Trang chủ Nhà Nông Xanh Tin nông nghiệp Bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò nguy cơ lây lan...

Bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò nguy cơ lây lan nhanh

Bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam từ tháng 10/2020 và đến nay, bệnh đã bắt đầu gây những thiệt hại ban đầu cho ngành chăn nuôi gia súc của nước ta. Theo Cục Thú y, dịch bệnh này có nguy cơ rất cao tiếp tục lây lan nhanh, ở phạm vi rộng trong thời gian tới.

Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết, từ tháng 10/2020, bệnh viêm da nổi cục (VDNC) trên trâu, bò lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam và đến nay đã xảy ra 184 ổ dịch tại 163 xã thuộc 65 huyện của 18 tỉnh, thành phố với tổng số gia súc mắc bệnh 2.240 con, 267 con chết và tiêu hủy.

Tính riêng trong 2 tháng đầu năm 2021, đã xảy ra 81 ổ dịch thuộc 38 huyện của 15 tỉnh. Tổng số trâu, bò mắc bệnh là 805 con, trong đó đã tiêu hủy 63 con.

Hiện nay, cả nước có 42 ổ dịch tại 17 huyện của 8 tỉnh. Tổng số gia súc mắc bệnh là 771 con, số gia súc đã tiêu hủy là 39 con. Nặng nhất hiện nay là tỉnh Hà Tĩnh có 27 ổ dịch và 464 con gia súc mắc bệnh.

 Cục Thú y phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hà Giang tiến hành tiêm thử nghiệm vắc xin phòng bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò (Ảnh: TTXVN)

Trước thực trạng này, Bộ NN&PTNT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình dịch bệnh. Trong đó, đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, cấp kinh phí hỗ trợ các địa phương phòng, chống dịch bệnh, bao gồm kinh phí mua 3 triệu liều vắc xin VDNC để chống dịch.

Triển khai công tác này, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo nhập khẩu khẩn cấp 50 nghìn liều vắc xin để thí điểm tiêm phòng, chống dịch tại 8 tỉnh (Sơn La, Hà Giang, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Hòa Bình, Ninh Bình, Hà Tĩnh và Quảng Trị) và một số trại bò sữa.

Theo báo cáo của các địa phương, hiện đã tổ chức tiêm phòng được 27.226 con trâu, bò; gia súc đã được tiêm phòng không mắc bệnh VDNC. Đồng thời, trâu, bò được tiêm vắc xin Lumpyvac của Thổ Nhĩ Kỳ sau 28 ngày đã có kháng thể kháng vi rút VDNC. Tuy nhiên, theo Cục Thú y, việc triển khai phòng bệnh hiện nay còn gặp khó khăn do số lượng vắc xin ít nên không triển khai tiêm phòng được trên địa bàn rộng. Số lượng trâu, bò được tiêm thấp so với tổng đàn tại các địa bàn có nguy cơ cao.

Cũng theo Cục Thú y, triển khai công tác phòng bệnh VDNC, Bộ NN&PTNT đã ban hành Công văn số 8169/BNN-TY gửi Bộ Khoa học và Công nghệ về việc bố trí nguồn lực và Đề tài cấp nhà nước nghiên cứu, sản xuất vắc xin phòng bệnh VDNC trên trâu, bò và chỉ đạo doanh nghiệp có tiềm năng, kinh nghiệm để tổ chức nghiên cứu vắc xin VDNC.

Nhận định về tình hình dịch bệnh trong thời gian tới, Cục Thú y cho rằng, nguy cơ dịch bệnh VDNC tiếp tục lây lan nhanh, ở phạm vi rộng là rất cao do một số địa phương chưa triển khai quyết liệt, đồng bộ việc xử lý dứt điểm, tiêu hủy gia súc khi mới xuất hiện dịch bệnh. Bên cạnh đó, dịch bệnh có khả năng lây lan cao bởi các yếu tố như: chăn thả trâu, bò trên các cánh đồng, bãi chăn thả chung còn khá phổ biến; nhu cầu vận chuyển, giết mổ trâu, bò gia tăng mạnh; tình hình thời tiết cực đoan; điều kiện các hộ chăn nuôi, nhất là tại các tỉnh miền núi còn hạn chế, gặp nhiều khó khăn khi áp dụng các biện pháp phòng bệnh,.

Tổng đài 19001595