Bắc Ninh: Phát triển thủy sản theo hướng VietGAP

Với mục tiêu phát triển nuôi trồng thủy sản an toàn dịch bệnh, nâng cao chất lượng sản phẩm, đem lại hiệu quả kinh tế cao, từ năm 2017 đến nay, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh (Sở Nông nghiệp và PTNT) tích cực xây dựng và triển khai các mô hình nuôi trồng thủy sản theo hướng VietGAP. Đây là hướng đi đúng góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân.

Với sự giúp đỡ, hướng dẫn của Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh, năm 2017 gia đình bà Mai Thị Bích Việt ở thôn An Động, xã Lạc Vệ (Tiên Du) thực hiện quy trình nuôi cá theo hướng VietGAP trên diện tích mặt nước rộng 2,8 ha. Định kỳ 2 tuần một lần cá được bắt lên để cân đo, ghi chép cẩn thận các thông số. Đây là cơ sở để đánh giá mức độ phát triển của cá so với thời điểm trước đó nhằm định hướng khối lượng thức ăn cho phù hợp với từng giai đoạn, giảm thiểu tỷ lệ thất thoát, dư thừa thức ăn, ảnh hưởng đến môi trường nước, khả năng ăn mồi của cá nuôi; các yếu tố môi trường nước, pH, độ trong, nhiệt độ, các loại địch hại cũng được theo dõi và kiểm tra hàng ngày. Định kỳ 15 ngày ao sẽ được khử trùng bằng vôi bột nhằm duy trì màu nước, ổn định pH. Bà Việt chia sẻ: “Với 2,8 ha mặt nước nuôi thả cá theo phương pháp truyền thống, cho thu hoạch khoảng 15 tấn cá/vụ, tương ứng 30 tấn/năm. Từ khi được Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh lựa chọn tham gia mô hình nuôi cá theo hướng VietGAP, cá sinh trưởng, phát triển nhanh hơn, chỉ sau 6 tháng, đạt yêu cầu xuất bán với trọng lượng mỗi con khoảng 1 kg. Với phương pháp nuôi theo hướng VietGAP, mỗi năm cho thu hoạch 2 lứa, tổng sản lượng hơn 40 tấn, tăng 10 tấn so với các năm trước đây”. Ông Nguyễn Văn Định, thôn Gia Phú, xã Bình Dương (Gia Bình) có 1,05 ha mặt nước nuôi trồng thủy sản gồm các loại cá: Trắm, trôi, mè, chép, rô phi được cấp chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP từ tháng 11-2021 cũng khẳng định: “Nuôi cá theo hình thức bán thâm canh, cá hay bị dịch bệnh. Khi tham gia nuôi cá theo hướng VietGAP tôi thấy chi phí thức ăn giảm hẳn, cách chăm sóc hợp lý, cá ít bệnh, tăng trưởng nhanh và cho hiệu quả cao hơn so với trước”.

Theo ông Nguyễn Thành Trung, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh: VietGAP có nghĩa là thực hành sản xuất nông nghiệp tốt được xây dựng trên các tiêu chí: Bảo đảm an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm phúc lợi xã hội, sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng; bảo vệ môi trường và truy xuất nguồn gốc. Các hộ tham gia nuôi cá theo hướng VietGAP được tập huấn, tư vấn kỹ thuật, lấy mẫu kiểm tra, đánh giá, phân tích chất lượng nước và được các đơn vị đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận. Mặc dù phải chi phí khoảng 7-10 triệu đồng/ha để xây dựng ao nuôi theo quy chuẩn, nhưng mật độ thả giống cao hơn so với nuôi bình thường từ 20-30%, chi phí thuốc men, phòng trừ dịch bệnh cũng giảm đáng kể. Hơn nữa, sản phẩm được xác nhận nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng nên cá nuôi theo hướng VietGAP bảo đảm về chất lượng, giá cả, thị trường ưa chuộng và ngày càng được nhân rộng. Thống kê của Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản, thời điểm cuối năm 2021, toàn tỉnh có 153 mô hình nuôi cá theo hướng VietGAP, trong đó 141 mô hình nuôi trong ao đất, tổng diện tích gần 340 ha, chiếm gần 7% diện tích nuôi trồng thủy sản của tỉnh và 12 mô hình nuôi cá lồng trên sông, quy mô từ 15 đến 60 lồng/hộ.

Đồng chí Nguyễn Hồng Quang, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh cho biết: “Mục tiêu của ngành Nông nghiệp sẽ chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành, tăng dần tỷ trọng các ngành chăn nuôi, dịch vụ, giảm dần tỷ trọng ngành trồng trọt. Hiện nay, việc nuôi trồng thủy sản theo hướng VietGAP là hướng đi mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi, bền vững với môi trường sinh thái, do vậy cần được nhân rộng ở nhiều nơi để phát huy thế mạnh vốn có về nuôi trồng thủy sản. Đây là xu thế tất yếu giúp ngành nuôi trồng thủy sản phát triển bền vững và góp phần đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh”.

Có thể khẳng định, việc nuôi trồng thủy sản theo hướng VietGAP đã và đang mở ra hướng phát triển mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao bảo đảm tính bền vững trong nuôi trồng thủy sản nước ngọt. Để nhân rộng và phát triển mô hình nuôi cá theo hướng VietGAP. Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh tích cực phối hợp với các địa phương hoàn thiện quy hoạch các vùng nuôi thâm canh tập trung, hướng đến phát triển sản xuất giống tại chỗ và đẩy mạnh công tác chuyển giao quy trình kỹ thuật đến nông dân, nhằm khắc phục diện tích nuôi nhỏ lẻ, thiếu nguồn cung con giống… bảo đảm sự phát triển bền vững.