Cơ hội tăng tái đàn khi giá thức ăn chăn nuôi giảm?

Các mặt hàng nguyên liệu cho sản xuất thức ăn chăn nuôi hạ nhiệt và giá thịt lợn ổn định ở mức tốt. Liệu đây là cơ hội để các doanh nghiệp tăng hoạt động tái đàn?

Người chăn nuôi có lãi?

Theo Báo Công thương, từ đầu năm 2023 đến cuối tháng 5/2023, giá heo hơi trong nước xuống mức khá thấp, có thời điểm xuống dưới 50.000 đồng/kg. Sau đó, bật tăng trong thời điểm tháng 6, tháng 7/2023 và có lúc chạm mức 67.000 đồng/kg. Tuy nhiên, từ cuối tháng 8 và đặc biệt từ đầu tháng 9/2023 đến nay, giá heo hơi đã “quay đầu” giảm trở lại và hiện đang phổ biến ở mức 54.000 – 58.000 đồng/kg.

Về việc này, ông Võ Trọng Thành – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, hiện giá thành chăn nuôi hiện nay dao động trong khoảng 49.000 – 53.000 đồng/kg. Con số này thấp hơn khoảng 13% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ giá thức chăn nuôi hạ nhiệt. Như vậy, với mức giá như hiện nay, người chăn nuôi có lãi.

“Năm ngoái khi giá heo hơi lên 67.000 đồng/kg, một số người cho rằng Chính phủ cần can thiệp để hạ giá xuống. Tuy nhiên, sau đó, thị trường tự điều tiết mà chưa cần đến sự vào cuộc của Chính phủ và hiện vẫn tương đối ổn. Đặc biệt, những đơn vị sản xuất theo chuỗi sẽ kiểm soát tốt hơn chi phí đầu vào và lợi nhuận tốt hơn”, ông Võ Trọng Thành nói.

Trước đó, theo số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), sau khi đạt đỉnh vào năm ngoái, giá các mặt hàng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi hiện đều giảm mạnh. Trong đó, giá ngô, đậu tương và lúa mì đã hạ khoảng 15 – 30% so hồi đầu năm. Điều này giúp giảm gánh nặng chi phí sản xuất cho doanh nghiệp, hộ chăn nuôi, cũng như tăng tỉ lệ tái đàn.

Ông Dương Tất Thắng – Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, chăn nuôi hiện là lĩnh vực mũi nhọn của ngành nông nghiệp Việt Nam với 1/4 tỉ trọng và đóng góp 27% GDP chung toàn ngành trong nửa đầu 2023.

Việt Nam đã chuyển từ trạng thái “thiếu ăn sang ăn ngon và thực phẩm sạch” nên khi Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, ngành chăn nuôi đã chủ động có những bước chuyển mình mạnh mẽ để thích ứng với sự thay đổi của thời đại.

Riêng năm 2022, ngành chăn nuôi đạt được những con số ấn tượng, ghi nhận sự phát triển năng động, lợi nhuận trên 21 tỷ USD, tương đương mức tăng trưởng từ 5 – 6% so với năm 2021. Bên cạnh đó, ngành chăn nuôi cũng có những bước tiến vượt bậc nhờ chính sách mở cửa, tạo môi trường đầu tư thông thoáng thu hút thành công nhiều doanh nghiệp, quốc gia đến Việt Nam để đầu tư.

thuc-an-1
Các mặt hàng nguyên liệu cho sản xuất thức ăn chăn nuôi hạ nhiệt là cơ hội tốt cho ngành chăn nuôi. Ảnh minh họa từ internet.

Giá thức ăn chăn nuôi hạ nhiệt

Về vấn đề thức ăn chăn nuôi, theo ông Dương Tất Thắng, đây là yếu tố tác động rất lớn đến giá thành sản phẩm chăn nuôi vì chiếm 65 – 70% giá thành chăn nuôi. Giảm được nguyên liệu đầu vào thì sẽ giảm được giá thành sản phẩm.

