Tăng sức bật cho doanh nghiệp

Nhằm đẩy mạnh phát triển sau đại dịch COVID-19, đã có rất nhiều kiến nghị tới Thủ tướng Chính phủ, trong đó, với riêng ngành thủy sản, đề xuất được đưa ra là chính sách hỗ trợ doanh nghiệp mua dự trữ thủy sản.

5 kiến nghị khẩn

Tổng Thư ký VASEP Trương Đình Hòe đánh giá, ngành thủy sản Việt Nam đã vượt qua đại dịch COVID-19 và đang phục hồi với mục tiêu xuất khẩu năm nay không giảm so năm 2019. Cụ thể, phấn đấu kim ngạch cả năm đạt 8,6 tỷ USD, trong đó tôm 3,8 tỷ USD, tăng hơn 15% so năm 2019 để bù đắp phần giảm của cá tra; hải sản 3,2 tỷ USD như năm ngoái.

Ảnh minh họa

Từ tình hình trên, theo đó, trong ngắn hạn VASEP có 5 kiến nghị. Thứ nhất, hỗ trợ hạn mức tín dụng cho các đơn vị có nhu cầu thực sự mua sản phẩm thủy sản cỡ lớn để dự trữ, dành bán sau dịch. Thứ hai, hỗ trợ nông, ngư dân thả nuôi và khai thác biển từ tháng 5 để đón đầu cơ hội thị trường vào tháng 7 – 8/2020. Thứ ba, hỗ trợ về an sinh, vốn để doanh nghiệp thủy sản đẩy mạnh tuyển dụng lao động. Thứ tư, Chính phủ thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh, tăng dịch vụ công điện tử để tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp và người dân. Thứ năm, Chính phủ có chính sách hỗ doanh nghiệp chuẩn bị điều kiện hạ tầng để đón nhận dự án đầu tư nuôi do dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang, đầu tư kho lạnh để trữ hàng.

Về lâu dài, VASEP đề xuất hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu và phát triển thị trường, hỗ trợ phát triển và tăng sức cạnh tranh cho ngành thủy sản. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào nuôi trồng và nghiên cứu, xây dựng chiến lược đầu tư cho nông, thủy sản khu vực biên giới để phát triển thị trường Trung Quốc bền vững.

Giảm thủ tục, khơi thông thị trường

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Nguyễn Văn Thân cho biết, Hiệp hội đánh giá cao sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của Chính phủ với doanh nghiệp và người lao động. Ông Thân nêu 6 kiến nghị với Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp nhanh chóng vượt qua ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Thứ nhất, Chính phủ nhanh chóng tăng cường nguồn lực tài chính và con người cho các quỹ bảo lãnh tín dụng, đồng thời giảm bớt các thủ tục bảo lãnh vay. Thứ hai, về giải ngân đầu tư công, Chính phủ giảm một số tiêu chí đấu thầu, chia nhỏ các dự án lớn để các doanh nghiệp trong nước có thể tham gia nhiều gói thầu; cân nhắc giảm yêu cầu về tỷ lệ vốn đối ứng từ 30 – 40% xuống 15 – 20%. Thứ ba, tập trung khai thác thị trường nội địa, nhất là các dịch vụ liên quan tới du lịch, giải trí, ăn uống cần được chú trọng mở rộng vào ban đêm; nhanh chóng khai thác “kinh tế ban đêm” trên quy mô toàn quốc. Thứ tư, Chính phủ cần cân nhắc việc giãn, giảm thuế cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, cụ thể là giãn thuế VAT đến hết năm 2020; miễn trừ thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và toàn bộ thuế môn bài cho các hộ kinh doanh đến hết năm 2020. Thứ năm, Chính phủ đưa ra các giải pháp hữu hiệu để thu hút nguồn lực “nhàn rỗi ngắn hạn và dài hạn” trong dân và doanh nghiệp. Thứ sáu, với quan điểm sẵn sàng đón luồng vốn đầu tư mới trên thế giới, ông Thân đề nghị Chính phủ có những giải pháp hữu hiệu, vượt trội để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường Việt Nam.

Để khơi thông thị trường sau dịch, theo Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, sẽ kết hợp mở cửa thị trường, xúc tiến thương mại, gắn kết chuỗi cung ứng và các hoạt động phòng vệ thương mại. Riêng với thị trường trong nước, sẽ đẩy mạnh qua kênh thương mại điện tử song song với kênh thương mại truyền thống để kích cầu tiêu dùng; còn với thị trường nước ngoài như Mỹ, EU, Trung Quốc, ASEAN… vẫn là điểm nhấn trọng điểm trong nửa cuối năm 2020. Theo đó, sẽ tận dụng Hiệp định thương mại tự do để xây dựng các chuỗi cung ứng mới thông qua thu hút, liên kết đầu tư với các đối tác lớn trong loạt lĩnh vực công nghiệp trọng điểm, phụ trợ chế biến chế tạo, tạo ra vị thế mới trong các chuỗi cung ứng này.