Quảng Ninh nâng cao giá trị sản xuất từ nuôi biển

Theo đánh giá từ các ngành chức năng, so với tiềm năng của tỉnh, thời gian qua, nghề nuôi biển trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh vẫn còn khá nhỏ lẻ, chưa được đầu tư đồng bộ, tương xứng. Vì vậy, để khai thác tối đa lợi thế, ngành Nông nghiệp đã quyết tâm đưa ra nhiều giải pháp, đặt mục tiêu đến hết năm 2025 đạt giá trị sản xuất từ nuôi biển trên 8.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 70% tổng giá trị sản xuất nuôi trồng thủy sản.

Quảng Ninh có thế mạnh sản xuất tôm và nuôi biển lớn khi có đường bờ biển dài trên 250km, sở hữu 50.000ha eo biển, bãi triều cùng hơn 2.000 hòn đảo. Bên cạnh đó, tỉnh còn sở hữu môi trường, độ sâu nuôi phù hợp với nhiều động thực vật phù du, nhiều vụng kín, tốc độ dòng chảy nhỏ, ít ảnh hưởng bởi gió bão cũng như xa nguồn ô nhiễm dầu, chất thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt. Cùng với đó, thị trường tiêu thụ tôm và sản phẩm nuôi biển của Quảng Ninh khá thuận lợi khi có các cửa khẩu giao thương với Trung Quốc, các cảng biển, cửa ngõ ASEAN.

Nuôi trồng hải sản ở Quảng Ninh hiện đang phát triển 3 nhóm đối tượng chính là tôm, cá biển (cá song, cá chim vây vàng, cá giò…) và nhuyễn thể (hàu, ngao, trai cấy ngọc…). Phương thức nuôi chủ yếu là ao nhân tạo, lồng treo trên bè nổi và đặt dưới đáy biển; giàn bè hay nuôi thả trực tiếp trên các bãi triều. Năm 2021, toàn tỉnh Quảng Ninh có trên 7.000ha nuôi tôm, trong đó 4.000ha nuôi công nghiệp, sản lượng đạt trên 14.000 tấn, giá trị đạt trên 1.400 tỷ đồng. Diện tích nuôi cá biển và nhuyễn thể đạt 10.600ha, sản lượng đạt 45.000 tấn, trong đó 39.000 tấn nhuyễn thể, còn lại là cá biển. Năm 2022, Quảng Ninh phấn đấu sản xuất tôm và nuôi biển đạt sản lượng 77.000 tấn, trong đó, sản lượng tôm 25.000 tấn, sản lượng nuôi biển 52.000 tấn. Riêng 6 tháng đầu năm 2022, tổng sản lượng thủy sản đạt 72.921 tấn, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, sản lượng khai thác đạt 34.834 tấn, sản lượng nuôi trồng đạt 38.087 tấn. Diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 32.092ha, tăng 50,66% so với cùng kỳ năm 2021.

Theo đánh giá của Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT), sản xuất tôm và nuôi biển của Quảng Ninh tuy đã phát triển nhiều so với trước đây, nhưng chưa tương xứng so với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Sản xuất tôm và nuôi biển Quảng Ninh hoàn toàn có thể tăng cao hơn theo cấp số nhân nếu như đổi mới về tổ chức sản xuất và quản lý. Hiện, Quảng Ninh đã cơ bản chủ động về nguồn giống tôm và cá biển, nhưng nguồn giống nhuyễn thể, nguồn vật tư sản xuất, thức ăn, thuốc thú y thủy sản và vật liệu nổi vẫn đang phụ thuộc vào thị trường. Năng suất nuôi biển của Quảng Ninh chưa được cao, đặc biệt là tính liên kết yếu, thiếu và yếu hạ tầng dùng chung các vùng nuôi trồng thuỷ sản khi vẫn tồn tại tình trạng tự phát, cơ sở thu mua, chế biến tôm và sản phẩm nuôi biển mới phát triển ở bước đầu.

Giai đoạn 2025-2030, Quảng Ninh đặt mục tiêu đạt giá trị sản xuất từ nuôi biển trên 8.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 70% tổng giá trị sản xuất nuôi trồng thủy sản. Dự kiến đến hết năm 2025, tổng diện tích nuôi biển Quảng Ninh đạt trên 8.800ha (chiếm 33% tổng diện tích nuôi trồng thủy sản), sản lượng nuôi biển chiếm 65% tổng sản lượng thủy sản nuôi trồng (khoảng hơn 59.500 tấn). Tốc độ tăng trưởng bình quân về sản lượng giai đoạn 2020-2025 là 8%; giá trị sản xuất theo giá cố định trên 4.600 tỷ đồng (chiếm khoảng 68% giá trị sản xuất nuôi trồng thủy sản).

Mô hình nuôi cá song lồng bè tại thị trấn Cái Rồng, huyện Vân Đồn.

Tỉnh cũng đặt mục tiêu có 100% cơ sở nuôi biển đạt điều kiện về an toàn thực phẩm, có giám sát nguồn gốc sản phẩm nuôi theo quy định tại Luật Thủy sản. Xây dựng từ 1 đến 2 mô hình nuôi biển điển hình, xây dựng ít nhất 2 mô hình nuôi biển gắn với du lịch, dịch vụ nhằm đảm bảo sinh kế, tăng thu nhập cho ngư dân.

Để đạt được mục tiêu đó, ngành Nông nghiệp đã đưa ra nhiều giải pháp tăng trưởng sản xuất tôm và nuôi biển. Trong đó, tập trung tăng cường hàm lượng khoa học, kỹ thuật trong mỗi mô hình nuôi, hiện đại hóa quy trình sản xuất, quy trình quản lý, sản xuất tập trung, quy mô lớn, áp dụng máy móc, thiết bị thay thế sức người trong nuôi trồng thủy sản. Cùng với đó, hoạch định hướng sản xuất lớn, thay từ nghề cá nhân dân với chủ thể là ngư dân sang nghề cá công nghiệp với chủ thể là doanh nghiệp, chuyển từ nuôi gần bờ ra xa bờ, quy hoạch vùng nuôi, mật độ nuôi hợp lý để các loại thủy sản phát triển tốt nhất.

Theo ông Đỗ Đình Minh, Giám đốc Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT), trong thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh sẽ tăng cường thẩm định, cấp các mã vùng nuôi, mã cho cơ sở chế biến an toàn, xây dựng các mô hình liên kết sản xuất, nuôi trồng làm nền tảng để sản phẩm thủy sản Quảng Ninh có thể tiếp cận các thị trường khó tính song mang lại giá trị cao. Đặc biệt, ngành sẽ rà soát, hoàn thiện các thông số không gian biển, tích hợp vào quy hoạch chung, tiến tới số hóa mặt nước. Song song với đó là xử lý nghiêm các vi phạm trong quy hoạch thủy sản, chấm dứt nuôi trồng thủy sản tự phát.