Giá heo ổn định, nhiều hộ nhấp nhổm tái đàn để trả nợ

Trong 3 ngày 17 – 19/7, giá heo "bứt phá" nhảy vọt lên 41 ngàn đồng/kg, sau đó giảm dần và hiện đang ổn định mức 34 – 35 ngàn đồng. Thế nên, nhiều nhà chăn nuôi rục rịch tái đàn để trả nợ!

Giá chấp nhận được, nhưng vẫn lo

Chúng tôi tìm về những người chăn nuôi heo nhỏ lẻ có quy mô nuôi vài chục con/hộ để tìm hiểu. Bởi đối tượng này chiếm khoảng 40 – 50% trên thị trường, thường xem chăn nuôi như là một kênh tiết kiệm để dành hoặc tận dụng nguồn thực phẩm dư thừa trong sinh hoạt hàng ngày. Vì thế họ thường tái đàn, tăng đàn khi giá heo hơi trở lại ổn định hoặc chênh lệch giá cao.

18-12-31_3jpg

Giá heo hơi đã và đang ổn định từ 34 – 35 ngàn đồng/kg trong hơn 20 ngày qua

Huyện Cần Đước, tỉnh Long An, nơi thể hiện rõ nhất với trên 4.000 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ gồm 16.000 con heo, trong đó khoảng 1.500 heo nái, bình quân mỗi hộ nuôi vài chục con. Tại đây, có rất ít hộ chăn nuôi từ 100 con trở lên, nếu có tên gọi được nâng tầm lên "gia trại". Nhưng nếu so với Đồng Nai, qui mô vài chục con/hộ nói trên chỉ là… số lẻ.

Tại xã Tân Lân, huyện Cần Đước, theo ông Nguyễn Nhựt Luân, Chủ tịch UBND xã, trước đây tổng đàn heo của địa phương có thời điểm lên tới 8.000 con, sau đó rớt dần xuống 5.500 con, đến nay còn 4.500 con, trong đó có 600 nái.

Mặc dù người chăn nuôi thiệt hại rất lớn trong thời gian qua, nhưng ghi nhận tại địa phương cho thấy, số hộ nuôi heo không giảm mà vẫn đạt trên 270 hộ, chỉ có tổng đàn heo nái và thịt giảm từ 600 – 700 con.

Theo ông Nguyễn Thanh Liêm, Khuyến nông viên xã, giá heo ổn định 34 – 35 ngàn đồng trong hơn 20 ngày qua nên có một số hộ rục rịch tăng đàn mặc dù trong bụng vẫn còn lo.

Bình thường khi giá heo hơi 36 ngàn, giá heo con giống sẽ ở mức trung bình 70 ngàn/kg. Trong khi đó, giá heo hơi hiện nay 35 ngàn nhưng giá heo con chỉ ở mức 52 ngàn/kg, tức 1 con heo giống 65 – 70 ngày tuổi (trọng lượng trung bình 20 – 22kg) bán trên dưới 1 triệu đồng/con. Với giá này phù hợp và chấp nhận được.

"Đây là dòng heo giống phổ biến nhất đối với người nuôi nhỏ lẻ vì ít rủi ro khi vận chuyển và hao hụt so với heo cai sữa (6 – 8kg). Nó đang được mua bán rộ lên những ngày gần đây", ông Liêm chia sẻ.  

Áp lực trả nợ

Ông Võ Văn Rô, nguyên Trưởng công an xã Tân Lân cho biết, trước đây ông nuôi 8 nái, 40 con heo thịt, nay giảm chỉ còn 4 nái, 17 heo thịt nhưng vẫn còn nợ ngân hàng 60 triệu đồng và đại lý bán cám 57 triệu đồng.

"Giá heo tiếp tục ổn định thì tôi buộc phải tái đàn, tăng đàn để có thu nhập mà trả nợ, dù chưa biết thời gian tới thế nào. Cách đây mấy ngày, 2 con nái đẻ được 23 con, thay vì bán một ít thì tôi quyết định đưa vào nuôi hết", ông Rô nói.

Cũng theo ông Rô, những người nuôi heo như ông đều nợ tiền cám và được các đại lý bán cám chia sẻ bằng cách khoanh nợ cũ, còn lứa nuôi sắp tới mua tới đâu phải trả tiền mặt tới đó. Trong khi vay tiền ngân hàng không được nữa vì bao nhiêu tài sản, giấy tờ sổ đỏ đều đã thế chấp hết. Đây cũng là yếu tố khó khăn cho các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ khi tính đến việc tái đàn, tăng đàn. Tuy nhiên, vì áp lực trả nợ nên cũng không thể kéo mãi thời gian "treo chuồng".

18-12-31_1jpg

Ông Võ Văn Dũng ( ấp Ao Gòn, xã Tân Lân): "Người nuôi heo nhỏ lẻ đều nợ tiền cám đại lý, ngân hàng, nên giá heo hơi ổn định là phải tính tới việc tăng đàn để trả nợ"

Hộ ông Võ Văn Dũng ở ấp Ao Gòn nuôi 6 nái, 51 con heo thịt, vừa bán 12 heo thịt giá 35 ngàn đồng/kg ngày 2/8 cho biết, sau khi bán đàn heo được 36 triệu đồng, ông gom thêm một ít để trả cả vốn và lãi cho ngân hàng số tiền 50 triệu đồng đến kỳ hạn trả nợ. Hiện tại tôi còn thiếu nợ đại lý thêm 60 triệu đồng tiền cám nữa, nên muốn hay không cũng phải ráng giữ chuồng để trả nợ", ông Dũng nói.

Cấm kháng sinh trong chăn nuôi có lộ trình

Năm 2020, cấm sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi và thủy sản​

Theo Nông nghiệp