Cá ngừ trông đợi thị trường EU

Ảnh hưởng của COVID-19 đã khiến xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sụt giảm khá mạnh, phần lớn các thị trường nhập khẩu đều đi xuống. Ngành hàng này đang đặt kỳ vọng vào thị trường EU, đặc biệt là sau khi EVFTA có hiệu lực.

Cứu vãn tình thế

Theo VASEP, tính đến hết tháng 5/2020, giá trị xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam đạt xấp xỉ 241 triệu USD, giảm gần 20% so cùng kỳ năm 2019; phần lớn trong top 10 thị trường nhập khẩu nhiều nhất cá ngừ của Việt Nam đều giảm về giá trị, ngoại trừ Nhật Bản tăng 31% và Ai Cập tăng 76%.

Nguyên nhân được cho là ảnh hưởng dịch COVID-19. Việc vận chuyển, tiêu thụ khó khăn. Các thị trường quan trọng của Việt Nam đều sụt giảm đáng lo ngại: giá trị xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Mỹ chỉ đạt gần 102 triệu USD, giảm 21% so cùng kỳ năm 2019. Tại EU đạt 48 triệu USD, giảm 11%; còn giá trị xuất khẩu cá ngừ sang ASEAN đạt 15 triệu USD, giảm 17%. Theo đánh giá của VASEP, với tình hình dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp tại các thị trường nhập khẩu lớn như: Mỹ, EU…; nên nếu đến quý III, dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn thì xuất khẩu cá ngừ mới có cơ hội phục hồi trở lại.

Ảnh minh họa (IE)

Ở một khía cạnh khác, sản phẩm cá ngừ đóng hộp lại có nhiều điểm sáng tại thị trường Mỹ khi kim ngạch ghi nhận sự tăng trưởng tới gần 11% so cùng kỳ năm 2019. Tính chung, trong 5 tháng đầu năm, mặt hàng xuất khẩu cá ngừ đóng hộp của Việt Nam tăng 9% so với cùng kỳ. Điều này thể hiện sự thay đổi thị hiếu của người tiêu dùng, khi trường học, nhà máy đóng cửa, nhà hàng  – khách sạn tại các nước vắng khách, người dân chuyển qua tiêu dùng sản phẩm đóng hộp trong đó có cá ngừ. Một số nước tích cực nhập khẩu thực phẩm để đề phòng dịch bệnh còn kéo dài. Điển hình như tính đến hết tháng 4/2020, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Nhật Bản tăng 36% và Ai Cập tăng 59%. Nhật Bản tăng mạnh nhập khẩu rất nhiều các sản phẩm cá ngừ chế biến khác của Việt Nam, đặc biệt thịt cá ngừ hấp đông lạnh, tăng 111% so cùng kỳ. Tại thị trường EU, trong thời gian dịch COVID-19 xảy ra, nhu cầu tiêu thụ cá ngừ đóng hộp cũng tăng, xuất khẩu cá ngừ đóng hộp của Việt Nam sang EU tăng 2,7% so cùng kỳ năm trước.

Trông chờ sau tháng 8

Ba Lan là thị trường nhập khẩu cá ngừ chế biến và đóng hộp lớn thứ 10 trong khối EU tính đến năm 2019. Tuy nhiên, do các sản phẩm của Việt Nam khi xuất sang thị trường Ba Lan phải chịu thuế cao 20,5% nên không thể cạnh tranh nổi với Philippines và Ecuador. Như vậy, có thể thấy thuế quan đang là nguyên nhân khiến cho các sản phẩm cá ngừ đóng hộp của Việt Nam kém ưu thế tại thị trường EU.

Do vậy, khi hiệp định EVFTA có hiệu lực vào tháng 8 tới đây, được dự báo sẽ mang đến nhiều cơ hội cho ngành cá ngừ Việt Nam. EU sẽ xóa bỏ thuế quan cho các sản phẩm cá ngừ tươi sống và đông lạnh (trừ thăn/fillet cá ngừ đông lạnh mã HS0304) ngay khi hiệp định có hiệu lực. Đối với các sản phẩm thăn/fillet cá ngừ đông lạnh mã HS030487, EU sẽ xóa bỏ thuế quan cho Việt Nam theo lộ trình 3 năm, từ mức thuế cơ bản 18%, ngay khi hiệp định có hiệu lực. Riêng đối với các sản phẩm cá ngừ chế biến đóng hộp (như cá ngừ ngâm dầu đóng hộp, đóng túi, các sản phẩm cá thuộc họ cá ngừ đóng hộp…), EU sẽ miễn thuế cho Việt Nam trong mức hạn ngạch 11.500 tấn/năm.

Tuy nhiên, xuất khẩu cá ngừ không chỉ là bức tranh màu hồng. Thị trường cá ngừ luôn có sự cạnh tranh quyết liệt. Tại thị trường Nhật Bản, cá ngừ Việt Nam phải cạnh tranh với sản phẩm từ Thái Lan, Trung Quốc, Indonesia, Philippines… Nhập khẩu cá ngừ Nhật Bản trong 3 tháng đầu năm 2020 đạt gần 69.000 tấn, trị giá hơn 437 triệu USD, tăng 12% về khối lượng nhưng lại  giảm 11% về giá trị so cùng kỳ năm 2019.

Vấn đề xuất khẩu cá ngừ nói riêng và các sản phẩm hải sản nói chung vào EU cũng bị ảnh hưởng vì “thẻ vàng”. Sau 2 năm EC cảnh báo “thẻ vàng” xuất khẩu hải sản sang thị trường này đã giảm 6,5%, còn gần 390 triệu USD trong năm 2018 và gần 372 triệu USD trong năm 2019 (giảm 5% so năm 2018).