Đăk Nông: Kiếm tiền tỷ nhờ loài gặm nhấm

Nắm bắt nhu cầu của thị trường kết hợp với sự đam mê, mạnh dạn đầu tư bài bản, nhiều thanh niên tại tỉnh Đăk Nông đã khởi nghiệp thành công, mang lại nguồn thu nhập cao cho gia đình. Trong số đó, trường hợp của anh Hán Sơn Trường (34 tuổi, ở thôn Nam Ninh, xã Nâm Ndir, huyện Krông Nô, tỉnh Đăk Nông)

Đi tiên phong trong mô hình chăn nuôi dúi tại địa phương, từ lúc bước chân khởi nghiệp, anh Trường đã trải qua nhiều thất bại. Nhưng bằng nghị lực, đam mê và chịu khó học hỏi, anh đã phát triển thành công mô hình chăn nuôi dúi, đem lại mức thu nhập hàng tỉ đồng mỗi năm và đang định hướng, giúp đỡ nhiều thanh niên nhân rộng mô hình này.

Con dúi rừng hay còn được gọi là con chuột nứa, có tên tiếng anh là Bamboo Rat. Vốn là loài động vật gặm nhấm, chuột nứa có thân mình tròn trịa, rụt rịt không cổ, trông rất mũm mĩm, bao quanh chúng phủ lớp lông dày giống như lợn rừng, đôi mắt lại nhỏ, lồi, đen như mắt chuột. Trong khi bộ ria, mõm và 2 cặp răng nanh cửa trên như thỏ. Răng nanh có độ chắc khỏe, thích hợp để đào hang, cũng như gặm nhấm thức ăn. Cặp tai trong, nhỏ, bốn chân bén móng vuốt. Chiều dài thân của dúi trưởng thành từ 25 – 35 cm. Dài đuôi 7 – 12 cm, không có lông đuôi. Mỗi con có trọng lượng trung bình khoảng 0,7 – 3 kg/con.

Sau khi học hết lớp 10, anh Trường đi học nghề cơ khí với dự định mở cơ sở sửa chữa xe ô tô. Nhưng khi học xong, về địa phương thấy nhu cầu không lớn, tiềm năng ít, nên Trường tìm hướng khác lập nghiệp.

Năm 2012, sau khi mua được 40 con dúi của người dân về nuôi, ban đầu Trường dành 1 khoảng đất chừng 50m2 làm chuồng nuôi.

Ngay khi bắt tay vào nuôi dúi, Trường vấp phải khó khăn do thiếu kinh nghiệm, dúi phát triển chậm. Việc ghép đôi dúi để nhân giống cũng khó khăn, nên con đực và con cái không giao phối được.

Thất bại trong việc nhân giống khiến việc nuôi dúi của Trường trở nên bế tắc. Không nản chí, Trường tìm hiểu thông tin trên mạng internet, mày mò học hỏi kỹ thuật, cách nuôi dúi thông qua những kinh nghiệm đã tích lũy và tìm hiểu sâu hơn về đăc tính của loài vật chủ yếu sinh tồn trong tự nhiên này.

Sau nhiều ngày tháng “ăn ngủ với dúi”, Trường hiểu được quá trình phát triển của dúi, nhất là quá trình ghép con đực, con cái để có những điều chỉnh cách nuôi phù hợp. Qua đó, anh đã nhân giống thành công, dúi liên tục tăng đàn và phát triển tốt. Từ đây, Trường tuyển lựa những con dúi giống chất lượng để ghép đôi, sinh sản.

Trường cho biết, phải qua thế hệ F3, dúi mới phát triển ổn định, sinh sản và chăm con tốt trong môi trường chuồng nuôi. Năm 2018, Trường đã đầu tư xây dựng chuồng trại quy mô 500m2 và duy trì 500 cặp dúi giống và dúi thịt.

Chuồng nuôi dúi ở vị trí yên tĩnh, kín gió, không để nắng chiếu trực tiếp. Trong chuồng, Trường sử dụng tấm bê tông mỏng do anh tự đúc để ngăn thành từng ô cho mỗi con dúi cách mặt đất từ 25-30 cm, phía dưới chừa một khe nhỏ để dễ vệ sinh và phân dúi sẽ theo khe này rơi xuống rổ được hứng sẵn. Đây là cách làm đơn giản nhưng rất hiệu quả vì hạn chế được khả năng đục khoét, đào bới của dúi.

