Chuyển đổi chuỗi giá trị lúa gạo ứng phó với biến đổi khí hậu

Dự án TRVC được SNV phối hợp với Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang triển khai thực hiện.

Ông Lê Hữu Toàn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang cho biết, Sở phối hợp với Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV) vừa công bố chính thức dự án “Chuyển đổi chuỗi giá trị lúa gạo ứng phó với biến đổi khí hậu và hướng tới sự phát triển bền vững ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long” (TRVC) tại tỉnh Kiên Giang.

Mục tiêu viện trợ này nhằm thúc đẩy chuyển đổi sang phương thức canh tác lúa gạo có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu và phát thải cac-bon thấp thông qua việc phát triển chuỗi giá trị bền vững và bao trùm ở 3 tỉnh khu vực thượng lưu đồng bằng sông Cửu Long.

Theo đó, UBND tỉnh Kiên Giang đã có quyết định phê duyệt tiếp nhận khoản viện trợ do SNV viện trợ thực hiện dự án “Chuyển đổi chuỗi giá trị lúa gạo ứng phó với biến đổi khí hậu và hướng tới sự phát triển bền vững ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long” tại tỉnh Kiên Giang.

Thời gian từ tháng 10/2023 đến 31/12/2027, tổng giá trị viện trợ không hoàn lại hơn 22 tỷ đồng, tương đương trên 1,4 triệu AUD.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, mục tiêu của dự án TRVC tại Kiên Giang là tiếp cận 50 – 60 hợp tác xã và hỗ trợ sinh kế cho khoảng 75.000 nông dân sản xuất nhỏ lẻ trên quy mô sản xuất 75.000 ha.

Xúc tác thành lập 10 – 20 chuỗi giá trị lúa gạo bao trùm và hỗ trợ ít nhất 10 nhà sản xuất, chế biến, kinh doanh, xuất khẩu gạo chủ lực tăng hiệu quả kinh doanh thông qua cung cấp dịch vụ, sản xuất và chế biến.

Giảm phát thải dự kiến 75.000 tấn CO2 từ hoạt động canh tác lúa; giảm 30 – 40% lượng giống; giảm lượng phân bón hóa học, lượng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học trong sản xuất lúa từ 30% trở lên; đảm bảo 40 – 50% lợi nhuận cho các nông hộ từ sản xuất lúa.

Kinh tế vĩ mô - Chuyển đổi chuỗi giá trị lúa gạo ứng phó với biến đổi khí hậu
Nông dân xã Thạnh Lộc, huyện Châu Thành (Kiên Giang) thu hoạch lúa vụ Thu Đông 2023.

Ông Lê Hữu Toàn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang chia sẻ, dự án TRVC tại tỉnh Kiên Giang sẽ giúp khoảng 75.000 nông dân sản xuất nhỏ áp dụng các phương pháp canh tác ứng phó với biển đổi khí hậu và 100% nông dân sản xuất nhỏ nâng cao nhận thức và kiến thức về lợi ích của của sản xuất lúa cac-bon thấp.

Ngoài ra, khoảng 50 cán bộ kỹ thuật của ngành nông nghiệp tỉnh được nâng cao năng lực trong việc tiêu chuẩn hóa và áp dụng hoạt động đo đạc, báo cáo, kiểm định trong sản xuất lúa gạo. Hỗ trợ xây dựng thương hiệu gạo cac-bon thấp cho thị trường trong nước và quốc tế, ông Toàn cho hay.

Thực hiện dự án TRVC tại tỉnh Kiên Giang, nông dân, các tổ hợp tác, hợp tác xã trồng lúa được tiếp cận với những gói sản phẩm kỹ thuật tiên tiến có hiệu quả kinh tế cao, bảo vệ được môi trường.

Hộ dân sẽ được hưởng toàn bộ các lợi ích mà các gói công nghệ này mang lại sau khi dự án kết thúc kể cả việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ nông nghiệp đáng tin cậy từ các doanh nghiệp.

Nông dân sản xuất lúa sẽ được hưởng lợi từ hỗ trợ kỹ thuật, một phần vật tư, giống đầu vào theo hướng thích nghi với môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và có sự liên kết trong chuỗi để nông dân sản xuất với chi phí thấp hơn, mang lại hiệu quả sản xuất cao hơn, có đầu ra bao tiêu lúa sản phẩm của chính các công ty hợp tác với nông dân.

Ngoài ra, nông dân có cơ hội tiếp cận với các ứng dụng công nghệ cao, cơ giới hóa, tự động hóa, có kỹ năng và kiến thức, hướng đến hiện đại hóa ngành lúa gạo.

Cùng đó, các doanh nghiệp tham gia dự án TRVC tại tỉnh Kiên Giang có cơ hội phát triển hoạt động kinh doanh, gia tăng giá trị và chuyên nghiệp hóa hoạt động trong chuỗi giá trị lúa gạo.

Cán bộ kỹ thuật được tập huấn, đào tạo, hướng dẫn, cập nhật về kỹ thuật chuyên môn, nghiệp vụ, có cơ hội tiếp cận, thúc đẩy áp dụng các kỹ thuật mới, góp phần phát triển nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa tỉnh Kiên Giang chất lượng, an toàn, bền vững và hiệu quả.