Trang chủ Nhà Nông Xanh Tin nông nghiệp Lão “gàn” nặng lòng với các giống lúa mới

Lão “gàn” nặng lòng với các giống lúa mới

Mặc cho cái nắng của miền Tây Nam Bộ như thiêu đốt, hàng ngày, người ta vẫn thấy một lão nông cặm cụi trên từng mẫu ruộng để nghiên cứu về cây lúa và đất.

Ông là Hoa Sĩ Hiền, ở xã Tân An (thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang)-người được nông dân yêu mến đặt cho cái tên “Nhà khoa học chân đất”. Hơn 15 năm tham gia lai tạo giống lúa, tên tuổi ông giờ đây “phủ đầy” trên các cánh đồng bằng các giống lúa được nông dân ưa chuộng. Thế nhưng, ông Hiền vẫn chưa hài lòng…

Nếm đất để phân tích thổ nhưỡng

Hơn chục năm nay, người dân An Giang và Kiên Giang đã quen thuộc với hình ảnh một lão nông đi trên chiếc xe máy “cà tàng”, xách theo hai ổ bánh mì, một cuốn sổ và bút đo độ mặn… rong ruổi ở mọi cánh đồng. Để nghiên cứu đặc tính đất, giống lúa nào phù hợp, có khi ông phải ở lại hàng tháng trời. Cũng bởi thế, để có được cuộc hẹn với ông, chúng tôi phải chạy xe xuống tận xã Nam Thái Sơn (Hòn Đất, Kiên Giang). Trên cánh đồng lúa đang dần chết khô, nét mặt và dáng người cằn cỗi của ông ba Hiền (cách gọi của người miền Tây) khó lẫn vào đâu được. Ngồi nghỉ chân trên cánh đồng “chết”, gương mặt buồn rầu, đôi mắt rưng rưng như muốn khóc, tay run rẩy cầm cục đất khô khốc lấy tại cánh đồng, ông Hiền trầm ngâm: “Nơi này vừa bị phèn, mặn và hạn tấn công cùng một lúc, cây lúa không cách nào sống nổi. 7 năm trước, tôi đã thử phương pháp điện phân, đẩy natri ra khỏi nước biển. Tuy nhiên, kết quả không như ý muốn, cực dương cho axit natri, cực âm cho ra bazơ, chẳng lấy ra được chút nước nào. Tôi ước gì thí nghiệm thành công, tôi hiến kế cho đất nước, dẫn nước biển qua hệ thống lọc, tách nước ngọt về cho những cánh đồng”.

Sinh ra và lớn lên ở vùng đất An Giang, quanh năm sống bằng nghề làm lúa nhưng đặc tính đất vùng biên giới vốn khô cằn nên nguồn lợi ông và gia đình thu về chẳng được bao nhiêu. Năm 2004, ông Hiền được tham gia lớp chuyển giao kỹ thuật, hướng dẫn nông dân kỹ thuật lai tạo giống lúa, trong thời gian 3 tháng. Lớp hơn 30 người, chỉ mình ông tiên phong sử dụng mấy công đất nhà để thử nghiệm lai tạo, góp phần xã hội hóa giống lúa cộng đồng. Dần dần, ông được tạo điều kiện học thêm nhiều khóa tập huấn nâng cao. Đã tiếp cận kiến thức khoa học, làm được nhiều chuyên đề, đề tài nghiên cứu khoa học, ông mạnh dạn thử nghiệm trên cây lúa hoang dại. Ông tìm gene tiềm ẩn của chúng về sức sống mãnh liệt, chống chịu sâu bệnh, thích ứng với môi trường, đồng thời loại bỏ khuyết điểm không cho năng suất của chúng. Những ưu điểm của loài hoang dại được chuyển vào cho cây lúa trồng. Vậy là giống TC2, TC4, TC6 ra đời, có khả năng chống rầy, chống đổ ngã, vượt trội hơn hẳn giống lúa đang được sử dụng phổ biến lúc bấy giờ. Mỗi vụ mùa, ông chắt chiu mấy tạ lúa giống trồng được, đưa bà con đem về trồng thử.

Lão "gàn" nặng lòng với các giống lúa mới

Ông Hiền miệt mài nghiên cứu giống lúa mới.

