Với dân số khoảng hơn 100 triệu người, thị trường trong nước có thể coi là sân nhà tiềm năng cho nông sản Việt Nam đẩy mạnh tiêu thụ.
Câu chuyện kết nối thị trường, xúc tiến thương mại không chỉ cần thiết đối với hàng hóa xuất khẩu mà còn thực sự cấp thiết đối với hàng hoá trong nước. Các kênh bán lẻ chính là cầu nối hiệu quả giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng.
Ông Lê Minh Sang – Giám đốc hợp tác xã trái cây Tân Mỹ (Bình Dương) từng chia sẻ kênh phân phối siêu thị đã hỗ trợ rất nhiều đầu ra sản phẩm cho bà con nông dân. Việc hợp tác giữa các nhà sản xuất nông sản với chuỗi bán lẻ rất có lợi cho nhà sản xuất khi đầu ra trôi chảy hơn, tránh được sụt giảm doanh thu và gia tăng lợi nhuận. Từ đó hướng đến ổn định nguồn nguyên liệu không chỉ cho sản xuất tiêu thụ nội địa mà còn cho chế biến xuất khẩu.
Song, theo ông Nguyễn Minh Tiến – Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ NN&PTNT), hiện hầu hết với các doanh nghiệp lớn kinh doanh nông sản, đặc biệt là nông sản có giá trị cao đa số tập trung vào thị trưng xuất khẩu; giá trị xuất khẩu trên thị trường quốc tế cao hơn thị trường trong nước.
Tuy nhiên, theo báo Đại Đoàn Kết, số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, từ đầu năm đến nay thị trường nội địa có dấu hiệu “nóng” lên khi tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng từ đầu năm đến nay đạt 3.625,7 nghìn tỷ đồng, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 2.801,1 nghìn tỷ đồng, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước.
Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) Lê Việt Nga nêu rõ, điều đáng nói trong quá trình tăng trưởng của thị trường nội địa là hệ thống phân phối đã tập trung tiêu thụ hàng Việt, qua đó góp phần kích thích sản xuất trong nước.
“Hiện trên các kệ hàng siêu th, cửa hàng tiện lợi, ở thành thị, nông thôn… hàng Việt luôn chiếm tỷ trọng 85-90%”, bà Nga dẫn chứng.
Theo phân tích của giới chuyên gia, nếu doanh nghiệp bỏ thị trường nội địa tức là đã tạo cơ hội cho hàng nước ngoài. Chẳng hạn, nếu không chăm chút phát triển thị trường nội địa cho trái cây Việt Nam, trái cây ngoại nhập với những lợi thế về giá cả và mẫu mã sẽ chiếm ưu thế trên chính thị trường nội địa. Người nông dân và doanh nghiệp phải xác định rằng dù phục vụ thị trường nào cũng đều phải chăm chút để có sản phẩm nông nghiệp ngon, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm… Thị trường trong nước cũng phải phân cấp ngay từ nơi sản xuất, chế biến, đóng gói bao bì nhãn mác đẹp.
Các chuyên gia cho rằng, đã đến lúc, nng sản Việt cần phải chinh phục thị trường Việt. Việc nâng cao chất lượng, định vị và xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt “chắc chân” trên sân nhà không chỉ là yếu tố tiên quyết để khơi thông dòng chảy tiêu thụ nông sản nội địa, mà còn giúp các sản phẩm tự tin vươn ra toàn cầu.
Ông Nguyễn Minh Tiến cho hay, trước đây, các doanh nghiệp lớn tập trung vào thị trường xuất khẩu thì nay đã bắt đầu quan tâm tới thị trường trong nước. Vấn đề làm sao để các doanh nghiệp lớn trong nước ưu tiên cung cấp các nông sản chất lượng cao thì cần có sự kết hợp từ rất nhiều yếu tố.
Đầu tiên về phía các cơ quan quản lý nhà nước, phải tạo điều kiện thuận lợi, phải hình thành chuỗi giá trị, cung cấp chuỗi kết nối giữa hệ thống phân phối hiện đại và doanh nghiệp. Với xu hướng thương mại điện tử bùng nổ, đặc biệt là mạng xã hội cần hỗ trợ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp. Bộ NN&PTNT sẽ gắn kết với sàn thương mại điện tử để bán hàng có truy xuất nguồn gốc và an toàn.
BĐT Đảng Cộng sản Việt Nam đưa tin, để người tiêu dùng thực sự tin vào hàng Việt Nam, Bộ NN&PTNT đã hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã đẩy mạnh quảng bá trên nền tảng mạng xã hội, vì những phiên livetreams tạo ra hiệu ứng lan tỏa rất lớn. Qua các phiên livetreams, người tiêu dùng sẽ nhận thức được giá trị từ sản phẩm, theo đó, khả năng chi trả của họ cho sản phẩm sẽ ở mức cao hơn.
Cùng với đó, cần đẩy mạnh hệ thống logistics chuyên biệt, cần nhất là logistics lạnh, kho lạnh, xe chuyên chở chuyên dùng để sản phẩm đến tay người tiêu dùng chuẩn chỉnh, đảm bảo an toàn chất lượng.
Cuối cùng là hướng tới người nông dân chuyên nghiệp. Ông Tiến cho biết, người nông dân cần được cấp phép, bảo đảm được quy trình về pháp lý, hình thành các kênh phân phối, cùng với sự vào cuộc của Nhà nước, hiệp hội thì người tiêu dùng trong nước sẽ được tiếp cận nhiều hơn na với nông sản chất lượng cao.
Về phía Bộ Công Thương, nhằm hỗ trợ đầu ra cho nông sản, bà Trịnh Huyền Mai – Phó trưởng Phòng Chính sách – xúc tiến thương mại, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương, cho biết, thời gian qua, Cục Xúc tiến thương mại thường xuyên phối hợp triển khai nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường trong nước cho sản phẩm nông sản Việt, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản phẩm, mở rộng kênh phân phối cho các sản phẩm đặc sản của địa phương, vùng miền, quốc gia. Đặc biệt, với trọng điểm là chương trình cấp quốc gia xúc tiến thương mại, Cục Xúc tiến thương mại đã triển khai với rất nhiều đổi mới, tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại phát triển thị trường nội địa cho sản phẩm nông sản.
Trung bình mỗi năm chương trình hỗ trợ cho các đơn vị chủ trì, các địa phương, hiệp hội, ngành hàng, tổ chức khoảng 15 hội chợ vùng cho các sản phẩm nông sản, đặc sản, sản phẩm OCOP của địa phương; tăng cường kết nối giao thương cho các ngành hàng, kết hợp với đẩy mạnh quảng bá, tuyên truyền, giới thiệu sản phẩm.
Thời gian tới, bà Trịnh Huyền Mai cho biết, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp đồng hành cùng các Bộ, ngành; nhà sản xuất, nhà phân phối tiếp tục xúc tiến thương mại cho các sản phẩm nông sản có tính mùa vụ của địa phương tại thị trường nội địa.
Theo Doanh nghiệp & Thương hiệu