Bùng nổ đơn hàng cà phê, nông dân thu tiền tỷ

Chỉ trong nửa tháng nước ta bán một loại hạt thu về gần 300 triệu USD. Với giá cà phê cao chưa từng có trong lịch sử, nhiều hộ trồng cà phê cho biết mùa vụ năm nay lãi lớn gấp 2-4 lần trồng lúa.

1
Bùng nổ đơn hàng cà phê, nông dân thu tiền tỷ.

Dồn dập đơn hàng

Thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, trong nửa đầu tháng 1/2024, nước ta xuất khẩu gần 95.800 tấn cà phê, thu về 283 triệu USD. So với cùng kỳ năm 2023, lượng cà phê xuất khẩu chỉ tăng nhẹ 4,1% nhưng giá trị lại tăng mạnh 39,4%.

Theo đó, cà phê trở thành mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch cao thứ 3 của ngành nông nghiệp trong nửa đầu tháng 1 năm nay, chỉ đứng sau nhóm hàng gỗ (629,7 triệu USD) và thuỷ sản (318 triệu USD).

Các nhà nhập khẩu cà phê trên thế giới đang hướng về thị trường Việt Nam. Chia sẻ về thị trường xuất khẩu cà phê, ông Nguyễn Huy Hùng – Giám đốc kinh doanh Công ty cổ phần Phúc Sinh cho biết, cuối năm 2023, công ty đã ký hợp đồng xuất khẩu cà phê sang các thị trường mới. Hiện đơn hàng xuất khẩu cà phê đã kín đến hết quý I/2024.

Hiện doanh nghiệp đang liên tục tiếp các đoàn khách từ nhiều nơi trên thế giới đến tìm hiểu và mua cà phê Việt Nam. Bởi cà phê của nước ta trở thành lựa chọn hàng đầu của các nhà nhập khẩu trong phân khúc Robusta.

Thực tế, theo ông Thái Như Hiệp – Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê, ca cao Việt Nam, các nhà nhập khẩu trên thế giới đang tìm về Việt Nam mua cà phê. Ông Hiệp cho biết, trong năm vừa qua các doanh nghiệp ở nước ta gần như “vét sạch” kho hàng để xuất khẩu. Điều này khiến tồn kho giảm mạnh và năm 2023 cũng là lần đầu tiên trong lịch sử khi chỉ đến tháng 6, người dân đã không có cà phê để bán.

Ông Thái Như Hiệp cũng dự báo, xuất khẩu cà phê niên vụ 2023-2024 có thể đạt 4,5-5 tỷ USD nhờ giá cà phê tiếp tục tăng trong khi sản lượng giảm.

Ông Doãn Hữu Tuệ, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Quốc tế Mỹ Việt (doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu cà phê hoà tan), cho biết, doanh nghiệp đang xuất khẩu cà phê sang thị trường Trung Quốc, Dubai, Úc và EU.

Nhu cầu của các nhà nhập khẩu cà phê tăng khá cao, đơn hàng nhiều. Song doanh nghiệp phải từ chối bớt đơn hàng lớn do đang thiếu vốn sản xuất, vay ngân hàng lại khá khó khăn, ông Tuệ cho hay.

Theo chuyên gia ngành hàng cà phê, chất lượng Robusta của Việt Nam đang được nhà nhập khẩu và người tiêu dùng trên thế giới đánh giá cao. Nếu tập trung hơn nữa vào chế biến sau thu hoạch, cà phê Việt sẽ tăng sức cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.

Đang trong vụ thu hoạch cà phê nhưng giá liên tục tăng mạnh và lập đỉnh mới. Giá cà phê đạt 70.000 đồng một kg hồi tháng 7/2023. Từ đầu tháng 1 tới nay, giá loại hạt này tại tỉnh Lâm Đồng, Đăk Lăk, Đăk Nông, Gia Lai, Kon Tum tăng lên 70.800-71.000 đồng một kg. Mức này đã giúp nông dân thu lợi nhuận cao nhất lịch sử.

