năm 2013 (đạt 0,7 tỷ USD).

Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, những tháng còn lại của năm 2023, trong khi sầu riêng của các nước Đông Nam Á khác đã hết vụ, Việt Nam vẫn còn vùng sầu riêng ở Tây Nguyên chưa khai thác, cùng với một số mặt hàng trái cây khác dự đoán xuất khẩu rau quả cả năm 2023 sẽ đạt khoảng 5 tỷ USD.

Như vậy, kim ngạch sẽ bằng dự đoán quy hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho năm 2025 – sớm hơn kế hoạch 2 năm.

Ngoài rau quả, tính đến hết tháng 8, xuất khẩu gạo cũng đã đạt 5,85 triệu tấn và 3,17 tỷ USD, tăng 22% về khối lượng và tăng 36,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.

Giá gạo xuất khẩu bình quân 8 tháng đầu năm 2023 ước đạt 542 USD/tấn, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2022. Đây là kỷ lục mà ngành gạo đạt được cả về sản lượng, giá trị và đơn giá xuất khẩu nhờ cơn sốt lương thực toàn cầu của năm nay và Việt Nam đã tận dụng được lợi thế.

Thị trường gạo dự báo sẽ biến động tăng khi Indonesia vừa thông báo mở thầu 300.000 tấn gạo trắng 5% tấm từ các nước: Việt Nam, Thái Lan, Pakistan và Campuchia. Như vậy, Việt Nam lần đầu tiên xuất khẩu gạo đạt mức 5 triệu tấn và 3 tỷ USD chỉ trong vòng 8 tháng.

Nếu tiếp tục đà tăng trưởng như hiện tại, năm 2023 Việt Nam chắc chắn sẽ vượt mốc 3,4 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu gạo năm 2022 (là mốc cao nhất trong vòng 10 năm trở lại) và dự kiến lượng xuất khẩu sẽ vượt mốc 7,1 triệu tấn của năm 2022.

So với mặt hàng rau quả và gạo mức tăng trưởng của cà phê có phần thấp hơn. Lũy kế xuất khẩu cà phê trong 8 tháng đầu năm 2023 của Việt Nam ước tính vào khoảng 1,2 triệu tấn, giảm 4,9% so với tổng lượng cà phê đã xuất khẩu trong cùng kỳ năm trước.

Mặc dù lượng suy yếu, song giá cà phê xuất khẩu, đặc biệt là cà phê Robusta – chủng loại cà phê chủ lực của Việt Nam ghi nhận sự tăng trưởng mạnh thời gian qua.

Theo Hiệp hội Cà phê – Cacao Việt Nam, giá cà phê tăng liên tục là do cung không đủ cầu. Dự báo sản lượng cà phê năm nay giảm đến 10 – 15%/năm do thời tiết không thuận lợi. Từ nay đến cuối năm, xuất khẩu cà phê vẫn thuận lợi khi nhu cầu tăng trong khi nguồn hàng không được cải thiện. Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam Đỗ Hà Nam dự báo, xuất khẩu cà phê cả năm sẽ đạt khoảng 1,718 triệu tấn, với kim ngạch xuất khẩu 4,2 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay.

Giữ vững đà tăng cho nông sản

Nông sản, thực phẩm đã có sự bứt phá trong những năm gần đây bất chấp những khó khăn chung cũng như biến động khó lường của thị trường thế giới và sự xáo trộn của chuỗi cung ứng. Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản Việt Nam được dự báo vẫn sẽ vượt qua con số 50 tỷ USD. Việt Nam hiện là nhà cung ứng trong Top 3 thế giới về cà phê, gạo, lớn thứ nhất về hạt điều, hạt tiêu…

Đặc biệt, trong năm 2022, nhiều loại nông sản của Việt Nam như chuối tươi, khoai lang, tổ yến, bưởi, nhãn, chanh leo, sầu riêng… được cấp phép xuất khẩu sang các thị trường phát triển và có tiêu chuẩn cao trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, New Zealand. Điều này tạo ra cơ hội lớn cho xuất khẩu trái cây.

Bên cạnh đó, ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, Giám đốc SPS Việt Nam, đánh giá với việc Việt Nam gia nhập WTO, nước ta đã hoàn thiện mọi khuôn khổ pháp lý, quy định liên quan đến quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm và kiểm dịch thực vật, là những lĩnh vực quan trọng đối với thương mại nông sản và thực phẩm quốc tế.

Việc hoàn thiện các khuôn khổ này đã nâng cao đáng kể khả năng cạnh tranh và mở rộng thị trường cho nông sản Việt Nam. Bên cạnh đó, Chính phủ đã ban hành nhiều nghị định để hướng dẫn và khuyến khích đầu tư vào sản xuất, chế biến nông sản và thiết lập chuỗi cung ứng từ sản xuất đến xuất khẩu. Nhờ đó, các chuỗi cung ứng sẽ tăng tính cạnh tranh về giá của sản phẩm Việt Nam.

Trong thời gian tới, để giữ vững đà tăng trưởng cho xuất khẩu nông sản, ông Hòa cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục hoàn thiện chính sách, khung pháp lý để đáp ứng yêu cầu của quá trình hội nhập toàn cầu. Theo đó, nguồn lực sẽ được phân bổ ưu tiên cho công tác quản lý giám sát an toàn thực phẩm từ khâu sản xuất, thu hoạch đến bảo quản, chế biến. Cùng với đó, sẽ tập trung kết nối tiêu dùng trong nước và quốc tế. Các quy định, thông tin phân tích thị trường và sở thích của người tiêu dùng sẽ được cập nhật để phát triển các sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn.

Mặt khác, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang thành lập các vùng nguyên liệu để hỗ trợ sản xuất và xuất khẩu bên cạnh việc cải thiện cơ sở hạ tầng logistics trong chuỗi cung ứng nông nghiệp để đảm bảo an toàn thực phẩm. Ngoài ra còn có những giải pháp nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch và nâng cao chất lượng nông sản.