Giá lợn hơi “tăng đà” do tiểu thương bán tháo chạy dịch?

Theo chuyên gia thương mại, có thể do thời gian qua, số lượng lớn lợn thịt ở Ninh Bình và một số nơi khác buộc phải tiêu huỷ do dịch tả lợn châu Phi, dẫn đến người dân ở các địa phương lân cận có tâm lý bán tháo để “chạy dịch”.

Liên quan đến giá lợn hơi đang có chiều hướng tăng trong một tuần nay, ngày 15/12, trao đổi nhanh với PV Báo Gia đình & Xã hội, chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú – nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội (nay là Sở Công thương Hà Nội) cho biết, mặc dù giá lợn hơi như Cục Chăn nuôi đưa ra chỉ dừng lại ở ngưỡng 60.000 đồng/kg nhưng mức giá này chỉ xảy ra ở những trang trại chăn nuôi lớn theo mô hình an toàn sinh học.

Mức giá dao động từ 68.000 – 72.000 đồng/kg đang nhích trong khoảng 1 tuần trở lại đây diễn ra chủ yếu ở những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.

Lý giải về mức giá tăng này, ông Phú cho rằng, có thể do thời gian qua, một số địa phương buộc phải tiêu hủy do dịch tả lợn châu Phi, dẫn đến người dân ở các địa phương lân cận có tâm lý bán tháo để “chạy dịch”.

Nghịch lý giá lợn hơi “tăng đà” là do tiểu thương bán tháo chạy dịch? - Ảnh 2.

Theo ông Vũ Vinh Phú, hiện tượng giá lợn hơi tăng có thể do tâm lý người dân bán tháo để chạy dịch. Ảnh: Bảo Loan

Ông Phú cho rằng: “Nếu số liệu báo cáo của Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) về số lượng lợn thịt hiện nay khoảng 29 triệu con và số lượng này đã được phúc tra, cộng thêm sự bình ổn của thịt lợn nhập khẩu thì chúng ta không quá lo lắng về nguồn cung cho thị trường Tết. Mức này là gần xấp xỉ mức phục vụ tối đa nhu cầu bình thường của 96 triệu người tiêu dùng”.

“Tuy nhiên, do từ nay đến Tết Nguyên đán chỉ còn gần 2 tháng, không thể kịp tái đàn để cho ra một lứa lợn mới được nên không có lợn hơi bổ sung cho dịp Tết. Hơn nữa, hiện tượng dịch tả lợn châu Phi bắt đầu xuất hiện, nên nguồn cung thịt lợn chỉ có thể trông chờ chủ yếu vào “quỹ” lợn 29 triệu con. Tôi đặt giả thiết dịch tả lợn châu Phi lây lan khiến chúng ta không giữ được số lượng 29 triệu con này và người dân bán tháo để chạy dịch, thì việc giá lợn hơi có thể sẽ tăng lên”, ông Phú lưu ý thêm.

Nghịch lý giá lợn hơi “tăng đà” là do tiểu thương bán tháo chạy dịch? - Ảnh 3.

Theo ông Vũ Vinh Phú, thời gian qua, dù giá lợn hơi có giảm đến 30% nhưng người tiêu dùng vẫn phải mua thịt lợn thành phẩm với giá cao. Ảnh: Bảo Loan

Ông Phú cho biết thêm, giá bán lẻ thịt lợn thành phẩm hiện nay đang có sự bất hợp lý. Cụ thể là vừa qua, việc tái đàn thành công sau dịch tả lợn châu Phi đã “kéo” giá lợn hơi giảm xuống khoảng 30 – 35%. Thế nhưng, giá thịt lợn thành phẩm trên các kệ siêu thị thì chỉ giảm khoảng 5%. Sự bất hợp lý này khiến người tiêu dùng thiệt hại khoảng 25%.

Do đó, có nhiều nguyên nhân khiến người tiêu dùng phải sử dụng thịt lợn thành phẩm với giá cao trong dịp Tết Nguyên đán, cụ thể: nhu cầu tăng; người dân không sử dụng thịt lợn đông lạnh nhập khẩu trong dịp Tết; tác động của dịch tả lợn châu Phi lên những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ…

Những yếu tố này sẽ làm căng thêm thị trường thịt lợn, từ đó, chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú dự báo, giá thịt lợn sẽ nhỉnh lên. “Khả năng cao nhất giá thịt lợn hơi có thể lên đến 80.000 đồng/kg”, ông Phú cho hay.

Thông tin về tình hình chăn nuôi trên cả nước, Bộ NN&PTNT cho biết, trong 11 tháng đầu năm 2020, tình hình chăn nuôi phát triển khá tốt; dịch bệnh trên gia súc, gia cầm cơ bản được kiểm soát.

Giá trị sản xuất chăn nuôi 11 tháng đầu năm tăng khoảng 4,0 – 4,5%, ước cả năm 2020 tăng khoảng 5,0 – 6,0% so với năm 2019, do tốc độ tăng trưởng chăn nuôi quý 4 đang có chiều hướng tăng cao.

Riêng đối với mặt hàng thịt lợn, tiếp tục đà hồi phục, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Tổng số lợn tháng 11 tăng 7,6% so với cùng thời điểm năm trước; sản lượng thịt lợn hơi cả năm dự kiến đạt 3.459,3 nghìn tấn, tăng 3,9% so với năm 2019…

Ông Trần Quốc Toản – Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, dự kiến từ nay đến hết năm 2020, dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi nhất là thịt, trứng sẽ tăng lên từ 5-10% so với bình quân (nhu cầu thịt các loại khoảng 250-350 nghìn tấn/tháng, khoảng 1-1,7 tỉ trứng gia cầm.

Với việc duy trì ổn định đàn gia súc, gia cầm, tình hình tái đàn lợn đạt kết quả tốt và tình hình dịch bệnh được kiểm soát chặt chẽ, về cơ bản thị trường sẽ ổn định, cân đối cung – cầu đảm bảo không bị thiếu hụt thực phẩm.

Tuy nhiên, do hậu quả của đợt bão, lũ vừa qua có thể việc phục hồi đàn vật nuôi tại một số địa phương gặp khó khăn và triển khai chậm, việc vận chuyển giữa các khu vùng, các khu vực cũng gặp khó khăn nhất định nên có thể thiếu phục vụ một số nơi còn có thể bị chia cắt, cô lập trong một số thời điểm nhất định.