Giá gạo xuất khẩu từ một số “vựa lúa” ở châu Á tăng

Theo các chuyên gia Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp Quốc, gạo là nguồn lương thực chính đối với hơn 3,5 tỷ người trên thế giới.

Gạo Thái Lan tăng lên mức cao kỷ lục 15 năm

Giá gạo 5% tấm của Thái Lan được niêm yết với giá 655 – 660 USD/tấn, cao nhất kể từ đầu năm 2008, so với mức 646 – 650 USD/tấn của tuần trước.

Đáng chú ý giá gạo của Thái Lan năm 2023 cũng tăng mạnh nhất kể từ đầu những năm 2000, với mức tăng khoảng 41% kể từ đầu năm nay.

Trước đà tăng này, các nhà giao dịch cho rằng giá gạo của Thái Lan tăng là do nhu cầu mạnh từ nước ngoài, đặc biệt là từ Indonesia và Philippines, khi nguồn cung thiếu hụt trước kỳ nghỉ Năm mới.

Theo TTXVN, trong khi đó, giá gạo đồ xuất khẩu của Ấn Độ tiếp tục tăng trong tuần qua, lên mức cao nhất kể từ tháng 10/2023, do nguồn cung bị thắt chặt và giá chào bán của các nước khác tăng.

Giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ đứng ở mức 508 – 515 USD/tấn, so với mức 505 – 512 USD/tấn của tuần trước. Trong năm 2023, giá loại gạo này ước đạt tăng mạnh nhất kể từ năm 2004.

Sản lượng gạo của Ấn Độ trong năm nay dự kiến giảm lần đầu tiên trong 8 năm, làm gia tăng khả năng nước này sẽ tiếp tục hạn chế xuất khẩu để kiểm soát giá lương thực.

Trong khi đó, giá gạo 5% tấm của Việt Nam đứng ở mức 653 USD/tấn, giảm so với mức 660 – 665 USD/tấn của tuần trước. Giá loại gạo này ước đạt mức tăng theo năm là 44% trong năm nay.

Một nhà giao dịch tại Đồng bằng sông Cửu Long cho biết, giá giảm nhẹ trong tuần này khi các nhà giao dịch chờ nguồn cung mới vụ Đông – Xuân. Theo nhà giao dịch trên, trong nửa đầu năm 2024, Philippines, Trung Quốc và Indonesia sẽ vẫn là các thị trường lớn nhất của gạo Việt Nam.

1
Gạo là nguồn lương thực chính đối với hơn 3,5 tỷ người trên thế giới. Ảnh minh họa.

Nguyên nhân chính khiến giá gạo thế giới tăng mạnh trong năm nay

Giới chuyên gia cho rằng giá gạo tăng xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm nguồn cung phân bón không ổn định, hiện tượng El Niño ảnh hưởng đến sản lượng gạo, Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo để kiểm soát lạm phát lương thực…

Đáng chú ý teo giới chuyên gia, có hai nguyên nhân chính khiến giá gạo thế giới tăng mạnh trong năm nay: Một là Ấn Độ hạn chế xuất khẩu gạo và hai là thời tiết khô hạn ảnh hưởng bất lợi đến hoạt động sản xuất lúa gạo ở nhiều quốc gia. Hai yếu tố này dẫn tới tình trạng thắt chặt nguồn cung trên thị trường gạo toàn cầu và giá gạo tăng như một hệ quả tất yếu.

Ấn Độ – nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới – đã chứng kiến sản lượng gạo suy giảm do lượng mưa ít do hiệu ứng El Nino. Nhằm đảm bảo nguồn cung lương thực trong nước và kiềm chế lạm phát giá lương thực, quốc gia đông dân nhất thế giới đã đưa ra quyết định hạn chế xuất khẩu gạo trong năm 2023 và dự kiến duy trì hạn chế này cho tới ít nhất giữa năm 2024. Không chỉ hoành hành ở Ấn Độ, El Nino – hiện tượng thời tiết với lượng mưa ít và những giai đoạn khô hạn kéo dài – cũng ảnh hưởng tới các nước sản xuất gạo lớn khác như Indonesia và Thái Lan.

“Giá gạo cao lẽ ra khuyến khích nông dân trồng nhiều lúa gạo hơn, nhưng đang có những mối lo về nguồn nước do mực nước tại các hộ dự trữ giảm xuống thấp. Tình trạng này có thể gây giảm sản lượng gạo. Ấn Độ và Thái Lan sẽ chứng kiến sản lượng lúa gạo giảm trong quý 1 năm nay. Đối với Indonesia, mực nước của các hồ dự trữ để cung cấp cho vụ gieo trồng trong mùa khô 2024 cũng đã giảm mạnh do thời tiết khô hạn”, nhà phân tích Peter Clubb của Hội đồng Ngũ cốc Quốc tế ở London nhấn mạnh.

Ngoài ra, ở Mỹ, nhiều bang trồng lúa gạo như Arkansas, California và Louisiana có thể giảm diện tích dành cho nông sản này trong năm 2024 do nhiều nông dân có thể chuyển sang trồng đậu tương.

Trong khi đó, việc giá gạo tăng mạnh năm nay đã thúc đẩy nhiều quốc gia tăng cường mua gạo để dự trữ vì lo ngại nguồn cung gạo toàn cầu sẽ thắt chặt hơn nữa do El Nino, theo Kinh tế Việt Nam.

Theo các chuyên gia Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO), gạo là nguồn lương thực chính đối với hơn 3,5 tỷ người và cung cấp khoảng 20% nguồn cung năng lượng trong bữa ăn toàn cầu.

Thời gian qua, tình hình thế giới biến động mạnh mẽ với những xung đột chính trị cùng biến đổi khí hậu… khiến nguồn cung mặt hàng này bị ảnh hưởng. Trong khi đó, nhu cầu nhập khẩu gạo cuối năm 2023 và 2024 được dự báo tiếp tục tăng.