Mía đường ĐBSCL: Khó khăn dồn dập

Dù đến tháng 5 mới hết vụ thu hoạch mía ở ĐBSCL nhưng một số nhà máy đường có công suất lớn đang “giảm tốc”, do nhiều khó khăn dồn ép.

Mía nguyên liệu về nhà máy đường

Một cán bộ từng nhiều năm bươn chải trong công tác khuyến nông của công ty mía đường lớn ở ĐBSCL thở dài: Chưa có vụ mía nào thấy “đắng” như năm nay. Giá mía nông dân bán tới cầu cảng nhà máy đường hiện còn 800 đ/kg (mía 10 chữ đường). Trong khi tiền nhân công lao động trồng mía, đốn mía tăng. Nông dân lỗ là phải, chỉ còn cách trồng cây khác để kiếm sống. Chung qui vì giá đường quá thấp.

Một vấn đề cốt lõi và yếu điểm lớn nhất bộc lộ từ chỗ giá mía cao khiến các nhà máy đường trong vùng vốn đã khó ngày càng khó hơn. Bởi giá thành sản xuất tăng cao nên đuối sức trong cuộc cạnh tranh với đường Thái Lan nhập lậu.

Mặc dù những năm qua không còn cảnh cạnh tranh mía nguyên liệu giữa các nhà máy đường trong vùng, nhưng ĐBSCL không thể xây dựng vùng nguyên liệu lớn chỉ vì qui mô sản xuất nhỏ lẻ. Ít hộ có diện tích đủ lớn 20-30 ha. Với đặc thù kênh, mương, sông rạch chằng chịt; giá công lao động tăng cao… khó áp dụng cơ giới hóa các khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch…

Mấy năm qua mỗi khi vào vào vụ, do giá mía thấp khiến nông dân chán nản, diện tích trồng giảm sút. Một số địa phương mở hướng chuyển đổi cây trồng khác để nâng cao thu nhập. Trong 3 năm qua số nhà máy đường công suất lớn trên 1.000 tấn mía cây ngày bắt đầu đóng cửa hoặc chỉ hoạt động cầm chừng do đường tồn kho tăng cao. Ở Long An từng một thời có 2 nhà máy đường hoạt động rầm rộ nay đang thoi thóp. Đất mía teo tóp dần khi cây trồng khác lấn sân và một phần nhường chỗ cho các khu công nghiệp.

Một số nhà máy đường lần lượt bán thiết bị để dời đi, nhà máy đường Cà Mau đóng cửa, đường Bến Tre không còn hoạt độn, đường Cần Thơ sắp xếp lại kế hoạch sản xuất kinh doanh, giảm bớt lao động. Nông dân vùng mía Hậu Giang, Sóc Trăng vốn SX giỏi vẫn than không lời!

Từ năm 1995, ĐBSCL xây dựng khoảng 10 nhà máy đường công suất lớn (1.000 – 1.200 tấn mía/ngày) giữa vùng trồng mía bao quanh. Từ năm 1999 – 2000 bắt đầu có sản phẩm đường cát trắng, chủ yếu đường RS. Giải pháp cổ phần hóa đã vực dậy nhiều nhà máy. Một số đơn vị bắt đầu có lãi, tái đầu tư nâng công suất ép mía, lắp đặt thêm thiết bị chế biến đường tinh luyện (RE). Thời hoàng kim diện tích mía đường ĐBSCL lên tới trên 50.000 ha. Một số giống mía cũ dần được thay thế cho năng suất cao, 120 tấn/ha; cá biệt ở Hậu Giang có câu lạc bộ đạt 200 tấn/ha. Giá mía cạnh tranh giữa các nhà máy có lúc tăng lên 950 – 1.000 đ/kg, nông dân có lãi.

Sau kỳ “trăng mật” hơn 20 năm SX kinh doanh sôi động với 10 nhà máy đường góp phần tăng sản lượng đường cả nước trên mức 1 triệu tấn đường/năm, chủ động đáp ứng tiêu dùng nội địa và dư thừa xuất khẩu, hiện mía đường ĐBSCL đang vào khúc quanh, lại gặp khó bởi cây mía.

Theo khảo sát từ các bộ phận khuyến nông các nhà máy đường, vùng mía nguyên liệu ở ĐBSCL giảm sút mạnh, đến vụ mía 2018 -2019 chỉ còn khoảng 25.000 ha, giảm 50% diện tích. Trong đó tỉnh Hậu Giang có diện tích mía đường lớn nhất từ 15.000 – 17.000 ha hiện giảm còn khoảng 8.500 ha. Chưa có nhà máy đường nào hình thành được vùng nguyên liệu mía ổn định để đủ sức cạnh tranh. Đã đến lúc tính toán sau cây mía sẽ có cây trồng khác để cạnh tranh.