Sạ cụm – bón vùi phân: Cặp đôi hoàn hảo trong canh tác lúa

Sạ cụm có nhiều lợi thế hơn hẳn so với sạ lan, đồng thời nếu kết hợp sạ cụm với bón vùi phân cùng lúc với gieo sạ thì các lợi thế trên sẽ được khai thác triệt để, đem đến kết quả vượt trội so với các hình thức xuống giống khác.

sa-cum1
Nâng cao hiệu quả trồng lúa nhờ sạ cụm. 

Sạ cụm hay còn gọi là sạ khóm, sạ định vị hay cấy bằng hạt giống là giải pháp xuống giống đang được người nông dân trong cả nước quan tâm, nhất là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long do tính hiệu quả vượt trội của giải pháp này.

Về mặt chuyên môn, ruộng lúa sạ theo cụm như ruộng lúa cấy, nhưng về mặt hiệu quả kinh tế thì ruộng lúa sạ theo cụm vượt trội hơn hẳn ruộng lúa cấy do bỏ qua được công đoạn gieo mạ khá phức tạp, giảm được chi phí gieo cấy quá cao. Cũng giống như ruộng lúa cấy, bên cạnh các lợi ích khác, ruộng lúa sạ theo cụm phần nào phát huy được ưu thế của giải pháp canh tác lúa theo hiệu ứng hàng biên nên giúp ruộng lúa sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất cao.

Ruộng sạ cụm chỉ sử dụng lượng giống tối thiểu (từ 40 – 60 kg/ha); từ đó giúp giảm được lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sử dụng, giảm phát thải, giảm ô nhiểm môi trường, giảm đổ ngã, đồng thời tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế trong sản xuất lúa…

Các lợi thế trên bắt nguồn từ việc sử dụng lượng hạt giống tối thiểu trong gieo sạ, và quan trọng hơn là không chỉ giảm giống mà thông qua thiết kế “hộp đen” của thiết bị sạ cụm, hạt giống được phân bố đều trên mặt ruộng theo hàng, theo cụm như ruộng cấy; qua đó giúp ruộng lúa tiếp cận và phát huy được lợi thế của hiệu ứng hàng biên cho sinh trưởng, phát triển mà các hình thức gieo sạ khác không đáp ứng được.

Đồng thời, nếu sạ cụm kết hợp được với giải pháp bón vùi phân cùng lúc với gieo sạ thì sẽ khai thác triệt để hơn các lợi thế của sạ cụm, đồng thời cộng hưởng thêm các lợi thế sau:

– Giảm thất thoát phân bón, đặc biệt là phân đạm do bốc hơi hoặc trôi theo dòng nước nếu nước tràn mặt ruộng và qua đó cũng giảm ô nhiểm môi trường;

– Kích thích rễ lúa ăn sâu, giúp hạn chế lúa đổ, ngã, nhất là ở vụ hè thu và thu đông, đồng thời tăng khả năng chịu hạn cho ruộng lúa nếu gặp hạn, mặn cuối vụ (đông xuân);

– Phân được vùi kề sát khóm lúa, giúp khóm lúa tiếp cận với phân và lấy phân dễ dàng, hạn chế việc mất phân cho cỏ dại chung quanh, từ đó giúp nâng cao được hiệu suất sử dụng phân bón;

– Tiết kiệm được chi phí công lao động do giảm số lần bón phân.

– Đặc biệt, bón vùi phân đồng thời cùng lúc với gieo sạ sẽ cung cấp khoáng chất dinh dưỡng cho cây lúa kịp thời ngay từ những ngày đầu sau sạ, đảm bảo nhu cầu khoáng của cây lúa, giúp cây lúa sung sức, đẻ chồi sớm, đẻ chồi tập trung, là yêu cầu cấp thiết cho ruộng lúa sạ cụm, sạ thưa, nhằm đảm bảo số chồi, số bông/ mcho năng suất tối đa.

Với những lợi thế trên, giải pháp bón vùi phân có thể giúp giảm lượng phân bón 20 – 30% so với quy trình bón phân vãi trên mặt ruộng nhiều lần như cách làm lâu nay.

Các lợi thế trên đã được nhiều thực nghiệm trên thế giới ghi nhận (Zhou và ctv, 2019: Liu và ctv, 2017).

Năm 2020, Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long cũng đã chứng minh thông qua thực hiện nhiệm vụ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao trong khuôn khổ của dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) giai đoạn 2, năm 2020: “Hoàn thiện quy trình kỹ thuật canh tác lúa bằng máy cấy kết hợp bón phân trong sản xuất lúa bền vững tại Đồng bằng sông Cửu Long”.

Theo đó, kết quả thực hiện cho thấy: cơ giới hóa bằng máy cấy kết hợp vùi phân đã làm gia tăng hiệu quả kinh tế một cách thực sự do giảm lượng phân bón, công lao động bón phân, chi phí thuốc bảo vệ thực vật và tăng năng suất lúa, từ đó gia tăng hiệu quả kinh tế. Cụ thể giảm lượng phân bón 10 – 20N, tăng hiệu quả kinh tế hơn 6,0 triệu đồng/ha trong vụ Đông Xuân và hơn 3,2 – 4,0 triệu đồng/ha trong vụ hè thu so với cấy máy bón phân thông thường (bón vãi 3 – 4 lần).

Có thể nói, sạ cụm kết hợp bón vùi phân và bón tập trung giai đoạn đầu là kỹ thuật hiệu quả cần được khuyến cáo nhân rộng trong sản xuất để thay thế dần phương pháp sạ lan và bón phân theo phương pháp vãi trên mặt ruộng nhiều lần như lâu nay. Bón vùi sâu phân bón, đặc biệt phân đạm là biện pháp hiệu quả để giảm sự bốc hơi phân bón, giảm mất đi thành phần dinh dưỡng, gia tăng hấp thụ phân bón, tăng hiệu suất sử dụng phân bón của cây trồng. Bên cạnh đó, việc lựa chọn những chủng loại phân ngoài việc cung cấp dinh dinh dưỡng cho cây trồng còn giúp cải tạo đất, giúp cây trồng có cơ chế thu nhận thêm dinh dưỡng từ đất cần được ưu tiên.

Như vậy, sạ cụm kết hợp vùi phân giúp giảm số lần bón phân (1 – 2 lần/vụ); phân được vùi sâu trong đất đảm bảo cung cấp đủ cho cây lúa trong suốt quá trình sinh trưởng và phát triển, cây lúa hấp thu phân hiệu quả hơn, giảm lượng phân bón thất thoát do bốc hơi, hoặc thải ra nguồn nước, gây ô nhiễm môi trường.