Kiên Giang thả nuôi tôm nước lợ hơn 84.277 ha

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, sản xuất vụ nuôi tôm nước lợ năm 2023, đến trung tuần tháng 02 này, tỉnh đã thả giống nuôi trên diện tích hơn 84.277 ha, đạt 61,3% kế hoạch, với các mô hình nuôi tôm công nghiệp, quảng canh – quảng canh cải tiến và tôm – lúa.

Theo đó, sản lượng thu hoạch đến nay hơn 8.368 tấn tôm, bằng 6,94% kế hoạch. Hiện, tôm sú kích cỡ 30 con/kg tại Kiên Giang giá 190.000 – 195.000 đồng/kg, tôm thẻ kích cỡ 100 con/kg giá 90.000 – 95.000 đồng/kg, mức giá này tăng so với cùng kỳ năm 2022, người nuôi tôm yên tâm sản xuất.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang Quảng Trọng Thao cho biết: Để nuôi tôm nước lợ năm 2023 an toàn, hiệu quả, đạt và vượt kế hoạch, Sở yêu cầu các huyện, thành phố căn cứ vào khung lịch thời vụ toàn tỉnh đã ban hành, xây dựng lịch thả tôm nước lợ phù hợp với điều kiện sản xuất tại địa phương, khuyến cáo, vận động nông dân tuân thủ trong thả tôm nuôi để hạn chế dịch bệnh phát sinh gây hại và các yếu tố môi trường tác động bất lợi có thể xảy ra. Tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ vùng nuôi kết hợp với cập nhật thông tin kết quả quan trắc môi trường nước và cảnh báo dịch bệnh trên thủy sản của cơ quan chuyên môn, kịp thời thông báo đến người nuôi tôm để chủ động ứng phó.

Tiếp đến, các cơ quan chuyên môn phối hợp với huyện, thành phố tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, ương dưỡng con giống, thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Vận động, khuyến khích người nuôi tôm tham gia, hình thành các tổ liên kết sản xuất như tổ hợp tác, hợp tác xã… để tiết kiệm chi phí, hỗ trợ nhau về vốn, tiêu thụ sản phẩm, trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi, quản lý và bảo vệ môi trường…

Mặt khác, các cơ quan chuyên môn tổ chức tọa đàm, tập huấn nuôi tôm, chủ động khảo sát tình hình nuôi tôm tại các địa phương để kịp thời cùng nông dân tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong vụ nuôi tôm. Các đơn vị chức năng có liên quan tăng cường công tác kiểm tra con giống nhập tỉnh và lưu thông trên thị trường, kịp thời ngăn chặn, xử lý con giống kém chất lượng. Thực hiện tốt công tác quan trắc, cảnh báo môi trường nước vùng nuôi tôm để kịp thời ứng phó khi môi trường diễn biến bất lợi, thu mẫu giám sát dịch bệnh chủ động đối với các bệnh nguy hiểm, bệnh mới xuất hiện trên tôm nuôi, nhằm ngăn chặn dịch bệnh phát sinh lây lan trên diện rộng. Hướng dẫn nông dân phương pháp phòng, trị bệnh cho tôm nuôi và chủ động dập dịch, không chế không để lây lan.

Ngoài ra, cơ quan chuyên môn phối hợp với các địa phương hướng dẫn nông dân phương pháp cải tạo ao, ruộng nuôi, xử lý môi trường nước, lựa chọn con giống chất lượng tốt và ương dưỡng con giống trước khi thả ra ruộng nuôi thương phẩm. Khuyến cáo người nuôi áp dụng các giải pháp kỹ thuật để giảm thiểu tác động bất lợi của thời tiết đến hoạt động sản xuất nuôi tôm, kiểm soát tốt các yếu tố môi trường trong ao, ruộng nuôi, duy trì mực nước trong ao, ruộng nuôi thích hợp. Chuyển giao khoa học kỹ thuật, nhân rộng các mô hình nuôi tôm 2 hoặc 3 giai đoạn, nuôi tuần hoàn khép kín, nuôi tôm an toàn sinh học và áp dụng công nghệ cao nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm tôm nuôi. Cơ quan chuyên môn hướng dẫn tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết từ con giống, vật tư đầu vào, nuôi thương phẩm đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm, nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, phù hợp với từng vùng sinh thái trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, theo Chi cục thủy sản Kiên Giang, hiện nay, khu vực sông Cái Lớn thuộc các xã Hưng Yên, Đông Yên (An Biên), Thới Quản, Thủy Liễu (Gò Quao), Thạnh Yên A, Thạnh Yên, Hòa Chánh (U Minh Thượng), Vĩnh Bình Nam, Vĩnh Bình Bắc, Phong Đông (Vĩnh Thuận), tỷ lệ thả giống tôm nước lợ thấp, khoảng 10% hộ nuôi tôm do nước chưa có độ mặn thích hợp. Qua khảo sát, độ mặn khu vực này dao động từ 0 – 3‰, chưa phù hợp cấp nước vào ao nuôi nên nông dân chờ nguồn nước phù hợp để đưa vào ao và thả con giống.

Chi cục thủy lợi Kiên Giang tăng cường công tác quản lý hệ thống công trình thủy lợi nhằm chủ động cấp nước, điều tiết nước ở các vùng nuôi trồng thủy sản trọng điểm tập trung trên địa bàn. Riêng khu vực sông Cái Lớn phối hợp chặt chẽ với các địa phương và Công ty TNHH MTV Thủy lợi miền Nam có kế hoạch vận hành đóng, mở cống Cái Lớn, Cái Bé theo quy trình, phù hợp với tình hình thực tế. Khuyến cáo nông dân chủ động máy bơm nước đầu nguồn cấp để kịp thời cấp nước vào ao, ruộng nuôi khi có độ mặn phù hợp để thả tôm giống…