Nấm rơm đã thay đổi cuộc đời tôi!

Cuộc đời vốn vô thường nhưng ngã biết đứng dậy vươn lên để thành công thật đáng trân trọng, câu chuyện về anh Nguyễn Văn Trình, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Thành Đạt (HTX Thành Đạt) ở xã Tiên Lục, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang được nhiều người ngưỡng mộ là một tấm gương như thế. Lập nghiệp lại với 2 bàn tay trắng cùng số nợ khổng lồ, giờ đây sản phẩm nấm rơm của anh đã được chứng nhận Ocop xếp hạng sản phẩm đạt 3 sao năm 2021 của tỉnh Bắc Giang đem lại thu nhập cao cho gia đình và làm giàu đẹp thêm quê hương.

anh 1b nấm rơm
Sản phẩm nấm rơm không chỉ làm thay đổi cuộc đời anh Trình mà còn mang lại nguồn thu nhập cao cho nhiều bà con.

Đầu xuân mới – 2022, chúng tôi có dịp về xã Tiên Lục, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang theo chân ông Nguyễn Xuân Hiền, Phó Chủ tịch UBND xã xuống thăm mô hình trồng nấm rơm của HTX Thành Đạt. Đón tiếp chúng tôi là một người đàn ông với nước da đen sạm, dáng người nhỏ bé, ăn mặc giản dị, không ai nghĩ đó lại là Giám đốc HTX Thành Đạt – người đã mang mô hình trồng nấm rơm về với mảnh đất Tiên Lục.

Nhìn cơ sở trồng nấm rơm với diện tích trên 1.000 m2, cho lợi nhuận hàng tỷ đồng mỗi năm, ít ai nghĩ trước khi thành công với cây nấm rơm, cuộc đời anh Nguyễn Văn Trình lại có nhiều thăng trầm đến vậy.

20220215_104157
Anh Nguyễn Văn Trình chia sẻ với phóng viên về kinh nghiệm trồng nấm rơm.

Vào những năm 2010, do làm ăn thua lỗ, gia đình anh Trình lâm vào cảnh nợ nần, với số nợ lên đến gần 4 tỷ đồng. Cuộc sống lâm vào đường cùng, anh và gia đình đã trốn vào Tây Nguyên. Ban đầu, anh xin vào một xưởng chế biến gỗ, làm công việc vác gỗ, mặc dù công việc vất vả nhưng thu nhập lại không cao. Một thời gian sau, anh được người quen giới thiệu làm công nhân cho một nhà xưởng trồng nấm.

Chịu khó làm ngày làm đêm, anh cũng tích góp được ít vốn. Năm 2012, anh trở về quê hương, dành dụm một số tiền trả bớt cho chủ nợ, số tiền còn lại anh mua được 6 thước ruộng (trị giá 8,5 triệu đồng) và bắt đầu làm kinh tế với 2 con lợn giống.

Đến cuối năm 2013, anh đã có trong tay đàn lợn hơn 300 con, cuộc sống gia đình được cải thiện, số tiền nợ ngày một giảm dần. Tuy nhiên, vào cuối năm 2014, đàn lợn vài trăm con bị dịch bệnh, anh đành phải bán vội những con lợn chưa bị nhiễm bệnh để thu hồi vốn nhưng cũng không được bao nhiêu.

Khó khăn ập đến, trăn trở hàng đêm, anh nhớ lại những ngày làm công nhân trồng nấm và nhận ra, cây nấm cũng cho giá trị kinh tế cao, lại không khó trồng, anh quyết định khăn gói vào miền Nam học mô hình trồng nấm. Giữa năm 2015, anh trở về quê hương, bắt đầu mua giống, xây lò hơi, làm lán trại trồng nấm sò với số tiền tái khởi nghiệp gần 400 triệu đồng từ vốn tích luỹ và vay thêm ngoài.

IMG_1645346532927_1645346584330
Nấm rơm – HTX Thành Đạt xếp hạng sản phẩm đạt 3 sao năm 2021.

Nhìn thấy giá trị từ mô hình trồng cây nấm của gia đình anh, bà con trong xã đã đến học hỏi, bởi vậy, mô hình nhà xưởng trồng nấm cứ thế được nhân rộng. Cuối năm 2016, gia đình anh Trình đã trả được hết nợ cả gốc lẫn lãi trước đó.

Để phát triển hơn mô hình trồng nấm, đầu năm 2017, HTX Thành Đạt ra đời với 15 xã viên tương đương 15 hộ gia đình trồng nấm độc lập. HTX Thành Đạt có chức năng cung cấp giống, tìm đầu ra cho các xã viên. Cuộc sống của các xã viên cũng dần được nâng cao. Song không tránh được rủi ro, đầu năm 2018, số lượng lớn nấm sò bị hỏng do sai về điều tiết nhiệt độ, độ ẩm, ảnh hưởng nhiều tới cuộc sống của các xã viên.

