Các thị trường nhập khẩu gạo lớn như Philippines, Indonesia, Trung Quốc, châu Phi… đang tăng nhập khẩu gạo. Các thương nhân và các chuyên gia kinh tế đánh giá, đây là cơ hội lớn cho gạo Việt Nam tận dụng.
Cơ hội xuất khẩu gạo của Việt Nam từ nay đến cuối năm còn rất lớn. |
Nhu cầu gạo thế giới tăng cao
Cơ quan hậu cần quốc gia Indonesia (Bulog) vừa thông báo mở thầu mua 320.000 tấn gạo trắng 5% tấm. Thời hạn cuối để nhận chào giá cho gói thầu là ngày 31/7. Bulog đặt mục tiêu mua gạo từ Việt Nam, Thái Lan, Myanmar, Campuchia và Pakistan với thời gian giao từ tháng 8 đến tháng 9/2024.
Tại cuộc họp báo hôm 22/7, ông Sarwo Edhy, Tổng Thư ký Cơ quan lương quốc gia Indonesia (NFA) cho biết, Indonesia có thể nhập khẩu tới 4,3 triệu tấn gạo trong năm nay nếu sản lượng của vụ lúa hiện tại không đạt kỳ vọng do hạn hán, lũ lụt hoặc sâu bệnh. Con số này cao hơn kế hoạch nhập khẩu 3,6 triệu tấn gạo đặt ra từ hồi đầu năm.
Theo NFA, trong 5 tháng đầu năm 2024, Indonesia đã mua 2,22 triệu tấn gạo từ nước ngoài. Việt Nam, Thái Lan, Myanmar và Pakistan là những nhà cung cấp gạo chính cho Indonesia trong nửa đầu năm. Ước tính, sản lượng gạo sản xuất ở đất nước đông dân nhất Đông Nam Á trong 8 tháng đầu năm sẽ thấp hơn 9,52% so với cùng kỳ năm 2023.
Trước đó, hôm 17/7, phát biểu bên lề một hội nghị về ninh lương thực ở thủ đô Jakarta, ông Edhy cũng cho biết, Indonesia dự kiến mua thêm 2,1 triệu tấn gạo trong nửa cuối năm nay.
“Tất nhiên, kế hoạch nhập khẩu sẽ thay đổi tùy vào tình hình sản lượng gạo trong nước. Nếu sản xuất gạo trong nước có thể đáp ứng đủ nhu cầu thì chúng ta không cần nhập khẩu thêm”, ông lưu ý.
Còn ông Vũ Tuấn Anh – CEO Công ty GLE cho biết, từ nay đến cuối năm, cơ hội xuất khẩu gạo sang thị trường Philippines cũng sẽ khởi sắc hơn. Tổng lượng gạo nhập khẩu của Philippines trong năm 2024 có thể đạt tới trên 4 triệu tấn, thậm chí tới 4,5 triệu tấn, cao hơn con số dự báo trước đây.
“Philippines chủ yếu nhập khẩu gạo từ Việt Nam, lượng gạo Việt trên thị trường này chiếm tới 85%. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2024, lượng gạo Philippines nhập khẩu từ Việt Nam đã đạt trên 1,7 triệu tấn và nhu cầu này từ nay đến cuối năm vẫn tiếp tục ổn định” – ông Vũ Tuấn Anh thông tin.
Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, tính từ đầu năm đến giữa tháng 7/2024, Việt Nam đã xuất khẩu trên 4,8 triệu tấn gạo, thu về gần 3,1 tỉ USD. Riêng 15 ngày đầu của tháng 7/2024, Việt Nam đã xuất khẩu 290.035 tấn gạo với giá trị 177 triệu USD, tăng lần lượt 15% về lượng và 30% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Giá xuất khẩu gạo bình quân cũng tăng 12% so với cùng kỳ, đạt 612,3 USD/tấn.
