Trong khoảng bốn tháng vừa qua, vườn hoa hồng Trọng Hằng, tọa lạc bên đường Quốc lộ 20 (dưới chân Núi Voi thuộc xã Hiệp An, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) với hàng chục loại giống cổ xưa quý hiếm lôi cuốn nhiều đối tượng khách hàng đến khám phá, thưởng lãm, nghiên cứu, tìm hiểu kỹ thuật chăm trồng.
Tất cả giống hoa hồng cổ được sưu tập, chăm sóc và nhân trồng đại trà ở vườn hoa hồng Trọng Hằng có xuất xứ từ các vùng Đà Lạt, Sapa, Sơn La, Nam Định, Thanh Hóa, Lai Châu… Trong đó có cây hoa hồng cổ thụ Đà Lạt ước đoán cả trăm năm tuổi, giới kinh doanh cây cảnh chuyên nghiệp trong nước ra giá mua 200 triệu đồng vẫn chưa thể “giao dịch” lúc này.
Chủ vườn, anh Phạm Văn Trọng (mới xấp xỉ 40 tuổi) kể lại, cây hồng cổ với giá 200 triệu đồng được anh phát hiện trong sân vườn một hộ gia đình ở khu vực Bồng Lai, Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng cách đây vài tháng. Cây có đường kính gốc khoảng 20 cm, chiều cao hơn 4 m, tỏa tán rộng đến 5 m.
Anh Trọng cùng chủ hộ gia đình này tạm cắt hết số hoa đang nở rộ (màu hồng, cánh hoa xếp thành nhiều lớp), nhằm tạo cành, tỉa tán, kích thích nở hoa đợt mới vào dịp đón Festival Hoa Đà Lạt những ngày cuối năm 2019.
Được biết, từ 3 năm trở về trước, chủ vườn Phạm Văn Trọng cũng đã chiết ghép, nhân giống hiệu quả hàng loạt từ cây giống gốc hoa hồng cổ Sapa (Lào Cai) với hơn 40 năm tuổi, màu hồng phai lạ mắt.
Đến khi lập vườn hoa hồng cổ 7.000 m2 tọa lạc bên Quốc lộ 20, thuộc địa phận xã Hiệp An, anh Trọng chuyển vào hơn 2.000 chậu ghép đều rực nở hoa trên cành, bán trong thời gian ngắn với giá 180.000 đồng/ chậu. Cá biệt có cây chiết từ 2 – 3 năm, chiều cao từ trên dưới 3 m cũng được “giao dịch” vừa xong với giá 70 triệu đồng/ chậu.
“Đây là dòng hoa hồng tỏa hương thơm đượm khá hấp dẫn. Vào triều đại vua nhà Hồ thường trang trí loài hoa hồng vân hồi để thưởng lãm trong cung rồi ngắt hoa pha trà cho Hoàng tộc sử dụng….”, anh Trọng thuyết minh.
Riêng cây giống gốc hoa hồng cổ Sapa 40 năm tuổi, anh Trọng đã chăm sóc sinh trưởng khá tốt thông qua các biện pháp kỹ thuật đặc biệt tại vườn hoa hồng cổ Hiệp An, huyện Đức Trọng. Cụ thể cây có chiều cao hơn 3 m, gồm 5 – 7 nhánh chính, khép thành tán rộng 4 m, hoa nở đều khắp trên cành với màu cánh sen. Kết quả sau bốn tháng đưa vào kinh doanh, anh Trọng đã tiêu thụ hết 400 cây với giá phổ biến từ 80 – 100 triệu đồng/ cây.
Vào thời điểm cuối tháng 8/2019, vườn hoa hồng cổ ở Hiệp An có hơn 300 cây từ 40 năm tuổi trở lên, thuộc 10 loài khác nhau. Giá mỗi cây thấp nhất là 10 triệu đồng và cao nhất lên đến 200 triệu đồng.
Bên cạnh đó vườn còn sản xuất dòng chậu bonsai hoa hồng cổ ở các vùng Đà Lạt, đồng bằng sông Hồng… với giá mỗi chậu từ 20 – 50 triệu đồng. Và với 30.000 chậu, mức giá dao động từ 100 ngàn đồng đến 3 triệu đồng/ chậu kích thước vừa và nhỏ ở đây (thuộc 300 giống hoa hồng cổ) cũng đang tiếp tục xuất vườn bán theo nhu cầu của khách hàng trong và ngoài tỉnh Lâm Đồng.
Có được thành quả các dòng sản phẩm hoa hồng cổ khác biệt tại vườn Hiệp An, huyện Đức Trọng, chủ vườn Phạm Văn Trọng đã trải qua 20 năm học tập và thực hành liên tục từ trên ghế nhà trường đến các nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nông chọn tạo giống, sản xuất các loại hoa nói chung, hoa hồng cổ nói riêng trên khắp các vùng miền trồng hoa tập trung trong cả nước…