Xuất khẩu thủy sản vượt khó thành công

Tác động của dịch bệnh Covid-19 cùng với “bão giá” ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động xuất khẩu thủy sản năm 2022. Ðể vượt qua khó khăn, các DN trong lĩnh vực chế biến và xuất khẩu thủy sản trên địa bàn tỉnh Bình Định vừa duy trì sản xuất vừa linh động tìm kiếm thị trường, cơ hội hợp tác để phát triển.

Toàn tỉnh hiện có 7 DN chế biến thủy sản xuất khẩu, gồm: Công ty CP Thủy sản Bình Định, Công ty CP Thực phẩm xuất nhập khẩu Lam Sơn, Công ty CP Đông lạnh Quy Nhơn, Công ty CP Thủy sản Hoài Nhơn, Công ty TNHH Mãi Tín Bình Định, Công ty Thành Thái và Công ty Thủy sản An Hải; với tổng công suất khoảng 17.000 tấn/năm, chủ yếu là cá, tôm đông lạnh…

Đến nay, hàng thủy sản của Bình Định xuất khẩu tới 46 thị trường như EU, Hàn Quốc, Hồng Kông, Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ và Trung Mỹ, trong đó Mỹ vẫn là thị trường chủ lực. Tính đến hết tháng 11.2022, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 155,7 triệu USD, tăng gần 68% so với cùng kỳ năm 2021, chiếm 10,7% trong cơ cấu kim ngạch xuất khẩu của toàn tỉnh. Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, hoạt động xuất khẩu thủy sản vượt khó thành công và duy trì được tăng trưởng.

Là một trong những DN xuất khẩu thủy sản lớn trong tỉnh, để vượt qua khó khăn, duy trì ổn định, đảm bảo tăng trưởng, Công ty CP Thủy sản Bình Định linh hoạt tìm kiếm thị trường mới, đa dạng sản phẩm. Năm 2022, Công ty đặt mục tiêu xuất khẩu 100 triệu USD. Đến hết tháng 11.2022, DN xuất khẩu vượt mức 130 triệu USD. Bà Cao Thị Kim Lan, Giám đốc Công ty CP Thủy sản Bình Định, cho hay: “Trước đây, thị trường châu Âu chiếm tỷ trọng rất cao trong doanh số xuất khẩu của chúng tôi, trong đó có thị trường Đức. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của “thẻ vàng” thủy sản của Ủy ban châu Âu (EC), chúng tôi chuyển sang khai thác thêm nhiều thị trường xuất khẩu khác để giảm thiểu rủi ro. Hiện tại, Công ty sản xuất đa dạng các mặt hàng từ cá ngừ đại dương phi lê đến cá ngừ đóng hộp để đáp ứng nhu cầu của thị trường”.

Theo bà Lan, không riêng gì EU, mà sắp tới đây nhiều khả năng các thị trường Mỹ, Nhật cũng sẽ áp dụng “IUU” với thủy sản Việt Nam. Đây là một thách thức rất lớn với hoạt động xuất khẩu thủy sản của DN Bình Định nói riêng và cả nước nói chung. Vì thế, cùng với việc nỗ lực tìm kiếm thị trường, các DN xuất khẩu thủy sản rất cần sự can thiệp quyết liệt hơn ở cấp Chính phủ, bởi theo thống kê của Tổng cục Hải quan, cùng với EU, đây cũng là những thị trường có giá trị xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam.

Tương tự, ông Bành Quang Hạ, Giám đốc Công ty CP Đông lạnh Quy Nhơn, chia sẻ: Nhìn chung năm 2022, hoạt động xuất khẩu thủy sản gặp khó khăn nhiều mặt (do ảnh hưởng của dịch bệnh, các thị trường chính thắt chặt chi tiêu). Trong bối cảnh đó, Công ty chịu ít nhiều ảnh hưởng, tuy nhiên đến nay hoạt động của đơn vị vẫn duy trì ổn định, các mặt hàng chủ lực là tôm các loại được chế biến theo yêu cầu (công suất 1.000 tấn/năm) xuất sang thị trường Hàn Quốc, Philipines và châu Âu. Đặc biệt, sau Hiệp định Thương mại Liên minh châu Âu – Việt Nam (EVFTA), những ưu đãi về thuế suất đối với tôm là một lợi thể để Công ty duy trì đơn hàng ổn định, nhờ đó đảm bảo đời sống cho 150 nhân công đang làm việc.

Tháng 6.2022, Công ty TNHH Mãi Tín Bình Định đưa vào hoạt động thêm một dây chuyền sản xuất, tăng sản lượng lên 1,5 lần, doanh thu nhờ vậy tăng lên. Không nằm ngoài tác động chung của thị trường, song với dự báo năm 2023 có nhiều khởi sắc, Công ty tiếp tục đầu tư phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, trong đó tiếp tục duy trì các mặt hàng thủy sản xuất khẩu cao cấp phục vụ nhu cầu tiêu dùng thực phẩm sashimi; tăng gia công thực phẩm đóng gói… Đồng thời, Công ty tích cực phối hợp với Sở NN&PTNT triển khai dự án liên kết và tiêu thụ sản phẩm cá ngừ đại dương Bình Định. Đây là dự án kỳ vọng nâng cao phẩm cấp cá ngừ đại dương, nâng cao hiệu quả kinh tế cho ngư dân Bình Định.

Ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết, xuất khẩu thủy sản chiếm tỷ trọng lớn trong tăng trưởng của ngành nông nghiệp. Ngành thủy sản Bình Định tái cơ cấu hoạt động với việc nâng cao giá trị sản phẩm khai thác và nuôi trồng để phục vụ các DN chế biến thủy sản xuất khẩu trên địa bàn tỉnh. Trong đó, với thủy sản nuôi, tập trung vào hệ sinh thái ngành tôm với chuỗi liên kết nuôi tôm an toàn, được cấp đầy đủ chứng nhận cơ sở nuôi trồng đủ tiêu chuẩn. Với khai thác, cơ cấu lại đội tàu, đầu tư nâng cấp thiết bị, công nghệ để nâng cao phẩm cấp sản phẩm khai thác, phục vụ cho chế biến và xuất khẩu.