Điêu đứng vì hạn hán và xâm nhập mặn

Những cánh đồng cháy khô, những vườn cây ăn trái ủ rũ vì thiếu nước, người dân gạn lọc, chia nhau những nguồn nước ngọt ít ỏi… là những hình ảnh đang xuất hiện ngày càng nhiều ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Hạn hán, xâm nhập mặn đang thực sự đe dọa sản xuất nông nghiệp tại vựa lúa lớn nhất nước.

Hàng chục nghìn héc-ta hoa màu có nguy cơ chết khô

Tại tỉnh Bạc Liêu, khô hạn diễn ra gay gắt, nhiều tuyến kênh trong vùng ngọt hóa của tỉnh đã khô cạn, gây khó khăn cho việc sản xuất vụ lúa hè thu và ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nước ngầm phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Khô hạn cũng khiến nhiều diện tích rừng ở địa phương này được xếp vào diện cảnh báo cháy rừng cấp 5, đặc biệt là ở các huyện Phước Long, Giá Rai, Đông Hải, Vĩnh Lợi, Bạc Liêu, Hồng Dân. Dự báo nếu tình hình nguồn nước ngọt và thời tiết mùa khô năm 2020 diễn ra bất lợi như năm 2015 – 2016 thì khoảng 5.400 héc-ta lúa và khoảng 9.000 héc-ta nuôi tôm của tỉnh Bạc Liêu sẽ bị ảnh hưởng.

dieu dung vi han han va xam nhap man
Những cánh đồng khô khát vì hạn hán và xâm nhập mặn

Với tỉnh Cà Mau, do ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài, đến đầu tháng 3, nguồn nước trên hệ thống kênh, rạch vùng ngọt hóa tỉnh Cà Mau gần như khô cạn, làm thiệt hại hơn 18.000 héc-ta lúa, hoa màu. Toàn tỉnh Cà Mau hiện có hơn 20.000 hộ dân đang thiếu nước ngọt phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất, nuôi trồng thủy sản. 42.000 héc-ta rừng U Minh Hạ cũng bị khô cạn, trong đó có 12.000 héc-ta rừng đang dự báo cấp cháy cực kỳ nguy hiểm.

Cùng chung thực trạng với Bạc Liêu và Cà Mau, xâm nhập mặn đã bao phủ diện tích cả tỉnh Bến Tre, Hậu Giang, Tiền Giang. Nếu nắng nóng tiếp tục kéo dài và mực nước trên các tuyến sông Cái Côn, Lái Hiếu, Cái Lớn, Xáng Xà No… tiếp tục xuống thấp, mặn sẽ tiến sâu vào nội đồng tỉnh Hậu Giang với độ mặn tăng cao; 36.000 héc-ta cây ăn quả ở phía Nam Quốc lộ 1 của Tiền Giang sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp của hạn, mặn, đặc biệt là 12.000 héc-ta chuyên canh sầu riêng.

Cấp bách phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn

So với cùng kỳ năm 2016 – năm diễn ra xâm nhập mặn kỷ lục – năm 2020, xâm nhập mặn tại ĐBSCL còn diễn ra trầm trọng hơn. Nguyên nhân của hiện tượng này là do mùa mưa 2019 trên lưu vực sông Mê Kông xuất hiện muộn so với trung bình nhiều năm, tổng lượng dòng chảy năm ở mức thấp. Dòng chảy về ĐBSCL từ đầu mùa khô đến nay giảm nhanh, thấp hơn cả năm 2015, 2016. Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, dòng chảy trên sông Cửu Long về ĐBSCL trong tháng 3/2020 ở mức thiếu hụt so với trung bình nhiều năm và năm 2016 từ 5 đến 20%. Mực nước tại Biển Hồ (Campuchia) ở mức thấp, khả năng bổ sung nước cho ĐBSCL không nhiều. Đây là nguyên nhân chính gây xâm nhập mặn sớm, sâu và kéo dài trong mùa khô năm 2019 – 2020.

Xâm nhập mặn đã ảnh hưởng đến sản xuất và dân sinh từ tháng 12/2019, hiện đã ảnh hưởng đến 10/13 tỉnh ở ĐBSCL và đang tiếp tục diễn biến phức tạp. Trong tháng 3, xâm nhập mặn tiếp tục diễn ra gay gắt với mức cao nhất và vào sâu nội đồng. Đến nay, 5 tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Long An, Cà Mau, Kiên Giang đã công bố tình huống khẩn cấp về xâm nhập mặn.

Đáng lo ngại là xâm nhập mặn tại ĐBSCL đã làm thiệt hại gần 29.700 héc-ta lúa. Khoảng 332.000 héc-ta lúa Đông Xuân; 136.000 héc-ta cây ăn quả khả năng sẽ bị ảnh hưởng trong thời gian tiếp theo của mùa khô 2020. Đã có 95.600 hộ dân các tỉnh ĐBSCL bị thiếu nước sinh hoạt và con số này sẽ còn tăng trong thời gian tới.

Trước tình trạng cấp bách này, Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các địa phương liên quan tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa Chỉ thị 04 của Thủ tướng về giải pháp cấp bách phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, giảm thiệt hại hơn nữa cho sản xuất, ổn định đời sống, không để người dân bị thiếu nước sinh hoạt.

Cùng với đó, Thủ tướng đồng ý hỗ trợ một phần kinh phí từ ngân sách trung ương cho 5 tỉnh ĐBSCL theo quy định để thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả hạn hán, xâm nhập mặn (như bơm nước; nạo vét cửa lấy nước, kênh rạch; đắp đập tạm ngăn mặn trữ ngọt; đào ao, giếng trữ nước; khoan giếng, kéo dài đường ống cấp nước sinh hoạt; hỗ trợ thiết bị trữ nước, lọc nước, chi phí chở nước sinh hoạt…).

Đồng thời, yêu cầu các địa phương phải chủ động bố trí ngân sách, hỗ trợ đúng người, đúng việc, không để thất thoát, chống tiêu cực.