Ninh Bình: Thúc đẩy liên kết trong nuôi, trồng thủy sản

Thúc đẩy liên kết chuỗi trong nuôi trồng thủy sản là giải pháp quan trọng góp phần nâng cao giá trị và phát triển bền vững ngành nuôi, trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.

Mô hình nuôi cá chép tại xã Gia Minh (Gia Viễn). Ảnh: Anh Tuấn

Với gần 22.500 ha diện tích mặt nước, 113 km sông nước chảy, 18 km đường bờ biển, Ninh Bình có tiềm năng lớn phát triển nuôi trồng thủy sản. Hiện, tỉnh đã hình thành được nhiều vùng nuôi, trồng thủy sản tập trung. Dự tính năm 2020, diện tích đưa vào nuôi, trồng thủy sản của Ninh Bình sẽ đạt 14 nghìn ha, trong đó nước ngọt là 10,5 nghìn ha, nước mặn lợ là 3,5 nghìn ha; sản lượng ước đạt 53,6 nghìn tấn, giá trị hàng nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, việc gắn kết các khâu trong hoạt động nuôi trồng, tiêu thụ thủy sản trên địa bàn tỉnh còn hạn chế, hầu hết các hộ nuôi trồng thủy sản đang sản xuất với quy mô nhỏ lẻ, tiêu thụ sản phẩm qua thương lái, sản phẩm chủ yếu dưới dạng tươi sống không qua sơ chế, chế biến, do vậy thường bị ép giá. Để từng bước giải quyết những bất cập trên, thời gian qua, Chi cục Thủy sản phối hợp với Liên minh HTX tỉnh, chính quyền các địa phương, hỗ trợ thành lập nhiều HTX, tổ hợp tác nuôi, trồng thủy sản. Qua đó hình thành nên mối liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao sức cạnh tranh và giá trị sản phẩm.

Tổ Thủy sản, HTX nông nghiệp Yên Bình (phường Yên Bình, thành phố Tam Điệp) được thành lập năm 2019 với 27 hộ thành viên, quy mô diện tích là hơn 30 ha. Do các thành viên trong Tổ chủ yếu nuôi cá theo hình thức thâm canh và bán thâm canh với đa dạng các loại như: trắm cỏ, trôi, rô phi, chép… nên lượng sản phẩm cung cấp ra thị trường khá ổn định, kéo dài suốt các tháng trong năm, sản lượng lớn (khoảng 1.600 tấn/năm). Ông Vũ Văn Tấn, Phó Giám đốc HTX nông nghiệp Yên Bình, tổ trưởng Tổ Thủy sản cho biết: Tham gia HTX đã giúp các thành viên hợp tác, hỗ trợ nhau trong sản xuất; xây dựng quy chế hoạt động sản xuất của các hộ trong vùng nuôi; thống nhất về bảo vệ môi trường nguồn nước. Thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật, đồng thời quản lý tốt chất lượng nguồn giống, thức ăn, thuốc nuôi trồng thủy sản, các chế phẩm sinh học, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trong nuôi thủy sản. Hỗ trợ nhau về giống, vốn, nguồn nhân lực. Hệ thống hạ tầng vùng nuôi, trồng thủy sản từng bước được cải tạo và nâng cấp, tạo thuận lợi cho sản xuất. Nhờ đó, năm 2019, trung bình mỗi ha nuôi trồng của thành viên cho thu nhập 200 đến 250 triệu đồng.

Tại xã Gia Minh (huyện Gia Viễn), được các sở, ngành, địa phương khuyến khích, tạo điều kiện, hỗ trợ cơ chế, đầu năm 2019, HTX dịch vụ nuôi, trồng thủy sản Gia Minh được thành lập gồm 19 thành viên với chức năng, nhiệm vụ là cung cấp thức ăn, con giống, vật tư và đầu ra cho sản phẩm thủy sản. Do làm tốt khâu dịch vụ thức ăn, HTX đã làm lợi cho xã viên trong HTX và nhân dân 20% giá so với thị trường bên ngoài. Không chỉ vậy, HTX tích cực tìm đầu ra cho sản phẩm, đến nay đã ký hợp đồng tiêu thụ được 90% sản lượng thủy sản của HTX. Một năm, các thành viên HTX thu hoạch 2 vụ cá với năng suất trung bình 13-15 tấn/ha ao nuôi, tổng sản lượng ước đạt 300 tấn, doanh thu 15 tỷ đồng.

Chúng tôi có mặt tại buổi thu hoạch cá của một trong những thành viên của HTX thủy sản Gia Minh, đếm sơ sơ đã có 12 chiếc xe tải loại 5 tấn xếp hàng, sẵn sàng chờ đưa cá đi tiêu thụ. Thương lái Trần Việt Thắng, quê Hà Nam chia sẻ: Tôi cũng mới liên kết thu mua sản phẩm cá ở đây gần 1 năm nay. Nhìn chung, chất lượng cá rất tốt, dễ vận chuyển, tiêu thụ. Đặc biệt, việc các hộ dân liên kết sản xuất, tạo ra sản lượng cá lớn nên rất thuận tiện cho thương lái chúng tôi thu mua.

Ông Nguyễn Quang Đạt, Chi cục phó Chi cục Thủy sản tỉnh cho biết: Thực hiện kế hoạch phát triển thủy sản của tỉnh, thời gian qua, Chi cục đã chọn một số HTX, tổ hợp tác thủy sản để chuyển giao các kỹ thuật nuôi, trồng thủy sản mới, ứng dụng công nghệ cao, sử dụng các chế phẩm sinh học, thân thiện với môi trường, hạn chế việc sử dụng kháng sinh để tạo ra các sản phẩm thủy sản an toàn, chất lượng. Bên cạnh đó, gắn kết sản xuất với việc tiêu thụ sản phẩm bằng cách giới thiệu, kết nối các cơ sở thu mua với các HTX, tổ hợp tác, từ đó thúc đẩy sản xuất, tăng thu nhập cho người dân.