Sầu riêng tăng giá vừa mừng vừa lo: ‘Thổi’ giá phá vỡ toàn bộ chuỗi liên kết

Các doanh nghiệp cho rằng cần xây dựng, bảo vệ chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp, HTX và người dân thì mới giúp ngành hàng sầu riêng phát triển bền vững.

Tại hội nghị kết nối tiêu thụ sản phẩm của Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk vừa qua, các doanh nghiệp xuất khẩu cảnh báo việc thương lái chốt vườn cao hơn giá trị thực sẽ làm ảnh hưởng đến ngành hàng. Người dân, doanh nghiệp và chính quyền địa phương cần liên kết bền vững để xây dựng thương hiệu sầu riêng Việt Nam.

Bảo vệ chuỗi liên kết

Bà Ngô Tường Vy, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Chánh Thu cho biết, thực tế hiện nay đang xảy ra tình trạng nông dân trả cọc khi được doanh nghiệp sau chốt giá cao hơn. Việc nông dân hủy hợp đồng cọc đã làm ảnh hưởng đến uy tín cũng như tình hình kinh tế tài chính của doanh nghiệp.

Theo bà Vy, khi ký hợp đồng thương mại với khách hàng nước ngoài thì doanh nghiệp không thể biện minh bằng bất kỳ lý do nào để hủy hợp đồng. Nếu doanh nghiệp hủy hợp đồng thì bắt buộc phải bồi thường và cái thiệt hại lớn nhất là uy tín, thương hiệu.

“Mức giá đã chốt trước đây với người dân từ 60.000 – 65.000 đồng/kg thì người nông dân đã có lãi rất nhiều. Thực tế việc nông dân bỏ cọc là vì lòng tham của con người, không tuân thủ nguyên tắc liên kết. Hay hiện nay một số mã vùng trồng cũng vậy, các doanh nghiệp khác vào mua một vườn giá cao sẽ gây ảnh hưởng đến những người xung quanh.

Ví dụ vườn tỷ lệ 90% hàng loại một thì có thể mua giá 80.000 đồng/kg. Còn tỷ lệ vườn 60% hàng loại một thì chỉ có thể mua được 65.000 – 70.000 đồng/kg. Tuy nhiên nông dân không hiểu vấn đề này mà vẫn so sánh việc mua cao mua thấp dẫn đến hủy cọc”, bà Vy phân tích.

Bà Ngô Tường Vy - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Chánh Thu cho biết, việc người dân bỏ cọc sẽ gây thiệt hại rất lớn cho doanh nghiệp. Ảnh: Quang Yên.
Bà Ngô Tường Vy – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Chánh Thu cho biết, việc người dân bỏ cọc sẽ gây thiệt hại rất lớn cho doanh nghiệp. Ảnh: Quang Yên.

Theo nữ Tổng Giám đốc, hiện nay chúng ta chưa có quy tắc về giá và chưa có ràng buộc pháp luật trong liên kết. Do đó, người nông dân, HTX cần bình tĩnh suy nghĩ lại giá vì chưa chắc chắn đến thời điểm thu hoạch giá cả còn cao như hiện nay.

“Bên Trung Quốc bão lũ cộng với năm nay thời tiết mưa nhiều chưa biết chất lượng sầu riêng ra sao, đạt hay không. Do đó, nông dân sao biết được doanh nghiệp mua giá nào là hợp lý. Đây là bài học về việc liên kết, ai cũng đặt lòng tham của mình lên trên kể cả doanh nghiệp, thương lái và người dân.

Hiện nay giá được nhiều thương lái chốt tại vườn trên 80.000 đồng/kg. Đối với doanh nghiệp thật sự không dám mua. Kể cả mua thì tỷ lệ đạt loại một phải tính theo mức giá ký hợp đồng với khách hàng. Không giống như thương lái sau khi chốt mà thị trường hạ giá thì neo vườn không cắt hoặc bớt giá thì doanh nghiệp không làm được việc này. Làm như thế này thì rất mất uy tín của doanh nghiệp, rất khó khăn cho các doanh nghiệp thu mua xuất khẩu sầu riêng”, bà Tường Vy nói thêm.

