Từ cậu bé bắt phi công trở thành ông chủ trang trại

Ông Nguyễn Đình Đạo, một cựu chiến binh, với ý chí làm giàu, nay đã thành ông chủ trang trại chăn nuôi lợn lớn ở thị trấn Ít Ong, (Mường La, Sơn La).

Cứ đều đặn ngày 3 lần, kỹ sư chăn nuôi Trần Công Trường làm việc ở trang trại chăn nuôi lợn Ít Ong (Mường La, Sơn La), lại tiến hành kiểm tra quy trình chăn nuôi, chăm sóc đàn lợn của người lao động ở đây. Theo anh Trường, để đảm bảo an toàn cho đàn lợn thì gần 20 lao động phải thực hiện rất nghiêm ngặt công tác phòng chống dịch bệnh, khử khuẩn, vệ sinh chuồng trại.

 “Chúng tôi thực hiện 2 quy trình phòng dịch. Thứ nhất là phòng dịch bằng vaccine. Lợn được đưa về sức khỏe ổn định là tiêm phòng vaccine để phòng dịch. Quy trình thứ 2 là phòng dịch từ xa. Ngay từ ngoài cổng phải rắc vôi thường xuyên. Khách, công nhân viên đến sẽ tắm sát trùng ở nhà sát trùng ngoài cổng và thay quần áo của trại. Vào trại phải cách ly 48 tiếng mới vào khu sản xuất. Ở khu sản xuất cũng có hệ thống phun sương sát trùng đường đi. Trong chuồng có phun sát trùng thường xuyên”. Anh Trường chia sẻ.

Để đảm bảo an toàn cho đàn lợn, toàn bộ diện tích hơn 3ha, trong đó riêng khu chăn nuôi 2ha nằm biệt lập tại một khu đồi dọc sông Đà, cách xa khu dân cư đã được trồng các loại cây xanh, cây ăn quả các loại. Ngoài hệ thống khử khuẩn từ ngoài đường vào trong, khu chăn nuôi được đầu tư hệ thống chuồng trại khép kín, có hệ thống làm mát cho lợn với nhiệt độ trong chuồng luôn ở mức 30 độ C, hệ thống tắm, máng ăn uống tự động. Chế độ ăn uống của lợn đảm bảo dinh dưỡng, với 5-6 loại cám và có sổ theo dõi tiêm phòng định kỳ.

tu cau be bat phi cong tro thanh ong chu trang trai hinh 1
Ông Nguyễn Đình Đạo kiểm tra chuồng trại.

Chủ trang trại chăn nuôi, ông Nguyễn Đình Đạo năm nay gần 70 tuổi, nhưng rất nhanh nhẹn, xốc vác với công việc chăn nuôi lợn. Ông Đạo cho biết, khu này vốn trước đây là nơi ở của công nhân các đơn vị thi công nhà máy thủy điện Sơn La. Khi nhà máy thủy điện hoàn thành đi vào hoạt động, các đơn vị thi công rút đi, đất đai ở đây dày đặc đá sỏi, dầu mỡ.

Việc quyết định thuê mặt bằng ở đây để đầu tư 12 tỷ đồng, trong đó vay một nửa để cải tạo, xây dựng cơ sở hạ tầng chuồng trại chăn nuôi lợn thịt cho Công ty Cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam cũng là quyết định khá mạo hiểm. Nhưng theo ông Đạo, mong muốn vươn lên thôi thúc ông quyết tâm thực hiện. Là đảng viên, là cựu chiến binh, đặc biệt  thời niên thiếu từng tham gia bắt phi công Mỹ thì không thể lùi bước trước khó khăn.

Vào năm 1972, khi ông Nguyễn Đình Đạo mới học lớp 7 tại trường PTCS Xuân Phúc, Phúc Thọ, Hà Tây (nay là Hà Nội), ông đã cùng 4 anh dân quân trong thôn quyết tâm bắt được phi công Mỹ trên máy bay bị quân ta bắn hạ rơi trên sông.

“Năm 1972, máy bay Mỹ bắn phá ở Hà Nội 12 ngày đêm. Lúc đó tôi đang học lớp 7…. Phòng giáo dục, Sở giáo dục thời đó thuộc tỉnh Hà Tây cũng đã trao giấy khen, bằng khen và tôi cũng được đi báo cáo thành tích tại nhiều trường”, ông Đạo kể lại.

tu cau be bat phi cong tro thanh ong chu trang trai hinh 2
Truồng trại nuôi lợn khép kín của trang trại.

Như một cái duyên, lớn lên đi bộ đội, ông Đạo cũng được chọn vào đơn vị phòng không không quân. Năm 1982, ông mới chuyển ngành về Công ty thương nghiệp huyện Mai Sơn rồi nghỉ chế độ vào năm 2008 và tiếp tục tham gia hoạt động ở cơ sở, là phó Bí thư chi bộ, tiểu khu trưởng một tiểu khu ở thị trấn Hát Lót.

Có lẽ, từ một cậu học sinh lớp 7 tham gia bắt sống phi công Mỹ, cho đến quãng thời gian làm người lính rồi làm nhiều việc trong lĩnh vực thương nghiệp thời bao cấp đã tôi luyện cho ông Đạo ý chí quyết tâm, tư duy làm kinh tế lớn.

“Tôi đã trải qua rất nhiều nghề, nhiều công việc, bươn trải trong cuộc  sống nhưng hiệu quả không cao. Chính vì vậy, tôi luôn mơ ước xây dựng một trang trại lớn và lớn hơn nữa để tạo điều kiện cho bà con, nhân dân địa phương có việc làm, thu nhập ổn định để phát triển kinh tế”, ông Đạo trải lòng.

