UBND tỉnh Bắc Ninh vừa phê duyệt danh mục sản phẩm tham gia Chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm) tỉnh Bắc Ninh năm 2023.
UBND tỉnh phê duyệt 102 sản phẩm của 40 chủ thể tham gia Chương trình OCOP tỉnh Bắc Ninh năm 2023. Các sản phẩm chủ yếu thuộc các lĩnh vực như lương thực, thực phẩm, dược liệu, đồ uống, đồ thủ công mỹ nghệ, hàng tiêu dùng…
Các địa phương có nhiều sản phẩm tham gia Chương trình OCOP năm nay, gồm: Thị xã Quế Võ (23 sản phẩm của 8 chủ thể); thành phố Từ Sơn (18 sản phẩm của 5 chủ thể); thị xã Thuận Thành (13 sản phẩm của 6 chủ thể); huyện Tiên Du (12 sản phẩm của 5 chủ thể); thành phố Bắc Ninh (12 sản phẩm của 4 chủ thể)…
Chương trình OCOP tỉnh Bắc Ninh nhằm phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh để sản xuất các sản phẩm truyền thống, sản phẩm dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Qua đó, góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị.
Triển khai từ năm 2018, Chương trình OCOP tỉnh Bắc Ninh nhận được sự quan tâm hưởng ứng của các cấp, ngành và các chủ thể, đã khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh của các địa phương về sản phẩm đặc sản, làng nghề gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, vùng nguyên liệu và văn hóa truyền thống để gia tăng giá trị sản phẩm; từng bước góp phần thay đổi nhận thức, tư duy của các chủ thể tham gia Chương trình.
Sau hơn 5 năm, Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã tạo ra những sản phẩm đáp ứng được các tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm, có mẫu mã, bao bì đa dạng và thân thiện với môi trường, được thị trường đón nhận, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực nông thôn.
Để thúc đẩy chương trình OCOP, tỉnh Bắc Ninh triển khai nhiều các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ sản xuất tham gia chương trình khi có đăng ký kinh doanh về mở rộng quy mô sản xuất, ứng dụng công nghệ trong sơ chế, chế biến, bảo quản sản phẩm, hoàn thiện mẫu mã, bao bì, an toàn thực phẩm, đăng ký thương hiệu…