Mùa nước nổi nông dân miền Tây lại đón vụ cá linh, kiếm lộc trời cho thu nhập tiền triệu mỗi ngày

Hàng năm, cứ đến tháng 10 là nguồn nước từ sông Mê Công đổ về cùng những cơn mưa liên tục đã bổ sung nguồn nước dồi dào cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Hiện nước lũ đã tràn đồng khu vực Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên cũng như vùng đất trũng nhất ở khu vực hạ lưu là Hậu Giang. Thời điểm này người dân bước vào vụ đánh bắt cá linh.

1
Cá linh đặc sản mỗi năm chỉ di trú đến Đồng bằng sông Cửu Long trong vài tháng nước lũ.

Cá linh là loài đặc hữu của sông Mekong, có thân hình nhỏ bé và mỗi năm chỉ di trú đến Đồng bằng sông Cửu Long trong vài tháng nước lũ. Cá linh rất đa dạng chủng loại. Bên cạnh có linh tròn, hay cá linh ống do có hình dạng tròn, mập, còn có cá linh rìa do kỳ chạy dọc lưng dài, rồi cá linh bản do thân hình hơi to bề ngang… Tuy nhiên, cá linh tròn vẫn được giới sành ẩm thực ưa chuộng vì sự vượt trội chất lượng thịt và mùi thơm.

Kỹ thuật đánh bắt cá linh cũng đa dạng và phong phú như: Xây đáy, ven đăng, đặt dớn, cất vó, giăng lưới, chài… Và mỗi ngư cụ có kỹ thuật và cách bắt độc đáo riêng, thích ứng cho từng thời điểm phát triển của cá.

Nhiều nông dân vùng biên giới huyện An Phú, tỉnh An Giang thu nhập 1 triệu đồng/ngày nhờ đánh bắt cá linh.
Nhiều nông dân vùng biên giới huyện An Phú, tỉnh An Giang thu nhập 1 triệu đồng/ngày nhờ đánh bắt cá linh.

Giữa mùa thì đánh bắt bằng dớn. Đến cuối mùa, cá lớn thì đắng bắt bằng vó, chài và giăng lưới. Tất cả những ngư cụ và kỹ thuật đánh bắt này đã góp phần làm cho vườn văn hóa đánh bắt thủy sản ở Nam Bộ thêm hương sắc mới.

Đầu mùa, cá còn nhỏ li ti đánh bắt bằng phương tiện đáy, tức dùng lưới có mắc nhỏ, giăng ngang một điểm trên sông, kênh… được các vị cao niên đoán là cá sẽ đi nhiều, để ven cá vào đáy được làm bằng lưới có túi dài và to…

Đến mùa nước nổi, người dân vùng lũ lại đi giăng lưới bắt cá linh.
Đến mùa nước nổi, người dân vùng lũ lại đi giăng lưới bắt cá linh.

Theo Tổng cục Thủy lợi, trong những ngày tới, lũ sẽ đạt đỉnh ở vùng đầu nguồn, mực nước dao động ở mức 3,5 – 3,7m, xấp xỉ và trên mức báo động (BĐ) 1, lũ nội đồng ở vùng thượng nguồn mức BĐ2-BĐ3, và trên BĐ3 vùng giữa và ven biển.

Nhiều nông dân đã bỏ sản xuất lúa thu đông (lúa vụ 3), để nước tràn đồng. Đây cũng là cách làm hay để đất được “nghỉ ngơi”, đón phù sa. Không gian mưu sinh của người dân cũng nhộn nhịp theo mùa nước nổi với nhiều hình thức khai thác nguồn lợi từ đánh bắt thủy sản trong đó chủ yếu là đặc sản cá linh.

Ngày nay, do nhiều lý do khách quan và chủ quan, cá linh mùa lũ không còn nhiều như xưa, thậm chí là sụt giảm nghiêm trọng. Xác định đây là loài cá có nhiều giá trị kinh tế cho người dân lẫn nguồn lợi thủy sản tự nhiên (cá linh là chuỗi của hệ thống thức ăn của thủy sản tự nhiên) nên ngành chức năng đã ban hành quy định hạn chế đánh bắt “tự do” vào thời điểm đầu mùa với các ngư cụ mang tính tận diệt.

Mua bán đặc sản cá linh mùa nước nổi nhộn nhịp trên vùng Tứ giác Long Xuyên, tỉnh An Giang.
Mua bán đặc sản cá linh mùa nước nổi nhộn nhịp trên vùng Tứ giác Long Xuyên, tỉnh An Giang.

Theo ông Dương Thọ Trường, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi – Thú y và Thủy sản Đồng Tháp cho biết mùa cá linh năm nay đã muộn gần 3 tháng so với mọi năm.

“Nguồn cung cá linh trên thị trường rất thấp, đa phần là cá ươm tạo. Khoảng 1-2 tháng nữa cá mới xuất hiện nhiều. Do đó, giá cá linh tự nhiên bán ra trên thị trường rất cao. Thời gian tới nếu lũ về lớn có thể sản lượng sẽ tăng và giá cá sẽ giảm xuống” ông Thọ cho hay.