Không chỉ nông dân ở Kon Tum, Gia Lai mà tại Đăk Lăk, Lâm Đồng, Sở Nông nghiệp các tỉnh cũng cho biết vụ cà phê năm nay, với giá bán bình quân 65.000 đồng một kg nhân, mỗi ha nông dân địa phương thu nhập 180-300 triệu đồng (tùy tuổi đời cây), trừ chi phí còn lãi 120-200 triệu, tăng 60-80 triệu đồng so với năm 2022.

Nông dân thắng lớn

2
Giá cao, nông dân trồng cà phê ăn Tết to.

Ông Lương Văn Tự – Nguyên Chủ tịch Hiệp hội cà phê ca cao Việt Nam – cho hay đây là lần thứ năm từ 1971, giá cà phê liên tục lập đỉnh mới. Việt Nam có lợi thế về cà phê Robusta. Giá loại này tăng nhiều phiên liên tiếp do lo ngại nguồn cung từ châu Á và tuyến vận tải biển Âu – Á qua kênh đào Suez bị tắc nghẽn.

Tại thủ phủ cà phê Tây Nguyên ở nước ta, giá cà phê nhân xô đã tăng lên ngưỡng 73.500-74.200 đồng/kg. Đây là mức giá cao chưa từng có trong lịch sử.

Anh Nguyễn Văn Tùng ở Lâm Hà (Lâm Đồng) cho biết, những ngày này giá cà phê tăng mạnh, các đại lý đang chào giá thu mua cà phê Robusta ở mức 73.000-74.000 đồng. So với cùng kỳ năm ngoái, giá cà phê hiện tăng 85%.

Gia đình anh Tùng trồng gần 4ha cà phê, sản lượng đạt gần 20 tấn nhân. Anh đã bán được một nửa số cà phê nhân với giá trên dưới 70.000 đồng/kg, phần còn lại định chờ giá cao hơn mới bán tiếp.

“Vụ này vừa được mùa vừa được giá. Tôi nhẩm tính thu về khoảng 1,4 tỷ đồng từ bán cà phê nhân”. Anh nói và cho biết, sau hơn 10 năm trồng cà phê, đây là năm anh bán được giá nhất, tiền đút túi cũng nhiều nhất nên Tết này dự kiến to hơn.

Định găm hàng đến giáp Tết Nguyên đán mới xuất bán, nhưng khi được trả mức giá cao “ngoài sức tưởng tượng”, chị Vũ Thị Minh ở Đắk Lắk quyết định xuất bán hết 12 tấn cà phê nhân vừa thu hoạch.

“Tôi bán cà phê nhân từ giữa tháng 1 với giá 71.000 đồng mà các địa lý vẫn tranh nhau mua”, chị nói. Nhớ lại tầm này năm ngoái, chị phải tự tìm mối để bán cà phê, năm nay các đầu mối tự tìm về tận nhà chị để hỏi mua.

Bán hết lượng cà phê mình có, chị Minh thu về 850 triệu đồng. Trừ chi phí, chị lãi một khoản khá cao.

Chị Hải ở Kon Tum vừa bán 6 tấn cà phê nhân với giá 71 triệu đồng một tấn, tăng gần 80% so với cùng kỳ năm ngoái. “Tôi tính để hết Tết Nguyên Đán mới bán nhưng khi thấy được trả mức ngoài sức tưởng tưởng nên quyết định xuất bán”, chị nói.

Nếu năm ngoái chị phải tìm mối, năm nay các cơ sở vào tận nhà thu mua và liên tục đưa ra giá cao. Nhờ vậy, gia đình thu về 426 triệu đồng, mức thu nhập cao nhất nhiều năm qua, gấp 2-4 lần trồng lúa.

Tương tự, chị Lan ở Gia Lai cũng kể năm nay bội thu vì vừa bán với mức giá 70,8 triệu đồng một tấn. “Tôi không nghĩ vào đúng vụ thu hoạch giá cà phê lại cao hơn cả lúc hết vụ, ngược xu hướng chung nhiều năm qua”, chị Lan nhận định.

Dự báo ngành cà phê Việt Nam sẽ tiếp tục được hưởng lợi trong năm nay nhờ giá cà phê Robusta duy trì ở mức cao, thậm chí có thể lập đỉnh cao hơn vì lo ngại thiếu hụt nguồn cung. Giá cà phê nhân xô Việt Nam trong năm nay có thể ở mức cao nhất thế giới.