Sáng chế mang lại hiệu quả cho việc sản xuất chè

Nửa cuộc đời gắn bó với cây chè khiến một người nông dân ở Tuyên Quang dù chưa từng qua một lớp đào tạo về cơ khí nào, nhưng vẫn sáng chế, cải tiến nhiều loại máy móc mang lại hiệu quả cao trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất chè.

Ông Nguyễn Văn Hoàn (55 tuổi, xã Phú Lâm, Yên Sơn, Tuyên Quang), được bà con trong xã gọi là nhà sáng chế “chân đất” với nhiều sáng kiến, cải tiến máy móc mang lại hiệu quả cao trong sản xuất nông nghiệp.

Sau khi học hết cấp ba, năm 1984, ông Hoàn lên đường nhập ngũ. Ba năm sau trở về, cũng như nhiều gia đình khác ở địa phương, ông chọn cây chè làm cây phát triển kinh tế của gia đình mình. Năm 1991, ông nhận khoán 14 ha chè của nông trường tháng 10, nay là Công ty cổ phần chè Mỹ Lâm, để cải tạo. Cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn khi năng suất cây chè thấp, chè hay bị sâu bệnh, thiếu vốn đầu tư.

Cây chè là loại cây lấy búp, nên cứ vào vụ thu hoạch là sâu bọ hoạt động nhiều. Chúng hút nhựa cây ở phần búp non làm ngọn chè xoăn lại, khiến nhiều cây chết. Nếu phun thuốc sâu vào ngọn chè rồi đem hái bán, thì trăn trở rằng mình đã xả độc hại vào cơ thể bà con mình. Muốn làm chè sạch không phun thuốc, thì sâu bệnh hoành hành.

Sang che mang lai hieu qua cho viec san xuat che hinh anh 1

 Ông Nguyễn Văn Hoàn và sáng chế máy hút sâu chè. (Ảnh: Phạm Hương)

Từ những trăn trở đó, ý tưởng về chiếc máy hút sâu chè đã hình thành trong ông, thôi thúc ông Hoàn thực hiện cho kỳ được. Ông Hoàn nghiên cứu đặc tính sâu và phát hiện khi hút nhựa, sâu chỉ cắm vòi vào búp non, còn chân thả lỏng nên dễ dàng tách chúng khỏi ngọn chè. Còn lá chè tương đối thẳng và dai, sâu chỉ hoạt động trong phạm vị từ 10cm từ tán trở lên, nên có thể dùng lực gió để hút sâu mà không sợ dập nát chè.

Ông Hoàn chia sẻ: “Vì không có tiền, vì sợ phá sản bởi “máy hút sâu bọ”, nên tôi toàn phải đi mua phế liệu về cắt, ghép, mài, giũa; rồi nhờ bạn bè giúp các công đoạn quá khó nhọc. Tôi tính kỹ, nếu thất bại thì đống phế liệu vẫn cứ là phế liệu, chẳng mất gì”.

Cuối cùng, sau 6 tháng ròng rã, hết thất bại này đế thất bại khác, mãi đến năm 2008 ông mới thành công. Máy hút sâu của ông Hoàn có cấu tạo gồm 5 bộ phận là ống hút, bầu lưới, trục máy, giá đỡ, cánh quạt. Máy nhẹ, nhỏ gọn chỉ 5kg, mỗi ngày, máy hút sạch sâu cho gần 1ha chè, chỉ tiêu tốn có 2,5 lít xăng.

Từ thành công này, dựa trên nguyên lý bầu hút gió, ông tạo ra thiết bị hút sâu cho rau và nhận được đơn đặt hàng từ các nơi như Quảng Ninh, Hà Giang. Thành công với máy hút sâu chè năm 2008 thì giữa năm 2009 ông Hoàn tiếp tục cho ra đời với sáng chế máy cày kết hợp với bón phân vô cơ. Năm 2011 ông còn chế tạo thiết bị máy đốn chè, những sáng chế của ông Hoàn được nhiều người địa phương và lân cận đặt mua.

Với máy hút sâu chè tự chế, ông Nguyễn Văn Hoàn đã được Thủ tướng tặng bằng khen vì thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước (2005-2009). Sáng chế của ông cũng đoạt giải nhì Cuộc thi Sáng tạo kỹ thuật nhà nông toàn quốc lần thứ 3 (2008-2009). Ngoài ra, ông còn được Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong sản xuất giỏi 5 năm (2004-2008).