Liên kết vì sự phát triển bền vững của ngành tôm

Trung tâm Thuỷ sản có trách nhiệm (TCRS) vừa phối hợp với Trung tâm xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp Cà Mau tổ chức hội nghị kết nối, gặp gỡ giữa các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản của tỉnh với các nhà mua, chuyên gia đến từ nhiều quốc gia.

Tôm là mặt hàng chủ lực của tỉnh Cà Mau. Sản phẩm thủy sản của tỉnh có mặt trên 60 quốc gia, vùng lãnh thổ. Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của tôm Cà Mau đạt gần 1 tỷ USD (chiếm 23,3% cả nước).

Thay mặt lãnh đạo tỉnh Cà Mau, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử gửi lời cảm ơn và trân trọng sự quan tâm, tình cảm của Ban tổ chức, các đại biểu đã dành cho tỉnh.

 Liên kết vì sự phát triển bền vững của ngành tôm - Ảnh 1.
Đoàn đại biểu tham quan dây chuyền sản xuất Công ty Cổ phần Kinh doanh Chế biến Thủy sản Quốc Việt. Ảnh: An An

“Tỉnh Cà Mau có tiềm năng và thế mạnh về nuôi tôm và chế biến xuất khẩu. Nhiều vùng nuôi tôm đã đạt chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng quốc tế; hầu hết các nhà máy chế biến có thiết bị, công nghệ đạt chuẩn quốc tế. Đến nay, các sản phẩm thủy sản của tỉnh đã có mặt trên 60 quốc gia và vùng lãnh thổ”, ông Sử cho biết.

Cũng theo ông Sử, tỉnh mong muốn liên kết chặt chẽ với các cộng đồng doanh nghiệp liên quan xây dựng chuỗi ngành tôm từ cung ứng đầu vào đến phân phối sản phẩm đầu ra. “Chúng tôi cũng mong muốn quý đại biểu sẽ là cầu nối, giới thiệu vùng đất, con người, doanh nghiệp, sản phẩm của chúng tôi đến với bạn bè, người thân và đối tác trong thời gian tới”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau chia sẻ.

 Liên kết vì sự phát triển bền vững của ngành tôm - Ảnh 2.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử phát biểu chào mừng Hội nghị. Ảnh: An An

Tại hội nghị, tiến sĩ George Chamberlain, Chủ tịch Trung tâm thuỷ sản có trách nhiệm cho biết: “Bản thân cảm thấy rất thú vị khi được nghe các nhà sản xuất của Cà Mau nói về sản phẩm của họ. Chúng tôi thấy rằng đây là lúc chúng ta phải hợp tác cùng nhau, đưa ra những hành động cụ thể và cải thiện những điều còn hạn chế dựa trên những điều chúng ta xem xét, đánh giá”.

“Cà Mau đang có hệ thống nuôi và chế biến tôm rất chặt chẽ. Chúng tôi cũng đang học hỏi quy trình bảo quản con tôm của các bạn. Chúng tôi thấy rằng các bạn đang rất nghiêm túc với kiểu nuôi tôm dưới tán rừng ngập mặn, ít tác động môi trường. Với hình thức này, con tôm có giá trị cao, mẫu mã đẹp hơn, đó những giá trị lớn mà mô hình mang lại xã hội”, ông George Chamberlain nhận định.

Tại hội nghị, các doanh nghiệp và ngành chức năng tỉnh mong muốn được liên kết nhiều hơn với các nhà mua, vì sự phát triển bền vững của ngành tôm.

Lãnh đạo tỉnh Cà Mau cho biết sau hội nghị, tỉnh sẽ tạo một website và sẽ đăng tải tất cả hình ảnh của chuyến tham quan lần này; đồng thời cung cấp thông tin của các doanh nghiệp thuỷ sản trên địa bàn tỉnh để các đối tác tìm hiểu nhau và tiến tới hợp tác trong thời gian tới.

Trước đó, trong ngày hôm qua và sáng nay, các chuyên gia, đại diện doanh nghiệp đến từ 17 quốc gia đã đến tham quan mô hình nuôi tôm dưới tán rừng ở huyện Ngọc Hiển và các nhà máy chế biến của doanh nghiệp thủy sản Cà Mau.