Dịch tả lợn châu Phi lây lan 21 tỉnh, thành phố

Vẫn chưa có chiều hướng dừng lại, dịch tả lợn châu Phi tiếp tục có chiều hướng lây lan nhanh, ở phạm vi rất rộng. Đáng chú ý, nếu như thời gian trước, dịch chỉ bùng phát ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thì nay đã xuất hiện tại các hộ chăn nuôi lớn. 

Dịch tả lợn châu Phi lây lan 21 tỉnh, thành phố

Dịch tả lợn Châu Phi đã lây lan tới 447 xã, 84 huyện của 21 tỉnh, thành phố.

Dịch đã lan sang tỉnh thứ 21

Thông tin mới nhất từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) cho biết, tính đến hết ngày 25/3, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện ở 447 xã, 84 huyện thuộc 21 tỉnh, thành phố bao gồm: Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hải Dương, Hà Nam, Hòa Bình, Điện Biên, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Ninh Bình, Nam Định, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Sơn La, Nghệ An, Bắc Ninh, Thừa Thiên – Huế, Lai Châu và Bắc Giang. Tổng số lợn bệnh và tiêu hủy lên đến gần 65.000 con. Đến nay, chưa có ổ dịch nào qua 30 ngày theo quy định tại Quyết định số 4527/QĐ-BNN-TY ngày 15/11/2018 của Bộ trưởng Bộ NNPTNT về Kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với dịch tả lợn châu Phi.

Một điểm đáng chú ý, theo Cục Thú y (Bộ NNPTNT), nếu như giai đoạn đầu, bệnh chủ yếu xuất hiện tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ do điều kiện vệ sinh và an toàn sinh học không tốt, thì đến ngày 20/3 vừa qua, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại những hộ chăn nuôi lớn với tổng đàn 4.500 con. Đó là một hộ chăn nuôi gồm 500 nái và 4.000 lợn thịt tại xã Đông Tảo, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Đây là hộ chăn nuôi lớn có điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học cao hơn các hộ nhỏ lẻ. Và như vậy, dịch tả lợn châu Phi không chỉ xuất hiện ở các hộ nhỏ lẻ nữa, mà đã bắt đầu lan sang cả những hộ chăn nuôi, trang trại lớn, có điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học tốt hơn các hộ dân.

Nêu nguyên nhân gây của sự lây lan này, Cục Thú y cho biết, do virus dịch tả lợn châu Phi có sức đề kháng cao, có thể tồn tại trong chất tiết, dịch tiết, trong xác động vật, trong thịt lợn và các chế phẩm từ thịt lợn như xúc xích, giăm bông, salami vài chục ngày đến 1.000 ngày (ở thịt đông lạnh). Bên cạnh đó, virus có khả năng chịu được nhiệt 56°C trong 70 phút, ở 70°C trong 20 phút, ở 100°C trong 1 phút. Virus có thể tồn tại trong môi trường có độ pH từ 3,5 – 11,5 và ở các dụng cụ chăn nuôi, phương tiện vận chuyển, quần áo của người chăn nuôi trong nhiều ngày.

Ngoài ra, một số người chăn nuôi, thương lái chưa nhận thức đầy đủ được tính chất nguy hiểm của dịch bệnh, cũng như vì lợi ích kinh tế trước mắt nên khi có lợn bệnh, lợn chết đã đem bán, vận chuyển, giết mổ lợn bệnh, lợn nghi mắc bệnh, dẫn đến dịch bệnh lây lan nhanh, ở phạm vi rộng.

Hiện nay, các hộ chăn nuôi phần lớn là nhỏ lẻ, mật độ chăn nuôi cao, các hộ chăn nuôi lợn đan xen trong các khu dân cư và các hộ chăn nuôi này khó hoặc không thường xuyên thực hiện đầy đủ các biện pháp vệ sinh phòng bệnh; tình trạng sử dụng thực phẩm dư thừa trong chăn nuôi khá phổ biến, dẫn đến dịch bệnh lây lan nhanh. Cùng với đó, thời tiết tại các tỉnh phía Bắc biến đổi bất lợi, mưa ẩm kéo dài, tạo điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh phát triển, lây lan, trong khi hiện nay chưa có vắc xin và thuốc điều trị được dịch tả lợn châu Phi.

Thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi, ngày 21/3, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 302/QĐ-TTg về thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi. Trong đó, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường làm Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch tả lợn châu Phi.

Sáng ngày 26/3, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch tả lợn châu Phi chính thức được thành lập tại Hà Nội. Tại buổi công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch tả lợn châu Phi, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, việc thành lập Ban Chỉ đạo là điều cần thiết trong bối cảnh dịch đang diễn biến phức tạp và lây lan nhanh. Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều hành phòng chống dịch bệnh DTLCP trên toàn quốc; phối hợp với các bộ, ban ngành, đoàn thể nhằm huy động nguồn lực tham gia và hỗ trợ thực hiện kế hoạch khẩn cấp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi; tổ chức thực hiện và đôn đốc kiểm tra các bộ, ngành và địa phương thực hiện kế hoạch phòng chống dịch tả lợn châu Phi.

Tại buổi công bố chính thức, các ý kiến cho rằng, việc chống dịch sẽ diễn ra lâu dài, cần xây dựng Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch tả lợn châu Phi để các thành viên phối hợp chặt chẽ. Bên cạnh đó, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về biện pháp trong chống dịch và chăn nuôi bền vững, an toàn sinh học là biện pháp lâu dài và mang tính quyết định…

Để kiểm soát, ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi lây lan, theo Cục Thú y, việc trước mắt cần làm ngày đó là tổ chức kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển lợn và sản phẩm lợn; thực hiện nghiêm các quy trình kiểm dịch vận chuyển; vệ sinh và phun thuốc sát trùng các phương tiện vận chuyển và người tham gia vận chuyển; tổ chức lấy mẫu đối với các trường hợp lợn nghi bị bệnh, sản phẩm lợn nghi mang mầm bệnh để kịp thời phát hiện, xử lý tiêu hủy triệt để.