Cần Thơ: Tiêu hủy 1.500 con gà bị nhiễm cúm A/H5N1

Tại thành phố Cần Thơ vừa xuất hiện ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 trên đàn gà 1.500 con của hộ ông Lý Văn Ửng ở phường Long Hòa, quận Bình Thủy; Trong đó, số gà bị chết là 955 con, chủ hộ tự xử lý; Số còn lại đã được ngành chức năng tiêu hủy sau khi có kết quả xét nghiệm nhiễm cúm A/H5N1.

Đáng chú ý, đàn gà này đã được ông Ửng tiêm phòng vắc xin cúm A/H5N1 hồi đầu tháng 6/2019.

Chi cục chăn nuôi và Thú y thành phố Cần Thơ cũng tổ chức tiêu độc sát trùng khu vực lân cận trong bán kính 500m và tiêm phòng bao vây ổ dịch cho đàn gia cầm khỏe mạnh ở các ấp lận cận để ngừa dịch bệnh lây lan.

Trước sự việc này, UBND thành phố Cần Thơ đã ký văn bản gửi các quận, huyện và sở, ngành liên quan về việc triển khai phòng, chống bệnh cúm gia cầm trên địa bàn thành phố.

Trong Công văn số 2489/UBND-KT, lãnh đạo UBND thành phố Cần Thơ giao Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với UBND các quận, huyện và cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức tiêm phòng cho đàn gia cầm trên địa bàn thành phố, chủ động lấy mẫu giám sát lưu hành mầm bệnh cúm gia cầm để cảnh báo cộng đồng và có cơ sở triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Các địa phương chủ động giám sát dịch bệnh trên đàn gia cầm, nhất là tại các khu vực từng xuất hiện dịch, khu vực có nguy cơ cao để phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý dứt điểm khi mới phát hiện bệnh. Xử lý nghiêm các trường hợp giấu, không báo cáo để dịch bệnh lan rộng…

Ông Phạm Trường Yên, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ cho biết, sau khi phát hiện ổ dịch cúm A/H5N1 địa phương đã tiến hành tiêu hủy đàn gia cầm, tổ chức tiêm phòng cho đàn gia cầm quanh ổ dịch và tiếp tục triển khai trên toàn địa bàn. Sở cũng chỉ đạo Chi cục Thú y và UBND các quận, huyện tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển, mua bán giết mổ gia cầm trên địa bàn. Địa phương cũng khuyến cáo người dân khi phát hiện đàn gia cầm có biểu hiện bất thường cần báo ngay cho ngành chức năng để kịp thời xử lý.

Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, tiêu độc khử trùng và tiêm phòng. Các ngành chức năng tăng cường kiểm soát việc vận chuyển, giết mổ gia cầm, khi nào có kiểm dịch thì mới được giết mổ; khuyến cáo người dân khi có dấu hiệu bất thường trên gia cầm thì báo ngay cho ngành chức năng để kịp thời xử lý.