Dẫn đầu cả nước về thu hút FDI, Hà Nội khẳng định điểm đến đầu tư

Hà Nội tiếp tục dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI trong 3 tháng đầu năm với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt hơn 970 triệu USD.

Hà Nội dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI

Số liệu vừa được Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố cho thấy, tính đến ngày 20/3, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài (FDI) đạt hơn 6,17 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong đó, có 644 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (tăng 23,4% so với cùng kỳ), tổng vốn đăng ký đạt hơn 4,77 tỷ USD (tăng 57,9% so với cùng kỳ).

Đối với các dự án điều chỉnh vốn, báo cáo cho biết, trong 3 tháng đầu năm có 248 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (tăng 6% so với cùng kỳ), tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt 934,6 triệu USD (giảm 22,6% so với cùng kỳ).

Đối với góp vốn, mua cổ phần, số lượt các nhà đầu tư FDI đã góp vốn, mua cổ phần đạt 604 lượt, với tổng giá trị vốn góp đạt gần 466,2 triệu USD (giảm 61,7% so với cùng kỳ).

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, tháng 3/2024 ghi nhận lượng vốn đầu tư điều chỉnh của các dự án hiện hữu cũng như giá trị các giao dịch góp vốn mua cổ phần cao hơn trong các tháng 1 và 2. Số dự án đầu tư mới cũng nhiều hơn, song quy mô dự án mới nhỏ hơn do không có nhiều dự án lớn.

Vì vậy, tổng vốn đầu tư đăng ký trong ba tháng dù vẫn tăng 13,4% so với cùng kỳ, song mức tăng giảm 25,2 điểm phần trăm so với hai tháng đầu năm.

Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng 4,63 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2023.

Kinh tế - Dẫn đầu cả nước về thu hút FDI, Hà Nội khẳng định điểm đến đầu tư
Hà Nội liên tiếp dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Ảnh minh họa.

Theo Vietnamnet, xét theo địa bàn đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 42 tỉnh, thành phố trên cả nước trong 3 tháng đầu năm nay.

Trong đó, Hà Nội dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 970,8 triệu USD, chiếm 15,7% tổng vốn đầu tư đăng ký và gấp hơn 6,1 lần so với cùng kỳ năm 2023. Lý do, Hà Nội có dự án đầu tư mới lớn với tổng vốn đầu tư hơn 662 triệu USD với mục tiêu đầu tư dự án khu đô thị mới.

Trước đó, trong hai tháng đầu năm, Hà Nội cũng dẫn đầu, với tổng vốn đầu tư đăng ký tháng 1 là hơn 867 triệu USD, chiếm 36,7% tổng vốn đầu tư đăng ký và gấp 39,7 lần so với cùng kỳ năm 2023. Tổng vốn đầu tư đăng ký tháng 2 gần 914,4 triệu USD, chiếm 21,3% tổng vốn đầu tư đăng ký và gấp 24,4 lần so với cùng kỳ năm 2023.

Theo Kinh tế & Đô thị, những lĩnh vực thu hút vốn lớn nhất là kinh doanh bất động sản, tiếp theo là ngành công nghiệp chế biến chế tạo, thương mại, dịch vụ, xây dựng và khoa học công nghệ, còn lại là các ngành khác.

Trong nhiều tháng qua, Hà Nội liên tục trong bảng xếp hạng các địa phương dẫn đầu về thu hút FDI. Với lợi thế cạnh tranh về môi trường đầu tư thông thoáng, chính trị ổn định, kinh tế xã hội phát triển bền vững, nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng cao, thị trường tiềm năng, dịch vụ đa dạng… Thủ đô Hà Nội là một trong những địa phương hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài.

