Trồng chanh dây xen cà phê, lợi đủ đường

Gần đây, người dân xã Đạ Chais, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng đã thực hiện mô hình trồng xen chanh dây trong vườn cà phê và đạt hiệu quả kinh tế rất cao.

Trước đây, cuộc sống của gia đình ông Vày Sỹ Quân (dân tộc Hoa, ngụ xã Đạ Chais) phụ thuộc hoàn toàn vào việc sản xuất cà phê. Do vậy, khi giá cà phê sụt giảm, gia đình ông gặp rất nhiều khó khăn. Năm 2021, để phát triển kinh tế, ông Quân đã tìm hiểu và nhập giống chanh dây của một đơn vị trong tỉnh về trồng xen trên vườn cà phê. Đến nay, diện tích chanh dây xen cà phê của gia đình đã được mở rộng lên thành 0,6ha.

Chỉ sau 1 năm xuống giống, chanh dây phát triển mạnh và cho thu hoạch. Ông Quân chia sẻ, hiện nay, mỗi tháng gia đình thu hoạch chanh dây và bán cho một cơ sở tại địa phương với mức giá 14.000 đồng/kg. “Vườn mới trồng nhưng mỗi tháng cho thu hoạch từ 6 – 7 tấn trái. Nhờ chanh dây nên kinh tế của gia đình được cải thiện, tháng nào cũng có nguồn thu”, ông Vày Sỹ Quân thổ lộ và cho biết thêm, hiện nay gia đình ông đã thuê thêm 0,6ha vườn của một hộ trong vùng để mở rộng mô hình.

DSC_0816

Mô hình trồng chanh dây xen cà phê giúp nhiều hộ dân xã Đạ Chais (huyện Lạc Dương, Lâm Đồng) cải thiện thu nhập, vươn lên làm giàu. Ảnh: Minh Hậu.

Cũng như gia đình ông Quân, gia đình anh Trịnh Xuân Trường hiện có nguồn thu ổn định từ mô hình chanh dây xen cà phê. Cuối năm 2020, nhận thấy việc phát triển cà phê và cây hồng gặp nhiều khó khăn do giá cả bấp bênh nên anh Trường tìm hướng đi mới. Anh đã đến một cơ sở chuyên cung cấp giống chanh dây ở huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) để tìm hiểu và mua giống về trồng thử nghiệm trên diện tích 2ha vườn.

Anh Trường cho biết, vùng đất Đạ Chais có độ cao trên 1.600m so với mực nước biển, khí hậu mát mẻ, thổ nhưỡng phù hợp cho chanh dây nên những cây giống đưa về trồng phát triển rất nhanh. Đặc biệt cây ít bị ảnh hưởng bởi các loại sâu, bệnh hại. Anh Trường nói: “Vùng Đạ Chais có lượng mưa đều, độ ẩm tốt nên quanh năm gia đình không phải tưới. Sau 1 năm xuống giống, chanh dây phát triển mạnh và cho thu hoạch”.

Cũng theo anh Trường, để chanh dây phát triển tốt, gia đình anh đã xây dựng hệ thống giàn ô vuông bằng lưới thép và giàn dây thép song song với các hàng cà phê. Với mô hình trồng xen này, cà phê ở phía dưới được che bóng mát, nền đất giữ được độ ẩm giúp cây phát triển mạnh. Bù lại, chanh dây cũng được hưởng nguồn phân bón dôi dư từ cà phê. Hiện nay, mỗi tháng, gia đình anh Trường thu hoạch đều đặn 10 tấn trái/sào (1.000m2).

Anh Trịnh Xuân Trường chia sẻ: “Gia đình sản xuất chanh dây theo quy trình VietGAP và canh tác theo hướng hữu cơ nên sản phẩm được đánh giá cao. Hiện nay, toàn bộ chanh dây của gia đình đã được một đơn vị bao tiêu với giá 14.000 đồng/kg. Mỗi năm, sau khi trừ chi phí, 1ha chanh dây cho gia đình lãi ròng 500 triệu đồng”.

DSC_0722

Mỗi tháng, 1 sào (1.000m2) chanh dây cho gia đình anh Trịnh Xuân Trường thu hoạch 10 tấn trái. Ảnh: Minh Hậu.

Cũng theo anh Trường, thời gian tới, gia đình anh tiếp tục mở rộng diện tích và tập trung sản xuất theo hướng công nghệ cao để nâng cao giá trị sản phẩm. Đồng thời liên kết với các doanh nghiệp chế biến trong tỉnh để hướng đến phát triển bền vững.

Ông Vũ Hoàng Đăng Khoa, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đạ Chais cho biết, năm 2022, nhận thấy mô hình chanh dây trồng xen cà phê đạt năng suất, hiệu quả kinh tế cao nên Hội Nông dân xã đã tập hợp bà con và xây dựng Chi hội nông dân nghề nghiệp trồng chanh dây để thúc đẩy liên kết trong sản xuất. Hiện nay, Chi hội có khoảng 35 thành viên (đa phần là bà con đồng bào dân tộc thiểu số) với tổng diện tích khoảng 20ha.

“Mô hình chanh dây tại địa phương mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp người dân cải thiện nguồn thu nhập và có cơ hội vươn lên làm giàu. Do vậy, chính quyền địa phương đang khuyến khích bà con mở rộng mô hình liên kết sản xuất, mở rộng thị trường”, ông Khoa nói và cho biết thêm, thời gian qua, các thành viên của Chi hội đã được ngành nông nghiệp địa phương hỗ trợ kỹ thuật trong sản xuất, đặc biệt được Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lâm Đồng tập huấn quy trình trồng và chăm sóc chanh dây tại vườn.