Ngành thủy sản bứt phá về tăng trưởng

Trong 11 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm thủy, hải sản trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đạt 129,4 triệu USD, tăng 16,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu thủy sản của tỉnh đã góp phần vào mức tăng kỷ lục về xuất khẩu thủy sản của cả nước trong năm 2022.

Mô hình nuôi tôm công nghệ cao tại H.Nhơn Trạch hiện đang đứng đầu về thu nhập. Ảnh: Phan Anh

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam vừa tổ chức “Lễ mừng xuất khẩu thủy sản đạt 10 tỷ USD”. Dự kiến kết thúc năm 2022, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ cán đích với con số 11 tỷ USD, tăng 25% so với năm 2021. Đây là mốc kỷ lục lịch sử ngành thủy sản Việt Nam sau hơn 20 năm tham gia vào thị trường thế giới.

Đạt kỷ lục cao nhất trong 20 năm qua

Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam tăng trưởng ấn tượng và dự kiến sẽ đạt mốc kỷ lục lịch sử ngành thủy sản Việt Nam sau hơn 20 năm tham gia vào thị trường thế giới. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong 11 tháng năm 2022 đạt 10,2 tỷ USD, tăng gần 28% so với cùng kỳ năm 2021. Như vậy, đây là lần đầu tiên xuất khẩu thủy sản vượt mốc 10 tỷ USD trong một năm. Dự kiến kết thúc năm 2022, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ cán đích với con số 11 tỷ USD, tăng 25% so với năm 2021.

Trên bản đồ xuất khẩu thủy sản thế giới, Việt Nam đang là quốc gia xuất khẩu lớn thứ 3, chiếm trên 7% thị phần trên thị trường thế giới, chỉ đứng sau Trung Quốc và Na Uy.

Riêng với tỉnh Đồng Nai, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm thủy, hải sản trong 11 tháng năm 2022 đạt 129,4 triệu USD, tăng 16,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Dự ước, sản lượng thủy sản thu hoạch trong tháng tết Nguyên đán đạt 6,7 ngàn tấn gồm 167 tấn tôm, 6,5 ngàn tấn cá.

Điều đáng ghi nhận hơn là ngành thủy sản đạt được những kỷ lục trên trong điều kiện sản xuất, xuất khẩu phải đối mặt với rất nhiều khó khăn do hệ lụy của hậu dịch Covid-19, các chuỗi cung ứng quốc tế đứt gãy chưa khôi phục hoàn toàn. Đặc biệt, tình trạng lạm phát tăng cao làm giảm sức mua tại các thị trường đang tiêu dùng thủy sản truyền thống của Việt Nam. Bên cạnh đó, việc tăng giá hàng hóa đối với lĩnh vực thủy sản, đặc biệt là giá thức ăn chăn nuôi thủy sản liên tục tăng sốc,… đã gây rất nhiều khó khăn cho cả hoạt động nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu thủy sản. Thời gian gần đây, biến động tỷ giá, kinh tế thế giới suy thoái, lạm phát tăng cao; áp lực cạnh tranh trên thị trường thế giới ngày càng lớn cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động xuất khẩu thủy sản.

Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất

Theo Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Cao Tiến Sỹ, Đồng Nai là tỉnh nội đồng có hệ thống sông, hồ phong phú nên bên cạnh thế mạnh nuôi trồng cả thủy sản nước ngọt và nước lợ. Riêng nuôi tôm nước lợ, người nuôi quan tâm ứng dụng công nghệ cao đã mang lại được hiệu quả kinh tế, nâng cao giá trị sản xuất trên diện tích đất canh tác.

Cụ thể, trong 11 tháng năm 2022, giá trị sản xuất thủy sản trên địa bàn tỉnh đạt hơn 2,55 ngàn tỷ đồng, tăng hơn 4,8% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn nhiều so với mức tăng bình quân chung của giá trị sản xuất nông lâm thủy sản trên địa bàn tỉnh là 3,94%. Trong đó, giá trị sản xuất thủy sản nuôi trồng đạt hơn 2,4 ngàn tỷ đồng, tăng trên 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Các mô hình nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh cũng khá đa dạng.

Ấn tượng nhất là nhiều địa phương của tỉnh đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, góp phần tạo sự phát triển đột phá trong ngành này. Ông Nguyễn Văn Nhân, Trưởng phòng Kinh tế H.Nhơn Trạch cho biết, thế mạnh của địa phương là phát triển nuôi trồng thủy sản nước lợ, đặc biệt là nuôi tôm. Hiện tổng diện tích nuôi tôm trên địa bàn huyện đạt gần 1,7 ngàn ha. Trong đó, toàn huyện có hàng trăm ha nuôi tôm thâm canh và nuôi tôm thâm canh ứng dụng công nghệ cao. Địa phương đang tiếp tục tích cực hỗ trợ cho nông dân chuyển đổi sang mô hình ứng dụng công nghệ cao vào nuôi tôm thâm canh; thu hút nhà đầu tư nuôi tôm công nghệ cao.

Mô hình nuôi tôm công nghệ cao, người nuôi kiểm soát tốt về con giống, giảm tỷ lệ hao hụt giống, an toàn dịch bệnh được đảm bảo, lượng thức ăn vừa đủ theo nhu cầu của tôm và nhất là xử lý tốt nguồn phân tôm dưới đáy ao, đảm bảo môi trường trong nuôi thủy sản. Nhờ ứng dụng nuôi tôm công nghệ cao đang cho lợi nhuận cao hơn nhiều so với mô hình nuôi tôm truyền thống.

Xác định nuôi trồng thủy sản là thế mạnh cần được đầu tư trong thời gian tới, các địa phương của tỉnh đang triển khai nhiều chính sách tập trung cho đầu tư hạ tầng cho các vùng nuôi trồng thủy sản như là đường giao thông, điện, hệ thống thủy lợi phục vụ yêu cầu sản xuất. Qua đó, nhằm thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có điều kiện về đầu tư công nghệ cao nhằm khai thác hết giá trị, tiềm năng, lợi thế về sản xuất nông nghiệp của địa phương.