Gánh trên vai trách nhiệm lớn –  là Giám đốc HTX, anh Trình quyết tâm Nam tiến một lần nữa để học hỏi nâng cao về kỹ thuật trồng nấm, anh còn tìm về tỉnh Hải Dương để học thêm kinh nghiệm từ những mô hình trồng nấm thành công.

Theo tìm hiểu, nấm rơm là loại thực phẩm sạch, không dùng thuốc diệt trừ sâu, chỉ sử dụng được trong ngày, không sử dụng chất bảo quản mà lại mang lại giá trị dinh dưỡng cao, “một lạng nấm rơm cho giá trị dinh dưỡng cao hơn một lạng thịt bò”, điều này đã được HTX Thành Đạt kiểm nghiệm tại Trung tâm kiểm nghiệm FAO thuộc Công ty cổ phần chứng nhận và kiểm nghiệm FAO.

ảnh 3 ông PCT
Ông Nguyễn Xuân Hiền – Phó Chủ tịch xã (bên phải) chia sẻ với niềm tự hào với sản phẩm rau bắp cải được trồng từ bã của cây nấm rơm.

Sau hơn 6 tháng, ngoài những phương pháp, kỹ thuật trồng mới, anh mang thêm giống mới – nấm rơm về để trồng.

Được sự quan tâm của các cấp chính quyền từ cấp tỉnh, cấp huyện đến xã, đặc biệt là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang đã mở các lớp đào tạo thêm về các quy trình, phương pháp, kỹ thuật trồng và hỗ trợ nguồn vốn xây dựng kho lạnh. Cây nấm rơm đã tạo nên sự đột phá về sản lượng cũng như chất lượng, riêng nhà anh Trình mỗi ngày bình quân thu hoạch từ 80 đến 90 kg nấm, cả HTX Thành Đạt mỗi ngày thu được khoảng 2 tạ. Từ đó, lợi nhuận mang lại các hộ có diện tích lớn như nhà anh Trình khoảng 1 tỷ đồng/năm, các hộ có diện tích nhỏ cũng cho lợi nhuận khoảng 400 triệu/năm.

Không dừng lại ở đó, nắm bắt được đề án chương trình mỗi xã một sản phẩm (Ocop) theo Quyết định số 490/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, người “thuyền trưởng” Nguyễn Văn Trình đã xây dựng quy trình sản xuất nấm rơm đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, sản phẩm được tạo ra đạt tiêu chuẩn Ocop và được xếp hạng 3 sao vào năm 2021 do Uỷ ban nhân dân tỉnh Bắc Giang chứng nhận.

anh1 a nấm rơm
Nấm rơm chuẩn bị được thu hoạch.

Khi được hỏi về “bí quyết trồng nấm rơm cho kết quả cao và đầu ra bao tiêu sản phẩm?” Anh Trình hân hoan chia sẻ: “trồng nấm rơm quan trọng nhất là ủ và xả tơ. Ủ bông và rơm tốt 3 ngày xong phải đảo lại cho bông vàng đều, thời gian mất khoảng 8 ngày, vôi phải đạt độ PH, sau xả tơ mất 15 ngày, hai quá trình mất khoảng 25 đến 30 ngày là được thu hoạch. Sản lượng nấm rơm tươi không đủ để bán, có bao nhiêu hết bấy nhiêu. Hơn nữa trồng nấm không bỏ đi bất cứ thứ gì, sau khi thu hoạch nấm, bã nấm lại mang đi trồng cà chua, súp lơ, bắp cải mà không phải bón thêm thứ gì”.

Vừa chỉ tay vào những tầng trồng nấm, anh Trình bộc bạch: “trong năm nay, tôi sẽ cố gắng nâng cây nấm lên xếp hạng sản phẩm đạt 4 sao để xuất đi được nhiều nơi hơn, kể cả quốc tế. Cố gắng có được máy sấy với phòng chế biến tạo quy trình khép kín nâng cao giá trị của cây nấm rơm, cho bà con có thu nhập cao hơn nữa. Qua đó, để những hộ còn rụt rè chưa dám đầu tư vào trồng nấm sẽ mạnh dạn hơn. Tôi sẽ nhân rộng mô hình này nhiều hơn nữa và sẵn sàng chia sẻ giúp đỡ họ về kỹ thuật, còn với gia đình tôi như bây giờ thì không còn gì phải lo lắng nữa”./.