Nâng cao chất lượng dòng vốn FDI

Hà Nội đã và đang xác định cộng đồng doanh nghiệp nói chung, cộng động doanh nghiệp FDI nói riêng là động lực quan trọng cho quá trình hội nhập và phát triển của Thủ đô. Dự kiến, năm 2024, TP phấn đấu thu hút FDI đạt khoảng 3,15 tỷ USD; trong đó, các dự án có sử dụng đất khoảng hơn 2,15 tỷ USD, các dự án thương mại, dịch vụ khoảng 1 tỷ USD. Năm 2025, TP phấn đấu thu hút FDI đạt khoảng 2,7 tỷ USD; trong đó, các dự án có sử dụng đất khoảng hơn 1,5 tỷ USD, các dự án thương mại, dịch vụ đạt khoảng 1,2 tỷ USD.

Theo Sở KH&ĐT Hà Nội, TP sẽ thu hút đầu tư nước ngoài theo chiều sâu gắn với mục tiêu phát triển bền vững; ưu tiên những dự án chất lượng, sản phẩm có giá trị gia tăng và tính cạnh tranh cao tập trung vào các lĩnh vực.

Đồng thời, tiếp tục đổi mới trong công tác xúc tiến đầu tư, gắn kết với xúc tiến thương mại, du lịch cũng như gắn với hoạt động đối ngoại, văn hóa; đẩy mạnh vai trò của các cơ quan xúc tiến đầu tư đối với các tổ chức ngoại giao và khu vực kinh tế vốn đầu tư nước ngoài; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, minh bạch và công bằng để các nhà đầu tư kinh doanh thành công và phát triển bền vững.

Đánh giá về bức tranh tổng quát thu hút FDI trên địa bàn Tp.Hà Nội thời gian gần đây, PGS.TS Trần Đình Thiên – nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng: trong bối cảnh CMCN 4.0 diễn ra mạnh mẽ; chiến tranh thương mại giữa các nước lớn; làn sóng dịch chuyển vốn FDI vào khu vực Đông Nam Á; việc đảm bảo phát triển bền vững, phát triển kinh tế kết hợp chặt chẽ với phát triển xã hội, gắn tăng trưởng kinh tế với công bằng, tiến bộ xã hội, phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, cân bằng sinh thái, các tỉnh, TP trong vùng thủ đô Hà Nội đã có những định hướng “mở” để nâng cao chất lượng dòng vốn FDI.

Bên cạnh đó, Hà Nội chú trọng đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để tiếp cận công nghệ hiện đại, đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp FDI. “Đây cũng là lợi thế so sánh mang tính quyết định trong thu hút dòng vốn FDI có chất lượng trong thời gian tới”- PGS.TS Trần Đình Thiên nhận định.

Các doanh nghiệp FDI cần được tăng cường hỗ trợ một cách đồng bộ và hiệu quả như: hỗ trợ về mặt bằng sản xuất – kinh doanh, phối hợp với các công ty đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp cung cấp mặt bằng sạch để tạo điều kiện cho nhà đầu tư triển khai dự án nhanh chóng; hỗ trợ kết nối đào tạo nghề giữa doanh nghiệp FDI với các trường đại học, cao đẳng nghề trong vùng; hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng trong và ngoài hàng rào dự án như hệ thống điện, nước, xử lý nước thải, viễn thông; hỗ trợ doanh nghiệp FDI về các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ cao; hỗ trợ doanh nghiệp FDI giải quyết nhanh chóng và thuận lợi các thủ tục hành chính về đầu tư và kinh doanh; các tranh chấp pháp lý (nếu có)…

Trên thực tế, mục tiêu của Hà Nội đạt được chỉ số sản xuất công nghiệp giai đoạn 2021-2030 là 10,2%/năm, từng bước cụ thể hóa Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội Tp.Hà Nội định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Phó Chủ tịch UBND Tp.Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, TP sẽ thành lập thêm các khu, cụm công nghiệp để tạo thuận lợi cho thu hút đầu tư nước ngoài. Các khu công nghiệp mới đi vào hoạt động sẽ đóng góp lớn vào tăng trưởng sản xuất công nghiệp, nâng cao kim ngạch xuất khẩu và sức cạnh tranh của nền kinh tế Thủ đô. Đồng thời, tập trung làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, kết hợp tăng tốc độ hoàn thiện hệ thống hạ tầng theo hướng đồng bộ, hiện đại.