Ông Nguyễn Ngọc Nam – Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam – cho hay: “Nhu cầu lúa gạo trên thị trường thế giới vẫn rất lớn. Các thị trường truyền thống như: Trung Quốc, Philippines, Indonesia vẫn là những đối tác nhập khẩu chính của Việt Nam. Bên cạnh đó, chúng tôi đang tích cực mở rộng sang các thị trường mới như châu Phi và Trung Đông”.
Việt Nam gia tăng cơ hội
Nông dân thu hoạch lúa. |
Chia sẻ trên Báo Tuổi trẻ, ông Nguyễn Văn Văn – trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tri Tôn, An Giang – cho biết tổng diện tích lúa hè thu sớm đã được thu hoạch trên địa bàn đạt hơn 22.000ha (trên 52%), với giá bán lúa Đài thơm 8 và OM18 là từ 7.400 – 7.600 đồng/kg, còn lúa IR50404 có giá 7.200 đồng/kg. Nếu so với tháng trước, giá lúa thấp hơn 200 đồng/kg nhưng vẫn cao hơn cùng kỳ năm trước.
“Mưa gió liên tục đã làm ảnh hưởng đến tiến độ thu hoạch và năng suất lúa của bà con. Mùa hè thu năm nay bà con trúng mùa, năng suất cao hơn 0,2 tấn/ha, còn giá cả nhích hơn chút nên nông dân phấn khởi. Tôi nghĩ thông tin Philippines tăng nhập khẩu là thông tin tốt cho bà con nông dân hiện nay”, ông Văn nói.
Ông Phạm Thái Bình – chủ tịch HĐQT Công ty CP nông nghiệp công nghệ cao Trung An (TP Cần Thơ) – cho biết Bulog (Indonesia) chuẩn bị mở đấu thầu 320.000 tấn gạo, phải giao trong tháng 8 – 9 tới đây. Đây là cơ hội cho nhiều quốc gia. Điều này chứng tỏ nhu cầu an ninh lương thực cho từng quốc gia rất lớn, nhất là các quốc gia chuyên nhập khẩu gạo của Việt Nam.
“Như vậy, nhu cầu gạo của các nước rất lớn. Người ta có nhu cầu rất lớn mà mình bán giảm giá là không được. Gạo đang ngày càng khan hiếm khi tình hình biến đổi khí hậu bất thường nên gạo đang có nhu cầu rất lớn và cơ hội gạo Việt chúng ta rất lớn”, ông Bình nói.
Theo ông Bình, đến nay Việt Nam đã xuất khẩu hơn 4,8 triệu tấn gạo, thu về hơn 3 tỉ USD. Với nhu cầu gạo của Philippines và Indonesia như vậy, Việt Nam rất tích cực chủ động nguồn lúa gạo. Tuy nhiên, vụ này mưa gió nên lượng lúa gạo không đẹp như vụ đông xuân.
“Do đó, chúng ta phải thận trọng trong bối cảnh tham gia đấu thầu gạo này khi các nước đang có nhu cầu”, ông Bình nói.
Theo Tổng cục Hải quan, giá xuất khẩu gạo bình quân nửa đầu tháng 7 tăng 12% so với cùng kỳ, đạt 612,3 USD/tấn.
Nửa đầu tháng 7, Việt Nam xuất khẩu hơn 290.000 tấn gạo với giá trị 177 triệu USD, tăng lần lượt 15% về lượng và 30% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Giá xuất khẩu gạo bình quân cũng tăng 12% so với cùng kỳ, đạt 612,3 USD/tấn.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến đầu tháng 7, các địa phương thu hoạch được khoảng 388.000ha trên 1,46 triệu ha đã xuống giống vụ hè thu, năng suất ước đạt 6,2 tấn/ha. Nguồn cung dồi dào luôn là trợ lực thúc đẩy hoạt động xuất khẩu gạo trong thời gian tới.
Bộ này dự kiến sản xuất lúa cả nước năm 2024 sẽ đạt 43 triệu tấn, đảm bảo nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu khoảng 8 triệu tấn, có thể thu về hơn 5 tỉ USD.