Rau quả Việt tất bật khai mở thị trường mới

Ngành hàng rau quả của Việt Nam được dự báo tiếp tục lập đỉnh mới, có thể vượt qua con số 6 tỷ USD, thậm chí sẽ tiến tới mốc 7 tỷ USD, từ đó là động lực để đưa Việt Nam trở thành “cường quốc” xuất khẩu rau quả.

Những tín hiệu vui ngày đầu năm

Năm 2024, xuất khẩu rau quả của Việt Nam được dự báo tiếp tục lập đỉnh mới khi có thể vượt qua con số 6 tỷ USD, thậm chí sẽ tiến tới mốc 7 tỷ USD.

Hoạt động xuất khẩu rau quả mở màn đầu năm 2024 bằng những tín hiệu vui khi các doanh nghiệp liên tiếp nhận những đơn hàng xuất khẩu.

1
Phân loại bưởi da xanh ở Bến Tre trước khi đưa đi tiêu thụ.

Mới đây, UBND huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang phối hợp với các sở ngành, Hợp tác xã Cù Lao Giêng và Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T công bố xuất khẩu lô xoài tượng da xanh VietGAP đầu tiên đi thị trường Australia, Mỹ. Đây là lô xoài đã được cấp mã số vùng trồng, đợt này thị trường Australia nhập 6 tấn và Mỹ 1 tấn.

Ông Nguyễn Đình Tùng – Tổng giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T Group cho biết, việc xuất khẩu lô xoài tượng da xanh sang thị trường Australia và Mỹ bước đầu khẳng định vị thế trái xoài tượng của An Giang chinh phục thị trường khó tính. Đây là cơ hội lớn giúp thúc đẩy hình ảnh, uy tín của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế. Hiện nay, doanh nghiệp cũng đang có định hướng mở rộng thêm thị trường, để tiếp tục đưa trái xoài sang nhiều nước hơn.

Cũng theo ông Tùng, do xuất khẩu trái cây tươi nên đơn hàng của doanh nghiệp có hàng quanh năm. Năm 2023, doanh nghiệp có thêm thị trường mới như trái bưởi tại thị trường Mỹ, New Zealand. Thị trường Mỹ cũng mở cửa trở lại cho trái dừa tươi. Đặc biệt, Việt Nam ký Nghị định thư với Trung Quốc đối với trái sầu riêng giúp kim ngạch xuất khẩu sầu riêng sang thị trường này tăng trưởng vượt bậc. Do đó, năm 2023, doanh nghiệp tăng trưởng tới 40% so với năm 2022. Với những tín hiệu tích cực ngay từ đầu năm, dự kiến năm 2024, tăng trưởng doanh thu sẽ tiếp tục tăng trưởng 20% so với năm 2023.

Tương tự, Công ty TNHH XNK trái cây Mekong những ngày đầu năm mới cũng đang tất bật để chuẩn bị đáp ứng các đơn hàng. Ông Bùi Dương Thuật, Giám đốc công ty cho biết, đơn hàng của doanh nghiệp ở thị trường Mỹ, châu Âu, Australia khá ổn định. Từ tháng 8/2023 đến nay đã xuất khẩu được gần 40 container dừa sang thị trường Mỹ, sản phẩm bán khá tốt. Sản phẩm chất lượng, đáp ứng được tiêu chuẩn của thị trường nhập nên đơn hàng ổn định trong năm 2024. Hiện, mỗi tuần doanh nghiệp xuất trung bình 4-5 container dừa đi các thị trường.

Nhận định về triển vọng của thị trường Trung Quốc, ông Thuật cho biết, doanh nghiệp đang chờ mong Trung Quốc ký nghị định thư cho dừa. Năm 2024 nếu nghị định thư được ký thì kim ngạch xuất khẩu dừa tươi sang thị trường Trung Quốc sẽ tăng trưởng khả quan.

Mới đây, UBND huyện Cao Phong phối hợp với Sở NN-PTNT tỉnh Hoà Bình cùng các doanh nghiệp tổ chức lễ xuất khẩu chuyến cam Cao Phong đầu tiên sang thị trường Anh.

Trước đó, cam Cao Phong được gửi đi phân tích. Kết quả cho thấy, toàn bộ các mẫu thử nghiệm không phát hiện bất kỳ hoạt chất nào trong danh mục 900 hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật bắt buộc phải phân tích theo tiêu chuẩn châu Âu.

Mở cửa được thị trường Anh là dấu mốc quan trọng sau 40 năm một lần nữa cam Cao Phong vươn ra thế giới, đồng thời chứng minh sản phẩm cam Cao Phong đã đủ điều kiện để xuất khẩu sang nhiều thị trường cao cấp.

Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam – ông Đặng Phúc Nguyên cho rằng, chất lượng rau quả Việt Nam đã có sự chuyển dịch lớn, bảo đảm các tiêu chí vào nhiều thị trường. Bên cạnh đó, sự đa dạng trong sản phẩm với nhiều mặt hàng trái cây được thị trường thế giới ưa chuộng.

Tiến tới mốc 7 tỷ USD

2
Xuất khẩu lô xoài tượng da xanh đầu tiên của huyện Chợ Mới sang thị trường Úc và Mỹ.

Trong năm 2024, với góc nhìn lạc quan hiện nay, ngành hàng rau quả của Việt Nam được dự báo tiếp tục lập đỉnh mới, có thể vượt qua con số 6 tỷ USD, thậm chí sẽ tiến tới mốc 7 tỷ USD, từ đó là động lực để đưa Việt Nam trở thành “cường quốc” xuất khẩu rau quả.

Hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang thực hiện nhiều hoạt động để thúc đẩy sự phát triển của ngành rau quả Việt Nam trong năm 2024.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy mạnh đàm phán để quả ớt và dừa tươi của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.

Cùng với sầu riêng đông lạnh của Việt Nam có thể sẽ được phép xuất khẩu vào nước này thì kim ngạch xuất khẩu rau quả năm 2024 được dự báo sẽ tăng lên đáng kể.

Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cho biết dự kiến thời gian tới có thêm 4 sản phẩm được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, bao gồm: dược liệu, dừa, hoa quả đông lạnh và dưa hấu.

Theo Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Ameii Việt Nam ông Nguyễn Khắc Tiến, qua khảo sát thị trường Trung Quốc, người tiêu dùng đang rất ưa chuộng các dòng sản phẩm sầu riêng chế biến. Đây là lợi thế cho rau quả Việt Nam sản xuất thêm dòng sản phẩm giá trị gia tăng từ sầu riêng, cũng là hướng đi Công ty Ameii định hình để phát triển trong năm nay về ngành rau quả.

Trái dưa hấu Việt Nam có thêm tin vui từ Nghị định thư chấp nhận nhập khẩu của thị trường Trung Quốc.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho rằng khi Nghị định thư mở ra, xuất khẩu dưa hấu có thể tăng gấp đôi, đạt 100 triệu USD vào năm tới.

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là việc kiểm tra hàng hóa tại cửa khẩu sẽ nhanh chóng hơn nhiều.

Hải quan Trung Quốc sẽ giảm tần suất lấy mẫu kiểm tra chỉ còn 2-3% nên sẽ không còn cảnh dưa hấu bị ùn tắc khi bước vào cao điểm như lễ Tết mọi năm.

Đặc biệt, giá xuất khẩu mặt hàng này cũng sẽ ổn định hơn, giúp người dân trồng dưa tăng thu nhập.

Bên cạnh những kết quả đạt được và nhiều cơ hội đang mở ra cho ngành rau quả Việt Nam, ngành cũng phải tuân thủ các yêu cầu về an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng và đảm bảo uy tín của rau quả Việt Nam như lưu ý về chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, mã vùng trồng, cơ sở đóng gói… theo quy định của các Nghị định thư đã ký kết. Bởi, là loại rau quả nào, mục đích cuối cùng vẫn là tiêu thụ sản phẩm nông sản cho nông dân.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị để có thể làm ăn lâu dài, gây dựng thương hiệu tốt, các doanh nghiệp cần phải tuân thủ luật chơi, đảm bảo chất lượng tốt ở tất cả thị trường.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội rau quả cho rằng, chất lượng rau quả Việt Nam đã có sự chuyển dịch lớn, bảo đảm các tiêu chí vào nhiều thị trường. Bên cạnh đó, sự đa dạng trong sản phẩm với nhiều mặt hàng trái cây được thị trường thế giới ưa chuộng.

Việc Việt Nam đã ký kết nhiều Nghị định thư xuất khẩu vào các thị trường, đặc biệt là thị trường Trung Quốc là bước đệm để ngành rau quả tăng tốc trong xuất khẩu, ông khẳng định.

Ông Nguyễn Như Cường – Cục trưởng Cục Trồng Trọt (Bộ NN-PTNT) thông tin, diện tích rau củ và cây ăn quả của nước ta ổn định. Theo đó, nước ta hoàn toàn đảm bảo chủ động sản xuất và xuất khẩu.

“Sầu riêng là trái cây chủ lực, bưởi và dừa nếu đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch sang Mỹ thì đây sẽ đột phá, giúp kim ngạch xuất khẩu ngành rau quả tăng mạnh”, ông Cường nhận định.

Theo ông Nguyễn Khắc Tiến, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Ameii Việt Nam, 2023 là năm khởi động với xuất khẩu rau quả Việt Nam. Bởi Việt Nam còn nhiều tiềm năng với nhiều sản phẩm đang chờ được mở cửa thị trường.