Đến năm 2009, tình cờ ông nghe trên các phương tiện thông tin rằng, thời gian tới, đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị xâm nhập mặn, biến đổi khí hậu khá nặng nề. Ông quyết tâm tìm cách lai tạo cho bằng được giống lúa chịu hạn mặn. Nghĩ là làm, ông nhờ người tìm lúa ở tận U Minh Thượng (Kiên Giang) đem về, theo dõi đặc điểm của nó, tiến hành lai tạo. Sau một thời gian kỳ công nghiên cứu, cuối cùng giống TC7 chịu được mặn cũng ra đời. Càng làm càng hăng say, ông tạo ra đủ giống lúa, với các đặc tính nổi trội khác nhau. Không biết bao nhiêu đêm, ông thức trắng, ngồi tỉ mẩn lựa từng hạt lúa, nâng niu chúng-nâng niu chính tâm huyết của mình. Trời không phụ lòng người, suốt 16 năm, ông đã lai tạo hơn 50 giống lúa có khả năng thích ứng và cho năng suất cao.

Nói về chuyện tên giống lúa, nhiều người thắc mắc: Vì sao 30 giống lúa đầu tiên, ông lại đặt tên TC (Tân Châu), mà không phải là SH (Sĩ Hiền) như 20 giống sau này? Ông giải thích rất đơn giản: “Khi làm ra được thành quả đầu tiên, tôi gửi chúng cho Trung tâm Khuyến nông tỉnh, lấy tên quê hương-nơi đầu tiên hỗ trợ tôi tập huấn, nghiên cứu khoa học-đặt cho chúng. Giữa các thời điểm chuyển giao đề án nông nghiệp, TC30 là dấu mốc chính thức kết thúc chuỗi giống TC. Từ đó về sau, tên của tôi mới gắn liền với giống lúa do mình tạo ra, bắt đầu từ SH31 đến SH50. Tôi mong muốn, bà con nào đã từng sản xuất các giống lúa TC, khi tiếp cận giống lúa SH, sẽ hiểu được chỉ cùng một tác giả lai tạo”.

Xuất phát điểm thấp, ông nghiên cứu lai tạo giống lúa bằng cảm tính và các giác quan của mình. Để tìm hiểu thực tế, ông đến nhiều cánh đồng hạn mặn khắp nơi trong cả nước. Nhưng các công nghệ, thiết bị trong nghiên cứu khoa học chưa có nhiều, bản thân ông không đủ điều kiện tiếp cận. Vậy là, ông dùng miệng nếm thử từng mẫu đất, mẫu nước. Vị chát, vị chua ngập tràn trong miệng, nhưng lại giúp ích cho ông phân biệt chất lượng đất. Nếm mãi thành quen, sau 5-6 năm, ông đủ kinh nghiệm để xác định độ pH, độ mặn, natri tồn đọng trong đất gần chính xác với thiết bị đo đạc chuyên dụng (chỉ lệch một đến hai phần ngàn). Cứ thấy bóng áo trắng gầy còm, lưng cong của ông trên ruộng, người ta lại biết ngay “lão Hiền” đang nghiên cứu đất. Gần đây, được một số viện nghiên cứu, bạn bè hỗ trợ công cụ, thiết bị đo lường, ông đã không còn phải nếm đất nữa. Nhưng hôm sang Hòn Đất (Kiên Giang), ông khiến tôi mắt tròn, mắt dẹt khi thể hiện lại kỹ năng phân tích chất lượng đất này. Con số độ mặn ông đưa ra sai lệch không nhiều so với bút đo, thậm chí ông còn có thể phân tích sâu hơn các lớp đất từ quan sát bằng mắt thường.

“Ông gàn” làm… thầy giáo

Sau một ngày đi xa mệt nhoài, ông dẫn tôi trở về căn nhà đơn sơ của mình. Khi ánh sáng vàng nhạt hắt lên vách gỗ, ông lật giở cuốn “gia phả”, trong đó ghi chép “ngày sinh tháng đẻ”, “khai sinh” của từng “đứa con” ông lai tạo ra. Đó là gia tài ông quý nhất, dành non nửa cuộc đời chắt chiu, dành dụm, để rồi dâng tặng cho đời…

Với những đóng góp lớn lao trong nghiên cứu, lai tạo giống lúa, ông Hiền nhận được rất nhiều bằng khen các cấp, từ Trung ương đến địa phương, trở thành điển hình tiên tiến ở các lĩnh vực. Người ở xa, chưa từng tiếp xúc với ông, nghĩ chắc ông giàu có lắm. Nhưng ông vẫn như trước kia, miệt mài vào từng bông lúa, mặc kệ chiếc áo mòn vai sờn rách, mặc kệ cả tiếng chê khen của người đời. 10 năm trở lại đây, những thành quả ông nghiên cứu ra được, hễ giúp ích cho nông nghiệp, nông dân, ông chia sẻ toàn bộ, không giữ lại gì riêng mình.

