Festival tôm Cà Mau năm 2023: Nâng tầm tôm Việt

Festival tôm Cà Mau và Diễn đàn OCOP đồng bằng sông Cửu Long 2023 (ĐBSCL) với chủ đề “Nâng tầm tôm Việt – Cùng phát triển sản phẩm OCOP” sẽ diễn ra từ 13 đến 16/12 tại TP Cà Mau.

Ngày 3/10, UBND tỉnh Cà Mau cho biết, với chủ đề “Nâng tầm tôm Việt – Cùng phát triển sản phẩm OCOP”, Festival tôm Cà Mau và Diễn đàn OCOP đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) năm 2023 sẽ diễn ra từ 13 đến 16/12 tại TP Cà Mau.

1
Festival tôm Cà Mau năm 2023: Nâng tầm tôm Việt

Sự kiện trên nhằm quảng bá thương hiệu tôm Cà Mau, các sản phẩm OCOP của tỉnh đến du khách trong, ngoài nước; tạo điều kiện để doanh nghiệp kinh doanh thiết bị, quy trình, công nghệ chế biến tôm; thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường dùng trong thủy sản; mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, hữu cơ, sinh thái; sản phẩm OCOP; ẩm thực… gặp gỡ, giới thiệu sản phẩm, liên kết hợp tác.

Trong khuôn khổ Festival diễn ra diễn đàn xúc tiến thương mại; Hội nghị sơ kết Chương trình liên kết thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh ĐBSCL; Diễn đàn xúc tiến Du lịch; Diễn đàn xúc tiến Đầu tư; Hội nghị “Kết nối giao thương sản phẩm OCOP vùng ĐBSCL năm 2023” với hình thức trao đổi, chia sẻ các giải pháp, định hướng đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP tại thị trường trong nước và xuất khẩu…;

Các hội thảo phát triển ngành tôm, hội thảo “Xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng tôm Cà Mau”; Hội thảo “Thực trạng và giải pháp phát triển bền vững ngành tôm”; Hội thảo chuyên đề ngành tôm, bao gồm các chuyên đề: “Quy trình công nghệ nuôi và sản xuất giống thủy sản”; “Thực trạng và giải pháp quản lý môi trường và dịch bệnh trong nuôi tôm”; “Giải pháp giảm giá thành trong nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh”; “Chế biến và thị trường xuất khẩu tôm”; “Giới thiệu các sản phẩm, công nghệ, thiết bị mới trong ngành tôm”; Hội thảo “Giải pháp khoa học và công nghệ phát triển thủy sản công nghệ cao, thích ứng biến đổi khí hậu”.

Tại sự kiện Festival Tôm, Ban tổ chức cũng tổ chức cuộc thi sáng tác Biểu trưng (Logo), Khẩu hiệu (Slogan) Festival Tôm Cà Mau; biểu tượng vui về con Tôm và Bộ nhận diện thương hiệu OCOP tỉnh Cà Mau, cuộc thi nhằm chọn ra Biểu trưng (Logo), Khẩu hiệu (Slogan) Festival Tôm Cà Mau; biểu tượng vui về con Tôm và Bộ nhận diện thương hiệu OCOP tỉnh Cà Mau, được diễn ra từ tháng 7 đến tháng 10/2023. Đồng thời, nhằm tuyên truyền quảng bá, giới thiệu hình ảnh tiêu biểu của con Tôm Cà Mau, các sản phẩm OCOP và góp phần khơi dậy niềm tự hào, nêu cao ý thức giữ gìn và phát huy thương hiệu và giá trị tôm Cà Mau trong sự nổ lực quyết tâm nâng tầm Tôm Việt đối với du khách trong và ngoài nước.

Hội thi “Mẫu mã bao bì và câu chuyện sản phẩm OCOP” diễn ra vào ngày 31/10 tại Hội trường UBND tỉnh Cà Mau; Hội thi “Sản phẩm OCOP tiêu biểu vùng ĐBSCL năm 2023” với khoảng 300 – 400 đại biểu tham dự, được diễn ra vào lúc 8h ngày 15/12 tại Hội trường khách sạn Mường Thanh.

Ngày hội “Ẩm thực thủy sản Cà Mau” kết hợp quảng diễn tinh hoa ẩm thực Việt, diễn ra xuyên suốt thời gian tổ chức sự kiện, đón tiếp và phục vụ khách tham quan; Lễ hội diễu hành đường phố như các hoạt động văn hóa, văn nghệ, múa lân sư rồng, trống khai hội, xiếc…, hoạt động trải nghiệm văn hóa, vui chơi giải trí với các trò chơi dân gian.

Nằm trong chuỗi sự kiện Festival Tôm, Ban tổ chức còn tổ chức tham quan du lịch, tham quan, trải nghiệm, tour du lịch cộng đồng văn hóa vùng sông nước Cà Mau như: tour du lịch, tham quan các khu du lịch, di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh Cà Mau: Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau; Vườn Quốc gia u Minh Hạ; Hòn Đá Bạc và Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh… tham quan các mô hình nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh; vùng nuôi tôm có chứng nhận quốc tế, mô hình nuôi tôm thân thiện với môi trường như nuôi tôm sinh thái (tôm lúa, tôm rừng…), các cơ sở sản xuất có sản phẩm OCOP và các làng nghề ven biển.

Đặc biệt, Festival Tôm Cà Mau năm 2023 với 400 gian hàng tham gia triển lãm ẩm thực, công nghệ chế biến tôm; sản phẩm chế biến tôm công nghiệp; mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao… nhằm đẩy mạnh quảng bá hình ảnh, thương hiệu Tôm Cà Mau và các sản phẩm OCOP của địa phương đến du khách trong và ngoài nước gặp gỡ, giao lưu, giới thiệu sản phẩm, liên kết hợp tác.

2
Nuôi tôm là thế mạnh của tỉnh Cà Mau

Lãnh đạo tỉnh Cà Mau nhấn mạnh Festival tôm nhằm thu hút được nhà đầu tư, các nhà mua đến với ngành hàng tôm Cà Mau; đồng thời thu hút và phát triển ngành du lịch. Sự kiện sẽ góp phần nâng tầm giá trị con tôm, quảng bá hình ảnh tôm Cà Mau, quảng bá hình ảnh các sản phẩm OCOP của tỉnh cũng như khu vực.

Để tận dụng tốt cơ hội, từ nay đến thời điểm diễn ra Festival tôm, các ngành, địa phương cần chú trọng xây dựng, củng cố các mô hình nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu thủy sản. Nhất là phải tạo điểm nhấn, nêu bật tiềm năng, lợi thế của tỉnh Cà Mau trong lĩnh vực nuôi trồng, chế biến, tiêu thụ đối với con tôm.

Cà Mau là địa phương đứng đầu cả nước về diện tích nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu tôm. Đáng chú ý, nhiều vùng nuôi tôm của Cà Mau đã đạt chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng quốc tế; hầu hết các nhà máy chế biến thuỷ sản có thiết bị, công nghệ đạt chuẩn quốc tế. Đến nay, các sản phẩm thủy sản của Cà Mau đã có mặt ở hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt 1,3 tỷ USD, trong đó xuất khẩu thủy sản chiếm 82%, riêng mặt hàng tôm chiếm 72% (gần 1 tỷ USD) kim ngạch xuất khẩu của tỉnh (chiếm 23,3% cả nước).