Từ năm 2011, trang trại chăn nuôi lợn Ít Ong do ông Đạo làm chủ bắt đầu đi vào hoạt động với quy mô ban đầu 3.000 con lợn trắng Thái Lan. Công ty Cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam trực tiếp cung cấp giống, thức ăn, bao tiêu sản phẩm, hướng dẫn quy trình kỹ thuật chăn nuôi. Còn trang trại của ông Đạo được công ty trả công chăm sóc bình quân 4.300 đồng/kg.  Mỗi năm 2 lứa, mỗi lứa nuôi trong vòng 5,5 tháng, mỗi con nuôi từ 5,5 – 130 kg, bình quân một năm trang trại của ông Đạo xuất bán cho công ty từ 800 – 1.000 tấn lợn hơi, cho doanh thu bình quân 4 tỷ đồng. Trừ lương công nhân, cùng các chi phí khác, trang trại vẫn có lãi già nửa.

Trong nhiều năm, đàn lợn của trang trại luôn phát triển tốt, không bị dịch bệnh, thu nhập của gần 20 lao động phần lớn là người dân địa phương được duy trì ổn định từ 5 – 8 triệu đồng.

Lan tỏa mô hình chăn nuôi lợn an toàn nơi vùng khó

Anh Lường Văn Hùng, dân tộc Thái, quê ở xã Chiềng La, Mường La, một lao động cho trang trại chăn nuôi lợn Ít Ong đã mấy năm nay cho biết, nhờ nguồn thu nhập ổn định từ trang trại lợn, anh đã có thêm điều kiện giúp gia đình vượt qua khó khăn vươn lên. Lương tháng ổn định. Từ khi làm công nhân ở đây, gia đình anh đã bớt khó khăn hơn nhiều.

Một số hộ dân trên địa bàn huyện Mường La cũng đã học tập cách chăn nuôi lợn, phòng chống dịch của trang trại bước đầu thành công. Như gia đình anh Lò Văn Sắm, dân tộc Thái ở thị trấn Ít Ong đã đầu tư chăn nuôi lợn nái, lợn thịt giống địa phương trên nương của gia đình để đảm bảo cách xa khu dân cư. Một số kỹ thuật chăm sóc, tiêm phòng, chế độ ăn cũng được anh học hỏi từ trang trại nhà ông Đạo để áp dụng vào mô hình chăn nuôi nhà mình.

Nhờ vậy, mỗi năm anh xuất đều hàng trăm kg lợn hơi, cho thu trên dưới 300 triệu đồng. Anh Sắm chia sẻ, qua học hỏi kinh nghiệm từ trang trại nhà ông Đạo, từ thực tế chăn nuôi của gia đình mình, để chăn nuôi lợn có hiệu quả thì phải luôn vệ sinh chuồng trại, tiêm phòng, tắm rửa sạch sẽ, giữ ấm cho lợn vào mùa đông, mùa hè cho uống đủ nước.

tu cau be bat phi cong tro thanh ong chu trang trai hinh 3
Chuồng trại đảm bảo ánh sáng, nhiệt độ.

Theo ông Phạm Đức Huynh, Chủ tịch UBND thị trấn Ít Ong, với trên 960 hộ nuôi lợn và tổng đàn trên 3.000 con, thị trấn rất khuyến khích bà con có điều kiện về đất đai, kinh tế có thể học theo mô hình chăn nuôi lợn an toàn  theo mô hình chăn nuôi của ông Đạo.

“Trang trại cũng đã sử dụng một lực lượng lao động tại chỗ người địa phương. Qua đó, bà con nhân dân cũng học tập được kỹ thuật, quy trình chăn nuôi khép kín. Chúng tôi đã cử một số đơn vị bản đến học tập mô hình và ưu tiên những khu đất để tổ chức chăn nuôi, giết mổ tập trung”, ông Huynh cho biết.

Thành công trong chăn nuôi lợn thương phẩm trong điều kiện địa phương hàng năm thường xuyên xảy ra dịch bệnh, ông Nguyễn Đình Đạo cho hay, trong 1, 2 năm tới, sẽ mở rộng thêm quy mô chăn nuôi và đây luôn là địa chỉ cho mọi người dân đến học hỏi, trao đổi kinh nghiệm đầu tư chăn nuôi lợn quy mô lớn để phát triển kinh tế gia đình.

Ông Đạo chia sẻ, để có được thành công người chăn nuôi phải thực sự kiên trì, tâm huyết với công việc mình đã chọn. Nhất thiết khu chăn nuôi phải được khử khuẩn thường xuyên, nằm ở vị trí cách xa khu dân cư để tránh dịch bệnh. Ngoài ra, đàn lợn phải được chăm sóc, chế độ ăn, tiêm phòng kỹ càng, làm sao phải an toàn về môi trường, an toàn về dịch bệnh và an toàn thực phẩm, không sử dụng bất cứ hóa chất hoặc chất tăng trọng ngoài những loại cám phổ thông đã được Nhà nước quy định.

Giờ đây ông Đạo  đã gần 70 tuổi. Mong muốn của ông là được gặp lại người phi công Mỹ năm xưa hơn ông quãng 10 tuổi để thăm hỏi, động viên  nhau, chia vui tuổi già, cùng là những tấm gương sáng cho con cháu đoàn kết, phát triển.