Theo ông Lê Anh Trung, Phó Chủ tịch Hiệp hội sầu riêng Đắk Lắk, tình trạng thổi giá hiện nay sẽ tạo nên hệ lụy khiến các chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ bị phá vỡ hoàn toàn.

Việc này sẽ gây mất niềm tin từ những doanh nghiệp xác định liên kết thật, khó kiểm soát các quy trình mang tính đồng bộ từ HTX. “Thời điểm sầu riêng Đắk Lắk thu hoạch cũng trùng với vụ các tỉnh phía Bắc của Thái Lan nên giá cả có thể sẽ giảm so với hiện nay. Đặc biệt việc người dân trả cọc sẽ gây mất niềm tin lẫn nhau từ doanh nghiệp, HTX và nông dân”, ông Trung thông tin.

Hiệp hội sầu riêng Đắk Lắk khuyến cáo người dân không nên bỏ cọc gây đứt gẫy chuỗi liên kết lâu nay. Ảnh: Quang Yên.
Hiệp hội sầu riêng Đắk Lắk khuyến cáo người dân không nên bỏ cọc gây đứt gẫy chuỗi liên kết lâu nay. Ảnh: Quang Yên.

Để tránh tình trạng xung đột lợi ích về sau, Hiệp hội sầu riêng Đắk Lắk khuyến cáo thành viên là người nông dân và HTX trong việc thực hiện các hợp đồng thương mại.

Cụ thể, người dân, HTX khi ký hợp đồng cần kiểm tra đánh giá kỹ lưỡng năng lực doanh nghiệp xuất khẩu; Cơ sở đóng gói ở đâu, quy mô công xuất như thế nào. Đặc biệt, doanh nghiệp đã đủ điều kiện được hải quan Trung Quốc đánh giá và xuất khẩu trực tiếp hay chưa. Người dân, HTX cũng nên ưu tiên những doanh nghiệp đủ điều kiện đóng gói tại địa phương.

Cần nâng cao chất lượng

Theo bà Ngô Tường Vy, sản lượng sầu riêng đang cho thu hoạch tại Đắk Lắk chưa đến 40% so với diện tích. Do đó, khoảng 3 năm tới diện tích cho thu hoạch sẽ tăng gấp đôi hoặc gấp 3. Vì vậy chính quyền địa phương cũng như Hiệp hội Ssầu riêng Đắk Lắk cần đưa giải pháp dài hạn.

“Tất cả chúng ta kinh doanh và sống trên sinh kế của cây sầu riêng. Do đó cần đưa ra giải pháp để cùng nhau tạo ra chiến lược bền vững cho ngành hàng này. Tỉnh Đắk Lắk có thổ nhưỡng, khí hậu tốt đã tạo ra chất lượng sầu riêng Dona được các nước nhập khẩu công nhận. Thời điểm thu hoạch nghịch vụ so với các nước nên lợi thế rất lớn trong việc cạnh tranh”, bà Vy nói.

Nữ Tổng Giám đốc cho biết thêm, nói đến sầu riêng Tây Nguyên thì mọi người sẽ nghĩ ngay đến Đắk Lắk. Hiện nay, diện tích phát triển vùng nguyên liệu tại Đắk Lắk còn khá nhiều.

Để ngành sầu riêng phát triển bền vững. các doanh nghiệp kiến nghị cần có những quy định, chế tài cụ thể trong việc sản xuất, mua bán sầu riêng. Ảnh: Quang Yên.
Để ngành sầu riêng phát triển bền vững. các doanh nghiệp kiến nghị cần có những quy định, chế tài cụ thể trong việc sản xuất, mua bán sầu riêng. Ảnh: Quang Yên.

Do đó, chúng ta đưa ra giải pháp làm sao để quản lý chất lượng. Và điều này chúng ta nên học hỏi Thái Lan vì họ quy định mỗi nông dân, doanh nghiệp phải có trách nhiệm trên từng quả sầu riêng. Từ đó, chính quyền, hiệp hội sầu riêng cũng nên có cơ chế quản lý.