Đáng chú ý, việc Việt Nam – Hoa Kỳ nâng tầm quan hệ chiến lược toàn diện, trong bối cảnh nguồn nguyên liệu đầu vào thức ăn chăn nuôi nhập khẩu khá nhiều từ thị trường Hoa Kỳ sẽ tạo điều kiện cho nguyên liệu thức ăn của Hoa Kỳ cung cấp đến Việt Nam một cách thuận lợi hơn.

Về giá bột cá hiện đang tăng lên 10 – 15% sẽ ảnh hưởng như thế nào đến giá thức ăn chăn nuôi? Ông Dương Tất Thắng đánh giá, việc này cũng sẽ ảnh hưởng nhưng mức độ ảnh hưởng là không lớn và không phải là yếu tố quyết định.

Dù vậy, theo ông Thắng, khi tham gia sâu và rộng vào thị trường quốc tế thì doanh nghiệp cần chấp nhận sự điều tiết thị trường. Vì vậy, việc lên xuống của giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đầu vào buộc doanh nghiệp cần có những tính toán cho phù hợp.

Về giải pháp, hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tìm kiếm nguồn nguyên liệu thay thế. Ví dụ, như với ngô, đậu tương, hiện Bộ đang phối hợp với 5 tỉnh Tây Nguyên để có thể một phần nào tự chủ được sản xuất, giảm được sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến cuối tháng 8/2023, tổng sản lượng heo của Việt Nam tăng khoảng 3,3% so cùng kỳ năm ngoái. Với con số này, Việt Nam đã vươn lên là quốc gia đứng thứ 5 thế giới về số lượng đầu heo và đứng thứ 6 về sản lượng thịt.

Giá thức ăn chăn nuôi dần hạ nhiệt, nhu cầu ổn định và khả năng được giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu cho sản xuất thức ăn chăn nuôi, trong đó có mặt hàng khô đậu tương sẽ là cơ sở cho các doanh nghiệp lên kế hoạch tái đàn, phát triển hoạt động kinh doanh trong thời gian tới.

Cơ hội để tăng tái đàn

Theo Báo Nhân Dân, số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), sau khi đạt đỉnh vào năm ngoái, giá các mặt hàng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi hiện đều giảm mạnh. Trong đó, giá ngô, đậu tương và lúa mì đã hạ khoảng 15 – 30% so hồi đầu năm. Điều này giúp giảm gánh nặng chi phí sản xuất cho doanh nghiệp ngành chăn nuôi, đồng thời tăng tỉ lệ tái đàn.

Từ đầu năm 2023 đến nay, mặc dù giá thức ăn chăn nuôi đã giảm hơn 3 lần nhưng vẫn duy trì ở mức cao so giai đoạn trước dịch Covid-19. Cùng với sự tăng giá của nhiều mặt hàng đầu vào khác, các doanh nghiệp ngành chăn nuôi còn phải chịu nhiều áp lực do chi phí sản xuất, phí vận chuyển, giá nguyên vật liệu… ở mức cao. Do đó, cơ cấu ngành chăn nuôi của nước ta đã có bước chuyển dịch mạnh theo hướng giảm tỉ lệ các hộ gia đình chăn nuôi nhỏ lẻ, gia tăng các hộ chăn nuôi chuyên nghiệp và trang trại quy mô lớn.

Theo thống kê của Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), 5 năm qua, tỉ lệ chăn nuôi nông hộ giảm từ 5 – 7%/năm, riêng năm 2019 – 2022, cơ sở chăn nuôi nhỏ quy mô nông hộ giảm 15 – 20%. Hiện nay, sản lượng lợn sản xuất của các hộ nhỏ lẻ giảm còn 35 – 40%, ngược lại sản lượng lợn sản xuất trong hộ chuyên nghiệp và trang trại chiếm đến 60 – 65%.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, ngành chăn nuôi đang dần thoát ra khỏi thế gọng kìm và bước vào giai đoạn sản xuất mới. Trong bối cảnh nguồn cung bị hạn chế do tỷ lệ số nông hộ sản xuất nhỏ lẻ giảm, nhu cầu thịt lớn trong quý cuối năm tăng cao và ổn định, dự báo giá thịt lợn hơi trong nước tiếp tục đà tăng nhẹ. Điều này giúp biên lợi nhuận ngành chăn nuôi sẽ có cải thiện trong giai đoạn tới.