Tây Nguyên quay quắt vì nắng hạn

Mùa khô năm nay được dự báo sẽ diễn ra rất khốc liệt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và sản xuất của người dân.

Giữa cái nắng gay gắt của mùa khô Tây Nguyên, anh Lương Văn Dục, thôn Giang Xuân, xã Ea Đăh, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk sốt sắng tìm chỗ đặt máy bơm tưới cho vườn cà phê hơn 600 cây. Bởi chỉ một đoạn suối nhỏ mà có đến mấy chiếc máy bơm khác đang hoạt động hết công suất. Theo dự tính của anh thì chẳng mấy chốc dòng suối này sẽ kiệt nước, vườn cà phê đành phải phó mặc cho trời.

tay nguyen quay quat vi nang han hinh 1
Người dân Đak Rông (Cư Jut, Đak Nông) bơm nước cứu cà phê.

Ông Lê Văn Hiển, Phó chủ tịch UBND xã Ea Đăh, huyện Krông Năng, cho biết toàn xã có khoảng 3000ha cây trồng nhưng nguồn nước từ hai hồ thủy lợi nhỏ chỉ đáp ứng được chưa đầy 100ha, tức khoảng 3% diện tích. Diện tích còn lại phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nước ở các ao, hồ, giếng của dân. Thời điểm này, các hồ thủy lợi cũng như ao hồ, giếng đã bắt đầu cạn kiệt, nhiều gia đình đã không còn nước tưới cho cây trồng. Chỉ trong thời gian ngắn nữa tình trạng hạn hán sẽ diễn ra trên diện rộng tại xã:

“Trung tuần tháng 3 này sẽ khó khăn vì sông suối cách trở nên không tiếp nước về để đáp ứng được cho bà con. Xã lại không có các hồ lớn để trữ nước. Xã cũng đã đề nghị các cấp tạo điều kiện nâng cấp một số đập hoặc xây dựng mới, nhưng do nguồn kinh phí không có nên rất khó khăn”.

Cùng với Đăk Lăk, tình trạng khô hạn đang diễn ra khốc liệt ở nhiều nơi trong khu vực Tây Nguyên. Tại các huyện phía Đông và Đông Nam tỉnh Gia Lai, vùng sản xuất mía trọng điểm của cả nước với khoảng 30.000 ha, đang quay quắt vì hạn.

tay nguyen quay quat vi nang han hinh 2
Cánh đồng lúa Nam Dong (Cư Jut, Đak nông) chưa làm đòng, ruộng đã cạn khô.

Ông Nguyễn Hoàng Phước, Phó giám đốc Nhà máy đường An Khê, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai, cho biết, 15.000 ha mía trong vùng nguyên liệu của nhà máy bị giảm năng suất, hơn 7.000 ha trong số đó chỉ như các bụi cỏ, không thể thu hoạch, thiệt hại hàng trăm tỷ đồng: “Mặc dù nhà máy cũng tuyên truyền, chính quyền địa phương và người dân cũng rất tích cực trong vấn đề chăm sóc mía nhưng lực bất tòng tâm. Nắng tới 7-8 tháng ảnh hưởng rất nghiêm trọng tới vấn đề sinh trưởng của cây mía trong giai đoạn vươn lóng, giai đoạn quyết định năng suất”.

Còn tại tỉnh Đắk Nông, ông Hồ Sơn, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Cư Jút cho biết đây là năm thứ 4 liên tiếp tình hình hạn hán diễn ra phức tạp tại địa phương. Trong khi đó chỉ có 15% trong 30.000ha diện tích đất nông nghiệp của huyện chủ động được nước tưới từ các hồ đập thủy lợi. Giải pháp cho các diện tích bị hạn được huyện đề xuất là đầu tư hệ thống bơm nước từ sông Sêrêpôk lên, nhưng để thực hiện được cần nguồn vốn rất lớn.

“Huyện cũng đã có tờ trình cho tỉnh để được hỗ trợ hệ thống bơm, lấy nước từ sông Sêrêpôk, bơm lên và làm mương tưới cho khoảng 5.000ha tại khu vực các xã Nam Dong, Ea Pô, Đăk Wil, Đăk Rông. Dòng sông Sêrêpôk nằm dưới một dãy núi tương đối cao, do đó, phải bơm qua dãy núi này thì mới dẫn nước về cánh đồng được”, ông Sơn cho hay.

Thời điểm này mới bắt đầu cao điểm mùa khô, dự báo hạn hán sẽ còn diễn ra rất khốc liệt trong thời gian dài tại Tây Nguyên. Các cấp chính quyền và ngành chức năng các tỉnh đang tích cực chủ động các giải pháp ứng phó với khô hạn, giảm thiểu thiệt hại có thể xảy ra.