“Chúng ta cùng nhau lập giá trị cho quả sầu riêng. Có 3 yếu tố chính cần làm là tuân thủ các tiêu chuẩn của những nước nhập khẩu. Đầu tư về công nghệ, tiêu chuẩn vùng trồng và việc này người nông dân phải thực hiện. Xây dựng niềm tin giữa doanh nghiệp và nông dân. Và tạo sự khác biệt trong kinh doanh, nếu không có sự khác biệt thì không đứng vững được. Nếu không tạo được khác biệt so với Thái Lan thì sẽ khó khăn cho ngành sầu riêng”, nữ Tổng giám đốc cho biết thêm.

Bà Nguyễn Thị Thành Thực, Chủ tịch Công ty cổ phần Bagico cho rằng, để nâng cao chất lượng sầu riêng thì Việt Nam nên học hỏi Thái Lan.

Theo bà Thực, để quả sầu riêng được chất lượng, các nước nhập khẩu đánh giá cao thì cần quy hoạch vườn sầu khoa học.

“Hầu hết các vườn xuất khẩu của Thái Lan là tương đối lớn, nhỏ nhất cũng từ 10 – 20ha. Quy hoạch vườn khoa học, đường đi lại thuận lợi. Thái Lan họ cũng xây dựng xưởng sơ chế, đóng gói tại vườn. Đây là vấn đề rất quan trọng. Xây dựng xưởng sẽ thu hái, đóng gói tại vườn cũng như quy hoạch trung tâm thu mua thuận lợi giao thông sẽ giúp giảm chi phí logistics và hư hao tài sản”, bà Thực nói thêm.

Theo một chủ doanh nghiệp thu mua, xuất khẩu sầu riêng tại Đắk Lắk, hiện giữa doanh nghiệp, HTX, nông dân và chính quyền đã có liên kết nhưng chưa chặt chẽ.

Các doanh nghiệp cũng đề nghị chính quyền địa phương, hiệp hội sầu riêng có những hỗ trợ trong việc liên kết, thu mua sản phẩm với HTX, người dân. Ảnh: Quang Yên.
Các doanh nghiệp cũng đề nghị chính quyền địa phương, hiệp hội sầu riêng có những hỗ trợ trong việc liên kết, thu mua sản phẩm với HTX, người dân. Ảnh: Quang Yên.

Người này cho rằng, để đảm bảo ngành sầu riêng phát triển lâu dài, các cấp quản lý, các hiệp hội nên cùng quan tâm, có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp thu mua, cam kết cùng đồng hành nông dân về sau như tính toán thuế suất, điều kiện mặt bằng sản xuất… và nhất là hỗ trợ giá vật liệu ở vụ sau.

Ngoài ra, chính quyền cần thu hút các nhà đầu tư công nghiệp chế biến chuyên sâu. Việc này đã nói lâu nay nhưng vẫn chưa thực hiện được.

“Từ hệ thống các kho lạnh bảo quản, kho chuyên dụng nông sản, đến các nhà máy, dây chuyền chế biến thực phẩm, tinh chế nông sản…, tính đến nay khu vực Đắk Lắk vẫn chưa có được các dự án đủ tầm, chưa thu hút được các nhà đầu tư thỏa đáng. Điều này rất cần được chính quyền tỉnh quan tâm, có sự chỉ đạo để thay đổi môi trường thu hút đầu tư, vận động chính các doanh nghiệp địa phương quan tâm đầu tư mảng chế biến nông sản chuyên sâu, tạo cơ sở thay đổi năng lực tiêu thụ nông sản bản địa”, người này nói.

Theo Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk, để nâng cao chất lượng ngành hàng, thời gian tới đơn vị có những kế hoạch tổ chức tập huấn tiêu chuẩn VietGAP cho các HTX, nông dân. Tổ chức tập huấn ở các vùng trồng sầu riêng trọng điểm về kiểm soát dịch hại tổng hợp theo yêu cầu của nước nhập khẩu. Thực hiện tập huấn hướng dẫn công tác chuyển đổi số nhằm truy xuất nguồn gốc bằng nhật ký điện tử tại các vùng nguyên liệu trọng điểm nhằm xây dựng thành mô hình và nhân rộng.