“Nhiều công ty ngỏ lời muốn nhượng quyền một số giống lúa (vài trăm triệu đồng cho một giống lúa), nhưng tôi thẳng thừng từ chối khi biết được họ muốn độc quyền kinh doanh thu lợi cao, thu lợi từ nông dân mình. Đó là điều tôi đại kỵ. Chính vì vậy, nhiều người cho rằng tôi gàn dở, lập dị. Nhưng họ đâu hiểu được, tôi là người sống trong cộng đồng, nên phải có trách nhiệm vì cộng đồng, không thể vì lợi ích cá nhân hay một tổ chức nào. Đã lai tạo giống lúa vì mục đích phục vụ bà con nông dân, mà lại đi bán giống lúa giá cao, thì làm sao nông dân tiếp cận được?” – Ông Hiền tâm sự.

Không chỉ là nhà nghiên cứu giống lúa, ông còn trở thành người thầy hướng dẫn thực hành cho sinh viên. Chỉ tay về phía sau mảnh đất ruộng, nơi có căn nhà vỏn vẹn 29m2, ông Hiền nói vui đó là “viện lúa giàu nhất thế giới” của mình. Ngoài ý nghĩa là nơi ông Hiền tập trung nghiên cứu khoa học, “viện lúa” còn một sứ mệnh cao cả khác là hỗ trợ miễn phí cho hơn 600 sinh viên nông nghiệp các khóa thuộc Trường Đại học An Giang, Trường Đại học Cần Thơ đến tìm hiểu, tham quan, làm đề tài nghiên cứu.

Tâm sự về “nghề tay trái”, ông Hiền bảo, ông không dám tự nhận mình là thầy của các sinh viên. Ông chỉ đang nỗ lực truyền đạt kiến thức, kinh nghiệm tích lũy cho các bạn, như một cách “trả ơn” ngày trước mình được các trường, trung tâm hỗ trợ “học nghề” miễn phí, để rồi có một Hoa Sĩ Hiền như hôm nay. Mặt khác, ông muốn có thêm nhiều thế hệ kế thừa thành quả lai tạo giống lúa của mình, để cùng áp dụng vào sản xuất, giúp nông dân hạnh phúc sau mỗi vụ mùa.

Từ một nông dân, ông lại được xem như nhà khoa học, một người thầy. Điều đó chứng tỏ, xã hội công nhận những việc ông làm là hữu ích, xứng đáng. Đối với ông, không còn gì vinh dự, quý giá hơn! Nhưng ông vẫn tự dặn lòng: Dù nghèo khó, túng thiếu đến cách mấy, vẫn không nhận gì từ sinh viên, trừ tấm lòng quý mến của họ. Khoảng cách thầy-trò chưa hề tồn tại. Mọi người khắc sâu trong lòng về những chỉ dạy của ông như trút hết ruột gan; về các bữa ăn do ông đi tìm bắt chuột đồng, nồi cơm thơm lừng nấu bằng các giống lúa TC, SH….

16 năm tham gia lai tạo giống lúa, tên tuổi của ông Hoa Sĩ Hiền giờ đây “phủ” đầy trên các cánh đồng, bằng các giống lúa được nông dân ưa chuộng. Vậy mà “nhà khoa học nông dân” này vẫn chưa thỏa mãn, chưa thôi day dứt về những “cánh đồng chết”. Ông vẫn ấp ủ tung ra hàng loạt giống lúa với các tính trạng mới lạ nhất, chưa từng có ở khu vực ĐBSCL và hơn hết là sống tốt trên đất phèn cũng như chịu được hạn, mặn. Và sau những lần rong ruổi trên “cánh đồng chết” thì khát vọng chống chọi lại thiên tai để đem đất đai màu mỡ và ruộng lúa tươi tốt trả về cho miền châu thổ Cửu Long trong ông càng thêm mãnh liệt.

Tổng đài 19001595