Trường chia sẻ kinh nghiệm nuôi dúi: “Hai điều cần chú ý khi nuôi dúi là chuồng trại phải tốt (vì liên quan đến môi trường sống cho dúi) và thứ hai là con giống phải thuần chủng”. Nhưng điều tiên quyết quyết định thành công là phải thực sự đam mê và giành tâm huyết.

Về quá trình sinh trưởng, khi nuôi được 7 – 8 tháng là thời điểm dúi phát dục, cần ghép đôi để dúi giao phối. Trong quá trình ghép đôi, cần theo dõi thường xuyên, nếu hai cá thể không xung đột, cắn nhau thì ghép đôi với nhau. Sau ghép đôi 15 ngày phải tiến hành tách đôi để dúi cái dưỡng thai và sinh sản. Khi dúi sinh sản được một tháng thì tách dúi con sang chuồng nuôi thương phẩm.

Anh Trường cho biết, nuôi dúi tốn ít công, thời gian chăm sóc, dù anh đang nuôi gần 800 con nhưng hàng ngày chỉ cho ăn 2 lần, mỗi lần tốn khoảng hơn 1 giờ đồng hồ. Dúi là con đặc sản đang được nhiều người tiêu dùng ưa thích.

Theo Trường, mỗi năm dúi sinh sản 4 lứa, mỗi lứa 2-5 con. Dúi giống sau 3 tháng xuất chuồng đạt khoảng 500-700g, dúi thương phẩm nuôi 8 tháng xuất chuồng có trọng lượng đạt từ 1 – 1,2 kg. Thức ăn cho dúi chủ yếu thân cây tre, mía, cỏ voi, bắp hạt khô… Nói chung, nguồn thức ăn cho dúi rất sẵn có tại địa phương, có thể tận dụng để chăn nuôi.

Đặc điểm của loài dúi là không cần uống nước, lượng chất thải ra ít và khô, nên thường 3 – 5 ngày mới phải dọn chuồng một lần. Dúi chịu lạnh tốt. Mùa hè có thể phun sương trên mái che tạo nhiệt độ dưới 33℃ để dúi sinh trưởng, phát triển tốt.

Để chủ động lượng thức ăn cho dúi, Trường đã trồng mía và giành thời gian rảnh rỗi để chặt nứa quanh nhà để cung cấp thêm cho dúi. Bên cạnh đó, mỗi tuần Trường cho dúi ăn thêm xương heo, xương trâu, bò hoặc giun đất để cung cấp thêm khoáng chất. Nhờ tận dụng được nhiều nguồn nên chi phí chăn nuôi rất thấp.

Thịt dúi thuộc diện món ăn đặc sản, thị trường dúi thương phẩm hiện nay cung chưa đủ cầu. Trong khi đó, dúi là con vật dễ nuôi, cho hiệu quả kinh tế cao.

Hiện nay, gia đình Trường đang bán cho các đầu mối thu mua dúi thịt với giá 600-650 ngàn đồng/kg và dúi giống từ 1,5-4 triệu đồng/cặp và điều quan trọng là cung luôn không đủ cầu, chỉ cần gọi điện thoại là các chủ đầu mối sẽ vào đến trang trại để thu mua. Theo tính toán của Trường, năm vừa qua, doanh thu của mô hình nuôi dúi của anh đạt khoảng 1 tỉ đồng khi đã trừ chi phí.

Anh Trường chia sẻ, để phát triển bền vững mô hình nuôi dúi đặc sản thì ngoài chất lượng cần phải bảo đảm nguồn cung ổn định bằng những hợp đồng kinh tế cụ thể. Vì vậy, phải xây dựng được hợp tác xã nuôi dúi với quy mô lớn, chất lượng tốt tại địa phương.

Ngoài cung cấp dúi giống, anh Trường trực tiếp hỗ trợ miễn phí về kỹ thuật nuôi dúi, cách làm chuồng nuôi dúi, kinh nghiệm nuôi dúi cho các hộ dân. Số mô hình nuôi dúi tại địa phương cũng vì thế tăng lên, giúp người dân có thêm thu nhập, phát triển kinh tế.