Hàng nghìn ha lúa ở Thừa Thiên – Huế nhiễm sâu bệnh

Vụ Đông Xuân 2018 – 2019 toàn tỉnh Thừa Thiên – Huế gieo cấy hơn 28.000 ha lúa. Do thời tiết khắc nghiệt, hiện trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế có khoảng 2.440 ha lúa bị nhiễm bệnh khô vằn, với tỷ lệ bệnh phổ biến từ 10 – 20%, nhiều nơi bị nhiễm nặng đến 60%; tăng tăng 575 ha với cùng kỳ năm trước.

Bệnh khô vằn trên lúa bùng phát ở các địa phương như: xã Phú Diên, Phú Thanh huyện Phú Vang; phường Thủy Châu, Thủy Phương, thị xã Hương Thủy; xã Quảng Phước, huyện Quảng Điền…

Ngoài bệnh khô vằn, lúa vụ Đông Xuân  năm nay, ở Thừa Thiên – Huế còn bị nhiễm nhiều loại sâu bệnh khác, diện tích lên đến hàng nghìn ha. Cụ thể, hơn 1.200 ha lúa bị nhiễm sâu cuốn lá nhỏ, tăng hơn 1.000 ha với cùng kỳ năm trước, mật độ 10-20 con/m2, nơi cao lên đến 40- con/m2; tập trung ở các huyện Phú Vang, Quảng Điền và thị xã Hương Thủy. Các đối tượng sinh vật gây hại khác như sâu năn, rầy nâu, rầy lưng trắng, bọ trĩ, bệnh đạo ôn cổ bẹ lá đòng, bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn, nghẹt rễ sinh lý…. cũng đang gây hại cục bộ.

Thêm vào đó, nạn chuột phá hoại đã ảnh hưởng rất lớn đến sự sinh trưởng của cây lúa, hiện có 652 ha lúa bị chuột hoành hành, tăng 519 ha so với cùng kỳ năm trước, tập trung nhiều tại huyện Quảng Điền, thị xã Hương Trà. Bên cạnh đó, thời tiết nắng nóng cũng khiến gần 300 ha lúa và rau màu bị hạn cục bộ; trong đó, hơn 222 ha lúa bị thiếu nước, tập trung nhiều ở huyện Phú Lộc với hơn 151 ha, huyện Phú Vang 50 ha, huyện A Lưới 11 ha.

Hiện nay, lúa đã chuyển giai đoạn làm đòng và trổ bông khiến người dân lo lắng ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng lúa. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Thừa Thiên – Huế khuyến cáo, thời gian đến bệnh khô vằn gây hại gia tăng trên diện rộng. Bệnh đạo ôn cổ bông, lem lép hạt lúa phát sinh gây hại trên diện tích lúa trổ.

Vì vậy, nông dân cần tăng cường kiểm tra, giám sát đồng ruộng nhằm phát hiện sớm các đối tượng sinh vật gây hại khác để có biện pháp quản lý và phòng trừ phun thuốc ngay từ diện hẹp. Đối với đạo ôn cổ bông thời kỳ lúa đòng – trổ cần theo dõi thời tiết chặt chẽ; trong điều kiện gặp nhiệt độ thấp, ẩm độ cao, sáng sớm có nhiều sương mù… cần tiến hành phòng trừ bằng các loại thuốc đặc hiệu như Beam 75WB, Trizole 75WB, Filia 525SC, Kabim 30WP…

Đối với những diện tích lúa đã bị nhiễm đạo ôn lá thì bắt buộc phải phun phòng trừ bệnh đạo ôn cổ bông trước khi trỗ, khi trổ gặp mưa thì phải phun nhắc lại lần 2 cách lần 1 từ 5 – 7 ngày. Đối với bệnh lem lép hạt, để phòng trừ cần bón phân cân đối, không để ruộng thiếu nước. Sử dụng các loại thuốc như Tilt Super, Anvil… để phun phòng trước và sau khi lúa trổ../.