Quảng Ngãi: Mía khô, dân khổ vì chờ nhà máy thu mua

Sau Tết Kỷ Hợi nhiều hộ trồng mía ở Quảng Ngãi đứng ngồi không yên vì mía khô quắp ngoài đồng nhưng các nhà máy đường không mua.

Không nỡ nhìn cảnh mía khô, cháy nắng ngoài đồng, nhiều người đành bỏ tiền túi thuê xe chở mía đến tận nhà máy để bán nhằm vớt vát chút vốn liếng ít. Một số người khác không có tiền thuê mướn phải ngậm ngùi đốt mía để trồng các cây hoa màu khác. Vì sao Nhà máy đường Quảng Ngãi lại chậm trễ trong việc thu mua để hàng chục ha mía của nông dân bị bỏ khô ngoài đồng?

quang ngai: mia kho, dan kho vi cho nha may thu mua hinh 1

Một đồng mía ở huyện Ba Tơ tỉnh Quảng Ngãi

Hơn 30 năm trồng mía nhưng chưa năm nào anh Phạm Văn Lừng ở xã Nghĩa Thắng, huyện Tư Nghĩa phải khổ sở vì mía như năm nay. Gần nửa tháng qua, khi nhìn thấy 40 sào mía trổ cờ, khô ráp từng vạt và chuột cắn phá trên diện rộng, anh Lừng chạy đôn chạy đáo đến trạm mía xin phiếu bán mía để về thu hoạch. Xin xỏ nhiều lần, anh Lừng cũng được phát phiếu thu hoạch 4 sào mía đầu tiên. Thế nhưng, sau gần 5 ngày đốn mía, xe mới tới chở mía về nhà máy. Anh Lừng bức xúc: “ Khi xin phiếu thì họ cho mình về chặt ra nhưng nhà máy nói, điều kiện xe còn ít, không chở được, chậm trễ, mình để mía khô hết. Nay ngày thứ 3 họ chưa chở. Thôi giờ lỗ rồi, kệ cha chứ giờ bà con không nghĩ gì tới mía chuối nữa”.

Không nỡ nhìn cảnh mía khô, đồng cháy, bao mồ hôi công sức tiền bạc phải bỏ lại nơi đồng ruộng, nhiều hộ trồng mía tự thuê xe tải, chở mía tới tận nhà máy đường để bán thay vì dài cổ chờ xe của nhà máy đường đến mua. Bà Nguyễn Thị Liên, ở xã Nghĩa Thắng, huyện Tư Nghĩa năm nay thuê 10ha để trồng mía. Giờ giá mía rẻ như bèo, bán không ai mua, cho không ai lấy, nên bà thuê xe chở mía đến tận nhà máy bán.

Theo bà Nguyễn Thị Liên thì nếu trừ tiền công, tiền xe vận chuyển, nếu bán hết 200 sào mía bà lỗ ít nhất là 300 triệu đồng.  “Đúng ra, tháng chạp là họ thu mà giờ họ không thu. Giờ thì lỗ thì ráng chịu chứ nhà máy có hỗ trợ gì đâu”, bà Liên nói.

Dù thua lỗ nhưng hàng nghìn hộ trồng mía ở tỉnh Quảng Ngãi vẫn ngày đêm mong ngóng nhà máy mua kịp thời để người trồng mía có chút tiền trả nợ phân, giống. Nhiều ngày qua, bà con chờ đợi trong vô vọng, còn mía vẫn khô cháy từng ngày dưới cái nắng chói chang. Giải thích về sự chậm trễ này, ông Trần Anh Lĩnh, Trạm trưởng Trạm nguyên liệu mía Tư Nghĩa- Bắc Sơn Hà, Công ty Đường Quảng Ngãi nói: “Mấy năm trước vào vụ trước tết, năm nay mới vào vụ sau tết do thời tiết mưa chất lượng mía kém nên không vào vụ sớm. mùng 6 âm lịch mới triển khai hoạt động. Hiện nay nhà máy thiếu nguyên liệu, công suất của nhà máy 1.800 tấn/ngày nhưng mua chỉ được 900. Nguyên nhân là do xe hợp đồng bị thiếu, ký rồi mà họ không chạy. Nhà máy cũng vận động bà con tự kêu xe”.

quang ngai: mia kho, dan kho vi cho nha may thu mua hinh 2

Nhà máy đường chậm mua khiến nông dân điêu đứng.

Niên vụ mía 2018-2019, Nhà máy đường Phổ Phong đã hỗ trợ 11,5 tỷ đồng cho người trồng mía mượn để đầu tư làm đất, mua phân cùng với lời cam kết sẽ bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Với vùng nguyên liệu gần 3000 héc ta của hàng ngàn hộ nông dân trồng mía thì sự khuyến khích này là quá ít ỏi. Đầu vụ, nhà máy được cam kết bao tiêu sản phẩm nhưng khi giá đường hạ thấp, nhà máy đường không mua thì người nông dân dở khóc dở cười. Chính điều này khiến người nông dân không còn mặn mà với cây mía. Trong khi người nông dân phá bỏ cây mía thì Nhà máy đường Phổ Phong vẫn chưa có phương án  “cứu” cây mía khỏi nguy cơ bị “xóa sổ”.

Ông Trần Đức Triều, Phó Giám đốc Nhà máy đường Phổ Phong cho biết: “Về chi phí làm đất nhà máy cũng có cơ chế hỗ trợ từ 10-30% tùy theo diện tích lớn nhỏ, rồi hỗ trợ chi phí đối với một số diện tích gần từ 40 cây số trở lại thì nhà máy đầu tư”.

Thực tế cho thấy, nếu cây gì mang lại hiệu quả thì người nông dân đổ xô vào trồng, nhưng khi thua lỗ thì họ sẽ  phá bỏ để tự cứ lấy mình. Và khi người nông dân không trồng mía nữa thì số phận của Nhà máy đường cũng sẽ đứng trước nguy cơ đóng cửa./.